6 bí quyết giúp não bộ được ‘nghỉ ngơi’, kéo dài tuổi thọ
Cuộc sống bộn bề khiến con người ngày càng đối diện với nhiều căng thẳng và mệt mỏi. Có lẽ ai cũng đều mong muốn qua tuổi trung niên vẫn sẽ luôn giữ được tinh thần minh mẫn. Thật ra có rất nhiều bí quyết đơn giản giúp não bộ của bạn hoạt động khỏe mạnh hơn.
Trong một cuộc nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Nature, các nhà nghiên cứu của trường Y Harvard cho rằng, một bộ não thường xuyên được thư giãn, ít chịu các tác động căng thẳng ảnh hưởng đến thần kinh cũng như giảm thiểu những cảm xúc tiêu cực, tổn thương sẽ giúp kéo dài tuổi thọ.
Sau khi phân tích mô não được hiến tặng từ những người đã chết có tuổi thọ từ 60 đến 100 tuổi trở lên, các nhà nghiên cứu cho biết họ nhận thấy rằng những người sống thọ đều là những người có não bộ thường xuyên được thư giãn, ít phải chịu nhiều căng thẳng, áp lực.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy một loại protein trong não những người này, mang tên REST (có nghĩa là “nghỉ ngơi”), loại protein này ngăn chặn trạng thái căng thẳng của não bộ làm giảm tỷ lệ tử vong.
Để chứng minh cho điều này, một thí nghiệm khác cũng được tiến hành trên giun và động vật có vú, kết quả cho thấy việc tăng cường protein REST giúp não bộ hoạt động khỏe mạnh hơn và kéo dài tuổi thọ hơn.
“Nghiên cứu chỉ ra rằng duy trì một lối sống lành mạnh, nghỉ ngơi hợp lý, cũng như việc thường xuyên luyện tập các bài tập như ngồi thiền hay đơn giản là ngủ đủ giấc đều giúp duy trì sức khỏe não bộ của bạn.
Bởi bộ não là cơ quan tiêu hao nhiều năng lượng nhất trong cơ thể chúng ta, mặc dù nó chỉ nặng khoảng một phần bảy so với trọng lượng của cơ thể nhưng lại tiêu hao hết một phần ba năng lượng trong cơ thể.
Vì vậy, cách tốt nhất để có một cơ thể khỏe mạnh và duy trì não bộ hoạt động tốt là cần có thời gian nghỉ ngơi hợp lý”, Gayatri Devi, MD, giáo sư lâm sàng về Thần kinh học tại Trung tâm Y tế Northwell ở New York cho biết.
Tiến sĩ Maryanna Klatt, giáo sư y học thuộc viện lâm sàng tại Trung tâm Y tế Wexner Đại học Ohio, (chuyên về bệnh mãn tính gây ra do căng thẳng và hướng dẫn các buổi học thực hành chánh niệm) đã chia sẻ một số bí quyết giúp não bộ được “nghỉ ngơi”, thư giãn như sau:
1. Điều chỉnh cảm xúc
Tiến sĩ Klatt nói rằng cách tuyệt vời nhất để có được bộ não khỏe mạnh là giảm thiểu căng thẳng tối đa.
“Để làm được điều này, bạn cần xác nhận điều kiện ngoại cảnh khiến bản thân cảm thấy căng thẳng. Chỉ khi nào bạn xác định đúng nguyên nhân gây ra căng thẳng và thừa nhận cơ thể mình đang chịu ảnh hưởng, bạn mới có thể tìm ra giải pháp để giải tỏa sự căng thẳng đó”.
Tiến sĩ Klatt cũng cho biết, bà đã làm việc với rất nhiều bác sĩ y khoa và đã đề nghị rằng “nên nắm bắt các thông tin liên quan đến bệnh nhân trước khi gặp họ.”
“Mục đích tìm hiểu trước là để các bác sĩ có thời gian tập trung tìm ra nguyên nhân gây căng thẳng cho bệnh nhân đồng thời có giải pháp thích hợp để điều trị tâm lý cho người bệnh. Cũng như có thể điều trị tốt hơn khi đối mặt trực tiếp với họ”, bà Klatt giải thích thêm.
Ngoài ra còn một cách vô cùng hữu ích khác giúp tâm trí bạn thư giãn, tinh thần luôn cảm thấy thoải mái là luyện tập các bài thiền định. Điều này sẽ giúp bạn thực sự làm chủ được từng ý nghĩ và điều chỉnh cơ thể của mình.
“Ngồi thiền không chỉ giúp tâm trí bạn thư giãn mà bạn còn có khả năng làm chủ được những suy nghĩ của mình. Đó là lý do tại sao với khoảng 5-10 phút thiền định mỗi ngày, cơ thể và trí não của bạn sẽ có thời gian lắng đọng để cân bằng cảm xúc và tinh thần.”
2. Lắng nghe
Khi ở trong một cuộc thảo luận sôi nổi, bạn có thể nhận thấy chỉ những người đã được luyện tập kỹ năng lắng nghe mới có thể dừng lại để nhường cơ hội được nói cho người khác. Người xưa cũng có câu: “Con người mất 1 năm để học nói nhưng phải mất cả đời để học cách lắng nghe”.
“Khi lắng nghe những âm thanh xung quanh là bạn đang hấp thụ một phần của thế giới. Nếu bạn đi bộ dọc con đường, hãy chú ý tới việc người khác đang nói gì để học cách suy nghĩ của họ. Vì vậy, học cách lắng nghe cũng là một cách giúp não bộ của bạn hoạt động tốt hơn.”
3. Vẽ biểu đồ biểu thị hoặc lập thời gian biểu
Tiến sĩ Klatt yêu cầu sinh viên của mình vẽ ra hai biểu đồ hình tròn, một biểu đồ biểu thị những công việc sẽ làm trong 24 giờ và một biểu đồ thể hiện những việc thật sự muốn làm trong 1 ngày.
Mặc dù hầu hết thời gian đều dành cho việc học tập nhưng việc vẽ ra biểu đồ giúp bạn biết nắm bắt thời gian và sắp xếp hợp lý các hoạt động làm việc trong ngày.
“Tôi yêu cầu sinh viên đánh dấu riêng những thời gian trống trong ngày, không phải là điền thêm những việc X, Y, Z nào đó, cũng không phải chỉ là làm bài tập hay đơn giản là cần xem lại mà muốn nhấn mạnh rằng chúng ta cần phải có những hoạt động hữu ích trong thời gian rảnh.”
“Việc vẽ biểu đồ còn giúp bạn hiểu rõ hơn về những việc cần làm với bản thân, bạn biết được việc nào cần ưu tiên làm trước, khoảng thời gian nào nên dành riêng cho bản thân mình để cả cơ thể và trí não được nghỉ ngơi. Tôi nghĩ mọi người thường lãng phí thời gian rảnh rỗi của mình vào những việc vô ích.
Thậm chí trong thời gian rảnh cảm xúc tiêu cực thường nhân đôi vì những việc làm vô nghĩa. Họ thực sự đã không có được khoảng thời gian nghỉ ngơi hợp lý.”
4. Tận hưởng bữa ăn ngon hoặc nghĩ đến những điều tuyệt vời
Chúng ta thường hay quan tâm đến ăn những món ăn nào giúp cơ thể khỏe mạnh, cân đối mà quên mất cách mình nên thưởng thức món ăn ấy như thế nào hay học cách tận hưởng niềm vui trọn vẹn trong bữa cơm gia đình ra sao.
Thỉnh thoảng hãy thoải mái thưởng thức một bữa ăn đầy đủ calo mà đừng lo nghĩ gì về tình trạng cân nặng. Chỉ là bạn không nên ăn quá nhiều các món chiên rán như khoai tây chiên, các món mỡ béo để tránh tình trạng thừa cân.
“Tôi khuyên mọi người trong mỗi bữa ăn, thay vì tập trung vào số lượng calo đưa vào cơ thể và lo lắng về tình trạng tăng cân, béo phì, bạn hãy thoải mái tận hưởng hương vị của món ăn. Đó là cách giúp não nghỉ ngơi và tận hưởng một bữa ăn với những khoảnh khắc hạnh phúc bên gia đình.”
5. Nhận biết sớm tình trạng kiệt sức
Dấu hiệu của sự kiệt sức không chỉ là mệt mỏi về thể chất mà còn là sự ức chế về mặt tinh thần.
Những người bị kiệt sức thường có dấu hiệu vô cảm với mọi việc xung quanh, không có cảm xúc vui vẻ, tự hào với những thành tựu cá nhân, không hứng thú với mọi việc và tâm trạng luôn khó chịu.
“Họ cũng thường suy diễn những chuyện vớ vẩn, làm phức tạp vấn đề hay nghĩ nghiêm trọng hóa về một sự việc đã qua trong quá khứ. Việc sớm nhận biết tình trạng kiệt sức và thừa nhận các tác động của nó sẽ giúp bạn có ý thức hơn trong vấn đề giữ gìn sức khỏe thể chất và tinh thần. Từ đó, bạn sẽ ưu tiên quỹ thời gian trong ngày để giúp não nghỉ ngơi và chăm sóc bản thân mình.”
6. Nhờ sự giúp đỡ từ các bác sĩ tâm lý
Để loại bỏ những cảm xúc tiêu cực và lấy lại sự cân bằng cảm xúc, tiến sĩ Klatt còn khuyên rằng, trong cuộc sống thường ngày, bạn có thể chọn cách tiếp xúc thường xuyên với những người có tư duy tích cực hoặc những người có nhiều kinh nghiệm trong việc sắp xếp cuộc sống, tổ chức công việc. Họ sẽ cho bạn những lời khuyên hữu ích để cân bằng cuộc sống cá nhân.
“Với tôi, việc làm chủ và biết điều chỉnh những cảm xúc, suy nghĩ của mình là rất quan trọng.
Trong cuộc sống, sẽ có những khó khăn khiến bạn muốn gục ngã và dường như không còn niềm tin bước về phía trước. Mọi người xung quanh có thể có những lời khuyên hữu ích tiếp thêm sức mạnh cho bạn. Nhưng chỉ có chính bạn mới thật sự hiểu rõ chính mình.
Hãy học cách suy nghĩ tích cực và lạc quan hơn trong cuộc sống. Khi tâm trí bạn rộng mở thì cánh cửa cơ hội cũng mở rộng với bạn.”
Bạch Nhật (Theo Health Line)