Thiếu đất hiếm, hàng công nghệ tăng giá
– Việc Trung Quốc siết chặt khai thác và xuất khẩu đất hiếm đã khiến một số sản phẩm công nghệ sử dụng nguyên liệu này tăng giá.
Cầu tăng, cung giảm
Về phía Trung Quốc, họ đóng cửa ngành đất hiếm trên diện rộng trong 3 tháng tới, đồng thời bày tỏ lo lắng về ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí và chất phóng xạ mà ngành đất hiếm thải ra. Mặc dù bản thân đất hiếm không phải là chất phóng xạ, các kim loại này lại luôn được tìm thấy trong quặng có chứa thorium nhiễm xạ.
Ông Xu Xu, chủ tịch Phòng Thương mại Xuất Nhập khẩu Kim loại, Hoá chất và Khoáng chất Trung Quốc, một tập đoàn nhà nước kiểm soát ngành đất hiếm nói rằng: “Các doanh nghiệp không quan tâm đến vấn đề môi trường, vấn đề lao động và trách nhiệm xã hội. Và bây giờ chúng tôi phải dạy họ”.
Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, ngành đất hiếm sẽ gặp điểm khủng hoảng vào năm 2014 và 2015. |
Tuy nhiên, quan điểm phương Tây cho rằng, Trung Quốc có thể đang cố lách các quy định thương mại quốc tế cấm không được hạn chế xuất khẩu các nguyên liệu quan trọng.
Trung Quốc đã áp thuế hải quan và cô-ta đối với hoạt động xuất khẩu đất hiếm nhiều năm nay. Trong nửa cuối năm 2010, nước này đã giảm 72% cô-ta xuất khẩu và tiếp tục giảm thêm 35% trong nửa đầu năm 2011. Việc hạn chế nguồn cung toàn cầu này đã đẩy giá các thành tố của đất hiếm tăng gấp 8 – 40 lần. Trong khi đó, nhu cầu của toàn thế giới đối với các kim loại đất hiếm được dự đoán tăng 48% cho đến năm 2015.
Trung Quốc cũng dự định hợp nhất 80% sản lượng đất hiếm từ miền Nam Trung Quốc thành 3 công ty trong vòng 2 – 3 năm tới.
Ông Mike O’Driscoll, biên tập tờ Industrial Minerals (Anh) nói rằng: “Hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, ngành đất hiếm sẽ gặp điểm khủng hoảng vào năm 2014 và 2015. Có khoảng 200 – 300 công ty thực hiện các dự án đất hiếm mới để tăng sản lượng nhưng hầu hết đang ở giai đoạn đầu và phải mất 5 – 10 năm nữa mới có thể hoạt động chính thức”.
Bóng đèn tiết kiệm điện tăng giá 37%
Một trong các thành tố của đất hiếm, europium oxide, được sử dụng trong sản xuất bóng đèn tiết kiệm điện, ti vi plasma và điện thoại thông minh, đã tăng giá từ 1.260USD/kg lên 3.400USD/kg. Dysprosium oxide, dùng để chế tạo nam châm cho các loại đĩa cứng máy tính và tuabin gió tăng gấp đôi, từ 720USD/kg lên 1.470USD/kg.
Do nguyên liệu đầu vào tăng, giá loại bóng đèn tiết kiệm điện đã tăng 37% trong năm nay. Đèn tiết kiệm điện tăng giá sẽ gây trở ngại cho ngành sản xuất đèn tại Mỹ và châu Âu và các nhà môi trường học ủng hộ việc chuyển sang sử dụng loại đèn này. Ông Mike O’Driscoll nhận định, nhiều sản phẩm công nghệ khác sử dụng đất hiếm có thể tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.
Thủy Nguyễn (Theo Guardian và New York Times)