Vật dụng bằng đồng có thể là thủ phạm gây bệnh da ‘lạ’
Kết luận sơ bộ của đoàn công tác Bộ Y tế sau hai ngày đến huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) thăm khám, là có thể nguyên nhân gây bệnh tổn thương da cho hơn 60 người tại đây xuất phát từ việc dùng các vật dụng bằng đồng.
Hai ngày qua các chuyên gia Bộ Y tế đã khám cho hàng chục bệnh nhân tổn thương da của xã Ba Điền, từng được điều trị khỏi và xuất viện trong vòng một tháng qua, song đến nay vẫn chưa xác định nguyên nhân gây bệnh.
Các chuyên gia cũng khảo sát thực tế tại cộng đồng dân cư, phát hiện rất nhiều vật dụng bằng đồng của người dân dùng nấu ăn, nấu nước uống, cối giã trầu… Bước đầu, các chuyên gia y tế nhận định nhiều khả năng những vật dụng bằng đồng này là tác nhân gây ra bệnh “lạ”. Bởi lẽ qua xét nghiệm máu, hầu hết bệnh nhân mắc bệnh đều có lượng đồng trong máu rất cao.
Các chuyên gia y tế thuộc Bộ Y tế đang khám các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín |
Gia đình ông Đinh Văn Hình ở thôn Gò Nghênh có 5 người thì cả 5 đều mắc bệnh. Kết quả xét nghiệm máu cho thấy lượng đồng trong máu của 5 người đều cao. Các chuyên gia phát hiện 17 vật dụng bằng đồng trong nhà ông Hình.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Hậu Khang, Giám đốc bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết trước khi về địa phương khảo sát thực tế đã nghĩ đến yếu tố bệnh do môi trường, các vật dụng thường dùng…
Theo Tiến sĩ Khang, lượng đồng cao trong máu hoặc người tiếp xúc nhiều với đồng sẽ gây dày sừng bàn tay, viêm da hay gây rối loạn chức năng gan. Tuy nhiên muốn xác định rõ ràng vẫn phải chờ xét nghiệm.
Ngoài những vật dụng bằng đồng thì những yếu tố như môi trường sống xung quanh, nguồn nước và thực phẩm thường dùng, cũng là những mối nghi ngờ mà đoàn khảo sát sẽ tiếp tục điều tra.
Trong số 60 bệnh nhân, có 5 người được bệnh viện Da liễu Trung ương trực tiếp điều trị hiện tình trạng sức khỏe tiến triển tốt, không tái phát hay có bất kỳ hiện tượng bất thường gì kể cả thể tạng. Riêng các bệnh nhân điều trị tại bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi sau khi xuất viện có một người biểu hiện bệnh tái phát.
Các bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương đang tái khám cho những bệnh nhân từng mắc bệnh “lạ”. Ảnh: Trí Tín |
Theo Tiến sĩ Khang, để xác định rõ nguyên nhân gây ra bệnh phải lấy mẫu xét nghiệm. Sau khi có kết quả xét nghiệm, Viện Da liễu Trung ương sẽ so sánh với mẫu máu, da của 5 bệnh nhân từng được điều trị khỏi ở Hà Nội để phân tích, đối chứng làm rõ.
“Mặc dù chưa xác định rõ nguyên nhân, căn bệnh này có thể điều trị khỏi hẳn hoàn toàn nếu phát hiện sớm. Do vậy, người dân không nên quá lo lắng, cần vệ sinh tốt cá nhân, môi trường xung quanh, ăn chín, uống sôi đề phòng bệnh”, ông Khang khuyến cáo.
Theo báo cáo của Sở Y tế Quảng Ngãi, từ ngày 19/4 đến 25/9, ở huyện miền núi Ba Tơ đã phát hiện 59 trường hợp mắc bệnh tổn thương ngoài da chưa rõ nguyên nhân, tập trung ở các xã: Ba Điền, Ba Xa, Ba Ngạc và Ba Vinh. Một bệnh nhân ở xã Ba điền tử vong do suy đa phủ tạng nghi nhiễm độc. Đặc biệt xã Ba Điền có 4 thôn đều có người mắc bệnh. Tuổi mắc bệnh nhỏ nhất là 4, lớn nhất là 72 tuổi, 37 người trong độ tuổi lao động. Hiện có 8 bệnh nhân đang được theo dõi, điều trị tại bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi.
Các trường hợp mắc bệnh đều có biểu hiện lâm sàng khá giống nhau: tổn thương da mu bàn tay, bàn chân, đầu và kẽ của các ngón tay chân với những mảng da màu đỏ sậm, sưng nhẹ, đau nhẹ, ít ngứa. Sau 4 ngày đến một tuần, gan bàn tay, bàn chân có dấu hiệu nứt, nẻ và dày. Một số người bệnh có tổn thương ở vùng má, 2 bên cánh mũi, mặt trước – trong cẳng tay.
Trí Tín