Samsung, Oppo so găng quyết liệt nửa đầu 2015 ở Việt Nam
Số liệu từ IDC và các nhà bán lẻ cho thấy, phân khúc Android tầm trung và giá rẻ đang là sàn đấu của hai đối thủ chính: Oppo và Samsung.
Theo số liệu từ IDC, thị phần doanh số trong quý I/2015 của Samsung lên đến 35,2%, Oppo ở mức 10,4%. Điều này đồng nghĩa với việc cứ 10 chiếc smartphone tại Việt Nam thì có đến 3 chiếc điện thoại của Samsung đến tay người dùng và một của Oppo.
Thống kê từ IDC cũng cho thấy Top 3 thị phần thương hiệu điện thoại tại Việt Nam gồm ba cái tên Samsung, Microsoft, Oppo. Nếu chỉ tính riêng Android, thị phần Samsung và Oppo cộng lại đã bằng một nửa thị trường Việt.
Thống kế của GfK ở mảng smartphone cho thấy, thị phần của Samsung tính đến tháng 2/2015 là 18,9%, giảm nhẹ từ 20,1% ở thời điểm cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, Oppo đã tăng trưởng lên gấp 2,5 lần: từ 2,8% vọt lên 7,9% chỉ sau 12 tháng bám đuổi.
Nhìn vào top 10 smartphone bán chạy nhất tại Việt Nam của Zing.vn gần đây, Samsung dẫn đầu với 4 đến 5 mẫu, Oppo cũng các đại diện góp mặt trong danh sách này như Joy, Neo 3. Số còn lại là những mẫu di động giá tốt đến từ Asus và Microsoft. Trong những model bán chạy của Oppo và Samsung, hầu hết là mẫu trung cấp ra mắt trong năm 2014 được hạ giá xuống phân khúc phổ thông. Mỗi hãng chỉ có một sản phẩm mới ra mắt trong 2015. Điều này cho thấy người dùng vẫn mang tâm lý dè dặt, chỉ chọn những mẫu đã khẳng định được trên thị trường.
Trong quý I/2015, Samsung đã thành công khi điều chỉnh giá tốt cho hàng loạt sản phẩm dưới 10 triệu đồng, từ những mẫu giá rẻ như Galaxy V, Galaxy Core Prime cho đến những mẫu cận cao cấp thuộc dòng Galaxy A, mẫu tầm tung Galaxy E. Trong khi đó, Oppo lại đẩy mạnh việc cho ra mắt sản phẩm mới, hướng đến giới trẻ và quảng bá mạnh mẽ thông qua những biểu tượng trong làng giải trí. Hãng đang “hái trái ngọt” từ Joy và Neo 3 sau nhiều tour lưu diễn rầm rộ của năm cũ, và đang chi tiền tấn quảng bá cho mẫu Neo 5, R5 nhằm tăng tốc trong những tháng tiếp theo. Không chỉ cạnh tranh về sản phẩm và truyền thông, Samsung và Oppo cũng đánh nhau nảy lửa tại các nhà bán lẻ. Nếu như vài năm trước, thương hiệu Samsung ngập tràn các gian hàng di động, bên cạnh Nokia, thì hiện màu xanh Oppo không ngừng phủ kín các điểm bán. Theo các đại lý, tên tuổi Trung Quốc không tiếc tiền đặt biển ở các vị trí đẹp. Đặc biệt, ở các cửa hàng tỉnh, địa phương, Oppo gần như phủ kín nhiều cửa hàng nhỏ.
Nhận định về cuộc chiến giữa Oppo và Samsung tại Việt Nam, Ông Võ Lê Tâm Thanh, đại diện IDC Việt Nam cho rằng hãng điện thoại Hàn Quốc đang nới rộng khoảng cách với Oppo nếu xét về thị phần. Về thương hiệu, Samsung có lợi thế hơn Oppo bởi hãng này là tên tuổi lớn nhất trong quý I/2015 khi chiếm tới 24.6% thị phần toàn cầu. Điều này tạo lợi thế không nhỏ cho hãng cho chiến lược quảng bá và tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam. Tùy theo chính sách của mình, Oppo và Samsung đều có cách tiếp cận các nhà bán lẻ theo cách riêng. Oppo được cho là có độ phủ rộng tới từng tỉnh thành nhưng Samsung có kinh nghiệm kinh doanh nhiều năm và đã thiết lập mối quan hệ với các nhà bán lẻ. “Thị trường luôn biến động vì ngày càng nhiều hãng gia nhập. Do đó, cần một chiến lược lâu dài để duy trì sự cạnh tranh trên thị trường. Một hãng đang dẫn đầu không có nghĩa là không thể bị đánh bại bởi một hãng mới khác”, – ông Võ Lê Tâm Thanh, IDC Việt Nam. Tuy những con số thống kê đều chỉ ra sự cạnh tranh gay gắt giữa Oppo và Samsung, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc thị trường chỉ có hai thương hiệu. Asus đang tích cực đẩy mạnh các hoạt động bán hàng và quảng bá cho Zenfone 2, Sony tung ra hàng loạt các sản phẩm dáng đẹp, giá tốt như Xperia M4 Aqua, Xperia C4. Trong khi đó, Microsoft cũng bước đầu lấy lại được phong độ với những mẫu Windows Phone giá tốt như Lumia 640, Lumia 640 XL. Theo các nhà bán lẻ, nửa sau của năm 2015 có thể là cuộc chiến giảm giá của những model đã ra mắt từ đầu năm, đánh vào nhu cầu của người dùng trong mùa mua sắm. Do đó, diễn biến của cuộc chiến Samsung – Oppo hay của cả thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan đến việc định giá và tiếp cận người dùng. Duy Tín |
Theo Zing