Dùng nam châm điều khiển bộ não
Theo tờ Daily Mail, các nhà nghiên cứu Estonia phát hiện, khi cho nam châm can thiệp vào phía bên phải hoặc bên trái của vùng vỏ não trán trước lưng bên ( Dorsolateral prefrontal cortex) ở ngay phía sau trán người, nó sẽ khiến bạn nói dối hoặc nói thật, phụ thuộc vào bên nhận kích thích. Khi hướng tác động của nam châm vào phần khác của bộ não – vùng thùy đỉnh, việc đưa ra quyết định của chủ thể không hề bị thay đổi.
Dùng nam châm tác động lên não có thể điều khiển được việc nói dối hay nói thật. Ảnh: DailyMail
“Lựa chọn tự nhiên về việc nói dối nhiều hơn hay ít hơn có thể chịu ảnh hưởng của kích thích vào não”, các nhà nghiên cứu Inga Karton và Talis Bachmann viết trong báo cáo công bố trên tạp chí Behavioural Brain Research.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm với 16 tình nguyện viên bằng cách trao cho họ những đĩa có màu khác nhau. Một nửa số đối tượng này nhận kích thích từ tính vào phía bên phải vùng vỏ não trán trước lưng bên, số còn lại nhận kích thích từ tính vào phía bên trái.
Những người tình nguyện được đề nghị lựa chọn nói dối hoặc nói thật về màu sắc của các đĩa phân phát trước đó. Kết quả cho thấy, những người nhận kích thích vào bên trái nói dối nhiều hơn, trong khi những người nhận kích thích bên phải tỏ ra trung thực hơn.
Năm ngoái, các nhà khoa học Mỹ từng phát hiện, nam châm cũng có thể được sử dụng để phá vỡ “la bàn đạo đức” của não. Vùng nằm ngay phía sau tai phải đã tăng hoạt động khi chúng ta nghĩ về những hành động sai lầm hoặc đúng đắn của người khác.
Trong một thí nghiệm khác thường, các nhà nghiên cứu Mỹ đã có thể sử dụng nam châm mạnh để gây rối khu vực này của não và làm cho chủ thể tạm thời ít tuân thủ các nguyên tắc đạo đức hơn. Nghiên cứu cho thấy, cảm nhận của chúng ta về cái đúng và cái sai không chỉ dựa trên nền tảng nuôi dưỡng, tôn giáo hay triết học mà còn phụ thuộc vào cấu trúc sinh học của bộ não chúng ta.