Trừng phạt Trung Quốc
Dự luật trừng phạt Trung Quốc lại được đưa ra bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ vào chiều 3-10. Washington từ lâu luôn cáo buộc Bắc Kinh là cố tình hạ giá đồng nhân dân tệ nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp của mình trong giao dịch thương mại quốc tế.
Mỹ gây áp lực với Trung Quốc về chính sách đồng nhân dân tệ – Ảnh: AFP
Reuters dẫn lời các thượng nghị sĩ cho rằng Mỹ cần cứng rắn hơn để buộc Trung Quốc phải đánh giá lại chính sách đồng nhân dân tệ của mình. Thượng nghị sĩ Dân chủ Chuck Schumer, một trong những nhà soạn thảo dự luật này, dự đoán thượng viện sẽ thông qua sự trừng phạt này với số phiếu áp đảo trước khi chuyển cho hạ viện xem xét. “Thời điểm kêu gọi một cách lịch sự đối với Trung Quốc đã qua rồi” – ông Schumer nhấn mạnh.
Quan điểm cứng rắn
Giới phân tích cho rằng dự luật này nếu được thông qua có thể đặt Mỹ vào tình thế bất lợi khi gây tổn hại cho mối quan hệ thương mại với Trung Quốc, vốn là thị trường xuất khẩu lớn của Washington. Song lập luận này không còn ngăn cản nổi ý muốn trừng phạt Bắc Kinh ở nhiều thượng nghị sĩ Mỹ. AFP dẫn lời thượng nghị sĩ Dân chủ Sherrod Brown cảnh báo Trung Quốc sẽ tiếp tục làm Mỹ mất đi thế cạnh tranh như từng diễn ra trong những năm đầu thập niên 1990 khi thâm hụt thương mại tăng cao.
“Hiện thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã là 200 tỉ USD. Trung Quốc đang lũng đoạn hệ thống tiền tệ và rõ ràng đã làm giảm khả năng cạnh tranh của chúng ta trên nhiều mặt. Còn chúng ta lại tấn công Trung Quốc chưa đủ mạnh” – thượng nghị sĩ Brown nói. Ông cho rằng việc Washington không có thái độ cứng rắn đối với chính sách tiền tệ của Trung Quốc chính là nguyên nhân gây tác động đến cuộc sống của tầng lớp trung lưu, làm tỉ lệ thất nghiệp tăng cao trong giới giáo viên, cảnh sát và lính cứu hỏa Mỹ. “Các nhà máy bị đóng cửa và không còn tiền để trả lương cho công nhân”- ông Brown vạch rõ.
Giới chuyên gia nhận định do việc làm trở thành một đề tài nóng bỏng trong cuộc tranh cử vào đầu năm 2012 nên khả năng dự luật trừng phạt chính sách tiền tệ của Trung Quốc có thể được Thượng viện Mỹ thông qua mạnh tay hơn so với những năm trước từng được đưa ra. Theo Reuters, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Mitt Romney cũng đã đặt Trung Quốc là vấn đề trọng tâm chính trong cuộc tranh cử khi ông cam kết sẽ kiểm soát chặt chẽ vấn đề Trung Quốc, không để tiếp tục gian lận với Mỹ.
Song dự luật này chắc sẽ vấp phải sự phản đối tại hạ viện. Người phát ngôn Nhà Trắng Jay Carney cho biết chính quyền Obama sẽ xem xét dự luật và chưa đưa ra lập trường chính thức. Cùng lúc, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa tại hạ viện cũng chưa có động thái nào về dự luật này.
Dự luật nhỏ, ván cờ lớn
Giới chuyên gia Mỹ quan ngại dự luật nếu được thông qua cũng chỉ đem lại khoản thu thuế rất nhỏ trên hàng hóa Trung Quốc được nhập khẩu với tổng kim ngạch 365 tỉ USD năm 2010. Nhưng nó sẽ đặt chính quyền Tổng thống Obama trước những thử thách rất lớn. “Việc đổ cho Trung Quốc là ông kẹ là chuyện rất dễ làm. Nhưng dự luật sẽ hỗ trợ rất ít cho vấn đề việc làm ở Mỹ và sẽ tăng chi phí nhập khẩu” – chuyên gia Doug Guthrie, trưởng khoa kinh doanh tại Đại học George Washington, nhận định.
Báo Wall Street Journal dẫn lời chủ tịch Hội đồng kinh doanh Trung Quốc – Mỹ John Frisbie thừa nhận các công ty Mỹ đã lỗ nặng từ những bất đồng thương mại giữa hai bên. Tuy cho rằng đồng nhân dân tệ đang bị định giá thấp, song ông Frisbie cũng nhấn mạnh nó đã tăng 30% từ năm 2005. Trong thời gian đó, tỉ lệ thất nghiệp ở Mỹ vẫn tiếp tục tăng và điều này dẫn đến nghi ngờ cho rằng liệu việc tăng giá đồng nhân dân tệ có thể giúp Mỹ giải quyết được vấn đề việc làm hay không.
Ông Frisbie cho rằng dự luật trừng phạt Trung Quốc là một bước tiếp cận sai lầm. Nhà nghiên cứu Nicholas Lardy thuộc Học viện kinh tế quốc tế Peterson cũng tỏ ra hoài nghi: “Liệu việc Trung Quốc đánh giá lại chính xác đồng tiền của mình có đem lại việc làm cho người Mỹ hay không. Hay là các nhà máy sẽ được chuyển đến Indonesia, Bangladesh hay vùng Hạ Sahara ở châu Phi, những nơi có chi phí nhân công thấp nhất?”.
Giới chuyên gia nhận định nguy cơ lớn nhất của Mỹ là các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) có thể cho quyền Bắc Kinh giành thắng thế và họ sẽ trả đũa. Nhiều doanh nghiệp Mỹ còn quan ngại Trung Quốc sẽ còn tìm cách trở lại Mỹ ồ ạt hơn trước đây.
Bắc Kinh đã lên tiếng phản ứng về dự luật trừng phạt của Mỹ. “Cuộc chạy đua tranh cử tổng thống Mỹ đang căng thẳng và tỉ giá đồng nhân dân tệ hiện nay lại trở thành mục tiêu của họ”- Tân Hoa xã bình luận. Bắc Kinh cáo buộc các tuyên bố của giới ủng hộ dự luật là “cạn nghĩ”, đồng thời cáo buộc Mỹ đang lặp lại thói quen cũ là đổ trách nhiệm cho Trung Quốc.
theo MỸ LOAN
(tuoitre)