9 sai lầm phổ biến của phụ huynh làm hỏng giấc ngủ của con
Giấc ngủ ngon rất quan trọng đối sự phát triển não bộ của bé. Một số cha mẹ có thói quen cho con ngủ trên giường cùng mình để tăng sự gắn bó. Tuy nhiên đây là một sai lầm phổ biến và khá tai hại. Và đó không phải là điều duy nhất bạn không nên làm nếu muốn con mình có giấc ngủ chất lượng.
1. Bé không có thói quen ngủ đúng giờ
Thiết lập thói quen đi ngủ rất cần thiết cho bé vì việc này giúp trẻ bình tĩnh, ngủ nhanh hơn và biết khi nào cần đi ngủ. Cuối cùng, khi đã quen với việc ngủ vào thời gian đó, bé sẽ chìm vào giấc ngủ dễ dàng và nhanh chóng hơn rất nhiều.
2. Cha mẹ không giúp bé giải trí đủ khi bé còn thức
Trẻ em cũng giống như chúng ta – càng bận rộn vào ban ngày, chúng ta càng kiệt sức dễ ngủ hơn. Vì vậy, hãy cố gắng cho bé tham gia vào càng nhiều hoạt động càng tốt. Trò chuyện và hát cho chúng nghe, kéo căng cơ bắp của bé hoặc ra ngoài để bé tận hưởng một ngày đẹp trời – tất cả những điều đó sẽ khiến bé mệt mỏi hơn và sẵn sàng đi ngủ hơn.
3. Cha mẹ không nhận ra các dấu hiệu buồn ngủ của bé
Đôi khi cha mẹ không nhận ra dấu hiệu con đang buồn ngủ và bồng bế hay chơi đùa với chúng quá lâu. Ví dụ, họ đợi cho đến khi bé bắt đầu khóc mới cho đi ngủ. Thật ra ngoài việc khóc, còn có nhiều dấu hiệu khác cho thấy bé mệt mỏi và cần ngủ trưa. Ví dụ nếu bé nhăn mặt, siết chặt nắm tay, rời mắt khỏi bạn và nhìn chằm chằm vào khoảng không, hoặc dụi mắt và dụi tai, điều đó có nghĩa là đã đến lúc bé cần đi ngủ.
4. Cha mẹ luôn tìm cách vỗ về con
Một số thói quen như lắc lư hoặc mát xa có thể giúp bé thư giãn và hiểu rằng đó là thời gian để đi ngủ. Nhưng đôi khi, tốt hơn hết là bạn bỏ qua những thói quen này để bé cố gắng tự xoa dịu bản thân để đi vào giấc ngủ mà không cần sự giúp đỡ của mẹ. Đó cũng là lý do tại sao khi bé khóc kêu mẹ, bạn không nên đáp ứng lại ngay.
Thông thường, bé khóc hoặc tạo ra âm thanh nào đó có nghĩa là bé đã thức và cần mẹ. Tuy nhiên chúng có thể đang trải qua các giai đoạn khác nhau của giấc ngủ nên việc mẹ đến gần kiểm tra có thể khiến chúng thức giấc. Ngoài ra, một nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những đứa trẻ có cha mẹ chờ một lúc lâu mới phản ứng với việc chúng thức dậy lại giúp chúng học được cách tự xoa dịu bản thân tốt hơn.
5. Cha mẹ cho bé ngủ trong phòng có quá nhiều ánh sáng
Một số cha mẹ nghĩ rằng khi bé ngủ trưa vào ban ngày, nên cho trẻ vào phòng sáng để bé học cách phân biệt giữa ngày và đêm. Tuy nhiên điều này hoàn toàn là hoang đường. Bóng tối là thứ có tác dụng làm dịu em bé, thúc đẩy sản xuất melatonin – một loại hormone giúp điều chỉnh giấc ngủ.
6. Cha mẹ chuyển từ cũi sang giường cho bé quá sớm
Cho dù em bé của bạn đã lớn hơn cũi của chúng, hoặc bạn mới có thêm một đứa trẻ sơ sinh ra đời – đừng vội vàng cho bé ngủ trên giường. Hầu hết trẻ em đều chỉ nên được chuyển từ cũi sang giường trong khoảng từ 18 tháng đến 3 tuổi rưỡi.
Việc bạn cho bé ngủ trên giường quá sớm, nó có thể làm cho bé bối rối và không thoải mái. Thậm chí bạn có thể sẽ bắt gặp thấy bé đi lang thang trong nhà vào giữa đêm vì bé đã quen với ranh giới của cũi và chưa thể thể kiểm soát chính mình mà không cần đến cũi.Chỉ khi trẻ mới biết đi và bắt đầu muốn trèo ra khỏi cũi, bạn mới cần xem xét việc cho trẻ ngủ trên giường. Ngoài ra, nếu bạn đang dạy con ngồi bô, việc cho con ngủ trên giường sẽ hợp lý hơn vì điều này giúp bé học được cách tự đi vệ sinh.
7. Cha mẹ ngăn chặn mọi tiếng ồn nhằm giúp bé ngủ ngon
Các bậc cha mẹ thường cố gắng loại bỏ tất cả những âm thanh gây ồn để con ngủ tốt hơn. Tuy nhiên, đây không phải ý tưởng hay. Việc để trẻ em quen với việc ngủ trong sự im lặng hoàn toàn có thể gây khó ngủ cho chúng sau này, vì thế giới luôn ồn ào không ngừng. Bạn có thể sử dụng máy tạo tiếng ồn trắng (tiếng ồn nhỏ, đều đặn từ các thiết bị như quạt, máy giặt, v.v…) để giúp bé ngủ dễ hơn, nhưng cha mẹ cũng nên thận trọng khi sử dụng thiết bị này.
8. Cho bé nằm chung giường với cha mẹ
Một số cha mẹ cho trẻ sơ sinh ngủ chung giường với mình. Tuy nhiên điều này sẽ làm tăng nguy cơ SIDS (hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh) và các trường hợp tử vong khác liên quan tới giấc ngủ. Bên cạnh đó, việc thay đổi chỗ ngủ liên tục từ giường sang cũi có thể khiến bé trở nên khó ngủ hơn khi không có mẹ bên cạnh.
9. Cha mẹ để em bé ngủ trưa quá lâu
Trẻ sơ sinh ngủ từ 13 đến 15 giờ mỗi ngày là chuyện bình thường. Tuy nhiên, khi con bạn lớn hơn, chúng không nên ngủ trưa hơn 3 giờ mỗi ngày. Ngủ quá nhiều trong ngày tạo ra lịch trình ngủ không lành mạnh, và con của bạn có thể bị khó ngủ và trằn trọc suốt đêm.
Hạo Nhiên (theo Bright Side)