8 đập Trung Quốc chặn 40 tỉ m3, nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục
8 đập thủy điện nằm trên lãnh thổ Trung Quốc là thủ phạm chính khiến mực nước sông Mekong xuống thấp kỷ lục. Nhiều nơi cồn cát lộ ra trên sông Mekong đoạn chảy qua Thái Lan.
Mekong Butterfly, nhóm dân sự Thái Lan chuyên nghiên cứu tác động của những con đập được xây dựng dọc sông Mekong (Trung Quốc gọi là Lan Thương), hôm 21/7 cho biết, 8 con đập ở Trung Quốc là “thủ phạm” chính khiến mực nước sông xuống thấp kỷ lục, gây khó khăn cho người dân các nước sinh sống ở vùng hạ lưu.
Hiện mực nước sông Mekong giảm khoảng 10-20cm mỗi ngày. Mực nước tại tất cả các phụ lưu của sông Mekong cũng ở mức rất thấp.
Mực nước trong các hồ chứa lớn tại 12 huyện của tỉnh Nakhon Phanom hiện chỉ ở mức 10-20% công suất, các cánh đồng lúa trong vùng đang thiếu nước trầm trọng.
Dựa trên các nghiên cứu, nhóm khẳng định các đập Trung Quốc đã chặn tổng cộng 40 tỷ m3 nước để sử dụng cho sản xuất điện, tưới tiêu và các mục đích khác, gây ra dòng chảy bất thường của sông. Mực nước sông Mekong ở Thái Lan xuống thấp nhất khi đập Cảnh Hồng ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc giảm mức xả chỉ còn 500 m3/giây.
Đến ngày 18/7, Cảnh Hồng tăng lượng nước xả lên 1.000 m3/s, tuy nhiên nước sông Mekong ở vài tỉnh phía bắc và đông bắc Thái Lan vẫn chưa phục hồi, khiến các hoạt động như giao thông đường thủy, đánh bắt cá, bơm nước… đều bất khả thi.
Nhìn chung, các chuyên gia chỉ ra rằng, 3 nguyên nhân chính khiến mực nước sông Mekong ở Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam xuống thấp kỷ lục là do lượng mưa năm nay giảm; đập Cảnh Hồng xả ít nước; đập Xayaburi ở Lào chạy thử nghiệm.
Theo đó, vào ngày hôm qua, các nhóm dân sự gửi bản kiến nghị kêu gọi chính phủ các nước dọc theo sông Mekong xem xét các dự án đập sắp tới. Bản kiến nghị được Mạng lưới Bảo tồn Mekong (MCN) đệ trình trong diễn đàn được tổ chức tại tỉnh Chiang Rai về tác động của các con đập trên sông Mekong.
Điều phối viên MCN, Somkiat Khuanchiangsa cho rằng Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Việt Nam và Campuchia phải tìm giải pháp ngăn chặn thiệt hại sinh thái gây ra bởi 11 đập hoạt động và 11 đập khác sẽ được xây dựng ở hạ lưu sông Mekong.
Pianfly Deetes, nhà bảo tồn đại diện cho nhóm chiến dịch International Rivers, cho biết mực nước giảm mạnh và các tác động sinh thái tiếp theo như hạn hán và tuyệt chủng cá ở sông Mekong – “sẽ trở nên bình thường” nếu một loạt các đập thủy điện như đập Xayaburi bắt đầu hoạt động trong ba thập kỷ tới.
Bà Pianfly còn nhận định các biểu hiện như mực nước thấp bất thường, sự xuất hiện của cồn cát và ghềnh đá dưới đáy sông, cá chết hàng loạt, trạm bơm ngưng hoạt động… chỉ là “khởi đầu” của một viễn cảnh xấu phía trước.
Trước tình hình đó bà kêu gọi các chính phủ ở các nước ven sông và các nhà điều hành đập phải đưa ra các biện pháp phòng ngừa và kế hoạch giảm thiểu.
“Nhà điều hành đập Cảnh Hồng ở Trung Quốc cần phân tích lượng nước ở sông Mekong và các nhánh sông trước khi điều tiết bất kỳ dòng chảy nào và phải làm cẩn thận vì đập chỉ cách tỉnh Chiang Rai 360km”, bà nói.
Đối với đập Xayaburi ở Lào, trong đó công ty xây dựng CH Karnchang của Thái Lan là nhà đồng đầu tư và sẽ bán điện cho Cơ quan Phát điện Thái Lan (Egat) sau tháng 10, bà Pianyh cho biết nhà điều hành chỉ nên chạy thử khi có đủ lượng nước ở sông. “Egat phải nhận ra rằng nước ở sông Mekong đang khan hiếm… cá trên sông sẽ dần bị xóa sổ”, bà nói.
“Hôm nay chỉ mới có 2 đập thủy điện giữ nước mà chúng ta đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vẫn còn 28 đập khác ở Trung Quốc và 11 đập ở Lào đã được lên kế hoạch…” – bà Pianporn băn khoăn.
Giảm 90% phù sa đồng bằng sông Cửu Long
Bộ Tài nguyên – môi trường (TN-MT) cho biết việc phát triển các đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mekong đang tác động đến môi trường tự nhiên ở ĐBSCL, hệ quả tác động diễn ra nhanh chóng và phức tạp.
Nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mekong cho thấy nếu thượng nguồn sông Mekong phát triển đủ thủy điện, tổng lượng phù sa ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bị suy giảm tới 90%.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải cho biết trước đây Cà Mau luôn luôn được bồi phù sa bồi đắp, nhưng nhiều năm gần đây đã hết phù sa, trong khi sạt lở diễn ra nhanh và khốc liệt hơn.
Anh Thư (t/h)