Reuters: Muốn khai chiến với Nga, Mỹ cứ cung cấp vũ khí cho Ukraine
Mỹ đang mạo hiểm chọc giận Nga khi cân nhắc kế hoạch cung cấp vũ khí sát thương cho quân chính phủ Kiev bởi nhiều người cho rằng Moscow sẽ không ngại leo thang căng thẳng khi cần thiết.
Căng thẳng quân sự giữa Mỹ – Nga đang ngày càng bùng nổ. Khi mà hôm 23/6, Lầu Năm Góc cho công bố kế hoạch đặt hàng trăm xe tăng, bích kích pháo và xe bọc thép tới các nước vùng Baltics và một số quốc gia Đông Âu là thành viên của NATO. Về phần mình, Nga cũng cho tăng cường các lực lượng tới Belarus và đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống tên lửa Iskander tới Kaliningrad, vùng lãnh thổ được Moscow trang bị vũ khí hạng nặng nằm giữa Ba Lan và Lithuania. Trong khi, cả Mỹ và Nga cần tránh những hành động đẩy hai nước tới miệng hố chiến tranh thì nhiều quan chức trong chính quyền của Tổng thống Barack Obama lại đang đẩy viễn cảnh này tới gần hơn với thực tế. Khi mà họ đang cân nhắc kế hoạch chuyển các loại vũ khí sát thương trị giá hàng tỷ USD cho chính phủ Ukraine.
Reuters cho hay quá trình vận động hành lang trang bị vũ khí cho Ukraine được bắt đầu hồi tháng Hai, thời điểm 3 chuyên gia hàng đầu của Mỹ công bố bản báo cáo biện minh cho lý lẽ Mỹ nên cung cấp 3 tỷ USD vũ khí sát thương cho Ukraine. Kể từ đó cả Thượng viện và Hạ viện đã kêu gọi Tổng thống Barack Obama trang bị vũ khí cho Ukraine. Song, những quan chức cấp cao của Mỹ như Ngoại trưởng John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter và Tướng Không quân kiêm Tư lệnh Tối cao quân đồng minh châu Âu của NATO Philip Breedlove đều công khai phản đối chính sách này. Ngay cả Tổng thống Obama dù phải chịu sức ép ngày càng lớn, vẫn nhất quyết không đồng thuận phê chuẩn. Trong khi đó, giới chức phương Tây liên tiếp cáo buộc điện Kremlin đang giấu nhẹm số binh sĩ Nga tử trận khi tham chiến cùng phe ly khai tại miền đông Ukraine. Họ cho rằng mục đích của Nga là tránh làn sóng phản đối trong nước về cuộc chiến ở nước láng giềng bởi nếu con số binh sĩ tử trận được công khai, Moscow sẽ phải “rút chân” khỏi Ukraine.
Trên thực tế, định hướng địa chính trị của Kiev là yếu tố đặc biệt quan trọng đối với Nga, còn lợi ích của Mỹ ở Ukraine lại là thứ yếu. Nói cách khác, Nga “cần phải có” Ukraine còn với Mỹ “có cũng tốt”. Với tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin cao chưa từng có trong thời gian gần đây, nhà lãnh đạo Nga có thể dễ dàng thuyết phục người dân trong nước rằng Ukraine là vấn đề sống còn đối với Moscow. Do đó, ông Putin đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ những kế hoạch hỗ trợ vũ khí cho quân đội chính phủ Kiev để chiến đấu chống lại phe ly khai ở miền đông Ukraine. Thậm chí, nhiều giả thuyết còn cho rằng Nga có thể tổ chức tấn công đánh chiếm toàn lãnh thổ Ukraine. Hậu quả là con số thương vong ở Ukraine chắc chắn sẽ tăng nhanh. Và đây là điều mà phương Tây không hề mong muốn. Theo Reuters, đối với những người còn tỏ ý nghi ngờ khả năng Nga sẵn sàng leo thang căng thẳng, họ nên xem lại những gì đã xảy ra hồi tháng 8/2014 khi quân chính phủ Ukraine liên tiếp bại trận dưới tay phe ly khai. Giới chức phương Tây cho rằng Tổng thống Putin là người điều động quân đội Nga tới Donbass và sát cánh chiến đấu cùng phe ly khai đánh bật quân đội Kiev khỏi Ilovaisk. Thậm chí, quân đội Nga còn bị cáo buộc đóng vai trò chủ chốt trong sự kiện đẩy lùi các lực lượng Kiev ở Debaltseve hồi tháng Hai năm nay. Đây là lý do mà có thể ông Putin sẽ không ngại tái diễn leo thang căng thẳng khi cần thiết. Trong khi đó, quân đội Nga đang sở hữu chiến lược quân sự “ưu thế leo thang căng thẳng”. Và ngay cả việc Mỹ trang bị vũ khí cho Ukraine cũng không thể đánh bại quyết tâm tấn công của quân đội Nga. Nếu Kiev đứng trước nguy cơ bị đánh bại, liệu còn quốc gia nào tiếp tục ủng hộ viện trợ vũ khí cho Ukraine? Liệu Ukraine có cầu viện “sự đảm bảo từ Mỹ” và yêu cầu các biện pháp đối phó mạnh tay hơn? Vậy phản ứng của Nga sẽ ra sao trong hoàn cảnh này? Cho tới nay, những câu hỏi này vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng và căng thẳng quân sự giữa Mỹ – Nga vẫn chưa thể đi tới hồi kết. Leo thang căng thẳng ngoài Ukraine Những người ủng hộ kế hoạch trang bị vũ khí cho Kiev cũng cần cân nhắc tới khả năng Tổng thống Putin có thể chọn phương án leo thang căng thẳng cả bên ngoài lãnh thổ Ukraine. Điển hình, Nga đã ra tuyên bố về ý định bắt đầu cung cấp các hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại S-300 cho Iran vào năm 2016. Mặc dù trước đó, Moscow từng hứa hẹn chuyển S-300 cho Iran nhưng lại không thực hiện. Bản thân Tổng thống Putin cũng mập mờ cho rằng Moscow sẽ chưa chuyển S-300 cho Iran “trong tương lai gần”.
Tuy nhiên, nếu Mỹ trang bị vũ khí cho Ukraine, ông Putin có thể đẩy nhanh tiến độ chuyển giao tên lửa S-300 cho Iran và thậm chí cả S-400. Các hệ thống S-300 và S-400 sẽ khiến Mỹ và đồng minh của Washington khó có thể triển khai các cuộc không kích nhằm vào cơ sở hạt nhân của Iran. Ngoài ra, việc trang bị các hệ thống vũ khí hiện đại từ Nga còn giúp tăng vị thế của Iran trên bàn đàm phán hạt nhân với phương Tây. Gần đây, Tổng thống Putin cũng mập mờ ám chỉ Nga có thể cung cấp hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại S-300 cho chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Chắc chắn, Israel sẽ phải lo ngại trước khả năng S-300 rơi vào tay Hezbollah, một đồng minh thân cận với Tổng thống Assad và là đối thủ “không đội trời chung” của Israel. Chưa dừng lại, Nga và Triều Tiên còn ra tuyên bố thắt chặt mối quan hệ kinh tế và chính trị theo khẩu hiệu “năm của tình bạn”. Trong khi Bình Nhưỡng tỏ ý quyết tâm không từ bỏ chương trình hạt nhân gây tranh cãi thì bất cứ động thái nào nhằm giảm sự cô lập với Triều Tiên, cũng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của Mỹ.
Mỹ đang tự mạo hiểm Quay trở lại với tình hình chiến sự ở Ukraine. Hồi tháng 7/2014, phe ly khai ở miền đông Ukraine bị cáo buộc là thủ phạm dùng tên lửa phòng không Buk do Nga cung cấp, bắn rơi chuyến bay MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines, khiến 283 người thiệt mạng.
Xét về tương quan lực lượng, đa số binh sĩ chiến đấu trong hàng ngũ quân chính phủ Kiev đều đến từ những tiểu đoàn được tư nhân tài trợ đào tạo. Dù đa phần những binh sĩ này nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Kiev nhưng có những tiểu đoàn tai tiếng như Azov lại đưa ra cảnh báo rằng “họ có thể mang chiến tranh tới Kiev” nếu như các điều kiện ở Ukraine không được cải thiện.
Một câu hỏi gây tranh cãi đặt ra là: liệu số vũ khí mà Mỹ có ý định chuyển cho Ukraine có rơi vào nhầm tay đối tượng tiếp nhận? Bởi câu chuyện này từng xảy ra trong quá khứ. Cụ thể, trong thập niên 80, Mỹ đã cung cấp các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại Stinger và trang bị nhiều loại vũ khí khác cho lực lượng nổi dậy ở Afghanistan để chống lại các đợt tấn công từ quân đội Liên Xô cũ. Nhưng khi các binh sĩ Liên Xô cũ rút lui khỏi Afghanistan, Mỹ cũng thu gom đồ đạc và trở về quê nhà còn số vũ khí của Mỹ vẫn ở lại Afghanistan. Sau này, một số báo cáo cho rằng số tên lửa Stinger của Mỹ tại Afghanistan đã có mặt tại chiến trường Iran, Triều Tiên và Libya. Ngay cả, mạng lưới khủng bố al-Qaeda cũng được cho sở hữu không ít súng bắn tỉa hiện đại của Mỹ. Gần đây nhất, nhiều tờ báo đưa tin lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS đã nắm trong tay “một số lượng lớn” các loại vũ khí do Mỹ sản xuất, từ tay của quân chính phủ Iraq và các tay súng nổi dậy ở Syria. Trong khi Washington đang đẩy mạnh chiến dịch tiêu diệt IS thì quân đội Mỹ lại phải chiến đấu chống lại chính những vũ khí mà nước mình sản xuất. Dù hiện tại, tình hình tại Ukraine ổn định hơn so với Afghanistan, Iraq và Syria nhưng lịch sử đã chứng minh các khoản viện trợ quân sự của Mỹ đôi khi vẫn “bị thất lạc”. Theo Reuters, Mỹ chỉ nên hỗ trợ kinh tế và chính trị cho Ukraine thay vì chuyển các loại vũ khí sát thương trị giá hàng tỷ USD cho quân đội Kiev. Bởi đây là lựa chọn “quá mạo hiểm” của Mỹ trước Nga.
Nội dung được thực hiện qua thảm khảo nguồn tin Reuters (Anh), một trong những hãng tin lớn nhất thế giới. Reuters cung cấp bài viết, hình ảnh, đồ họa và video cho rất nhiều tờ báo, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác trên toàn thế giới. MINH THU (lược dịch) |
Theo Infonet