Châu Âu: Tìm ra nguyên nhân gây khủng hoảng hơn 400 năm trước
Vào những năm 1600 ở châu Âu, cuộc khủng hoảng toàn diện với hàng loạt biến động xã hội như chiến tranh, lạm phát, nạn đói đã xảy ra liên tiếp.
Trong khi các nhà sử học đổ lỗi cho những hỗn loạn ngày càng nghiêm trọng của cuộc chiến giữa chế độ phong kiến và chủ nghĩa tư bản, thì một nghiên cứu mới đây lại tìm ra một “thủ phạm” khác.
Đó chính là do tác động của biến đổi khí hậu làm cho thời tiết quá lạnh kéo dài ở giai đoạn Little Ice Age (thời kì Tiểu Băng Hà – một thời kì giá lạnh bất thường ở châu Âu và Bắc Mỹ suốt những năm 1300-1850).
Bức tranh mô phỏng giai đoạn lạnh giá ở London năm 1677. (Ảnh: Abraham Hondius via Heritage Images/Corbis)
Các tác giả cho biết, giai đoạn Little Ice Age đã kìm hãm sự phát triển của nền sản xuất nông nghiệp và cuối cùng dẫn đến cuộc khủng hoảng ở châu Âu. Đây là kết quả được rút ra từ nghiên cứu về mối quan hệ giữa biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng quy mô lớn trong xã hội loài người.
Trước khi diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp, tất cả các nước châu Âu đều là những nước có diện tích đất trồng trọt rất lớn, là một “xã hội nông nghiệp với nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào khí hậu”.
Một nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Hồng Kông đã phân tích các dữ liệu ở châu Âu và những khu vực khác thuộc Bắc bán cầu từ năm 1500 đến 1800. Theo đó, họ tiến hành so sánh dữ liệu về khí hậu, chẳng hạn như nhiệt độ, với các biến số khác bao gồm quy mô dân số, tốc độ tăng trưởng, chiến tranh, rối loạn xã hội khác, cùng các số liệu về sản xuất nông nghiệp và nạn đói, giá ngũ cốc, tiền công.
Các tác giả nói rằng một số ảnh hưởng, chẳng hạn như tình trạng thiếu lương thực và các vấn đề về y tế, cho thấy từ giữa năm 1560 và 1660, giai đoạn khắc nghiệt nhất của Little Ice Age, diện tích đất canh tác cũng như mức sinh giảm rất mạnh. Chiều cao trung bình hạ xuống gần 2 cm trong khoảng thời gian cuối những năm 1500, suy dinh dưỡng lan rộng… Những điều này chỉ được khắc phục khi nhiệt độ tăng trở lại sau năm 1650.
Đối với những vấn đề khác, chẳng hạn như nạn đói, chiến tranh 30 năm (1618-1648), hoặc người Mãn Châu chinh phục Trung Quốc thì “nhiệt độ không phải là nguyên nhân trực tiếp của chiến tranh và xáo trộn xã hội mà là giá trị của ngũ cốc. Nói chung, biến đổi khí hậu là nguyên nhân sau cùng, nguyên nhân cơ bản gây nên các hỗn loạn ấy”, David Zhang, người đứng đầu nghiên cứu nói.
Nghiên cứu mới này vừa là bài học lịch sử đồng thời cũng đưa ra lời cảnh báo. “Khi khí hậu thay đổi do sự nóng lên toàn cầu, các nước đang phát triển sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn, bởi vì đây là những nước có sự phụ thuộc đáng kể vào sản xuất nông nghiệp”, Zhang cho biết thêm.
theo tinmoi