Giá lương thực khiến Kenya thêm đói nghèo
Trong lúc châu Phi đang phải chiến đấu chống lại cơn hạn hán kéo dài tồi tệ nhất trong hơn nửa thế kỷ qua thì giá thực phẩm lên cao lại tăng thêm cảnh đói nghèo tại Kenya.
Hạn hán kéo dài và giá thực phẩm thiết yếu leo thang khiến nhiều người Kenya phải thay đổi thói quen sinh hoạt. Ảnh: celsias.com
Wolfgang Fengler, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Kenya mô tả sự leo thang của giá thực phẩm giống như “một cuộc khủng hoảng thầm lặng” đang được hình thành.
“Đây là cuộc khủng hoảng bởi khu vực này vẫn còn nghèo đói, hơn nửa dân số chỉ kiếm được dưới 2 USD một ngày. Họ dành trung bình một nửa số tiền trên cho việc mua đồ ăn. Nếu giá thực phẩm tăng, hiển nhiên họ sẽ phải giảm chi tiêu cho chuyện này”.
Tuần trước, Cục dữ liệu quốc gia Kenya thông báo lạm phát tại đây đã tăng 9 tháng liên tiếp tính tới tháng 7, hiện cao hơn 15,53% so với năm ngoái. Giá cả sinh hoạt tăng do giá các thực phẩm chính của người dân như bột ngô, bột mỳ, đường và gạo tăng.
Giá một bao bột ngô loại 90 kg “nhảy” từ 16 USD vào tháng 6/2010 lên 44 USD vào tháng 7/2011, tăng tới 160%. Bột ngô là thực phẩm chính của hầu hết người dân tại Kenya. Giá đường cũng tăng 19,43% chỉ tính từ tháng 6 sang tháng 7 năm nay.
Các nhà phân tích nhận định nhiều nguyên nhân xảy ra cùng lúc đã dẫn tới cảnh thực phẩm leo thang giá cả tại Kenya.
“Hạn hán là nguyên nhân rõ ràng nhất. Cả khu vực này đã phải chịu cảnh khô hạn kinh khủng nhất trong vòng 60 năm qua. Nhưng xa hơn, tôi nghĩ lý do là nông nghiệp đang trong cảnh thiếu thốn, thiếu những thứ mà người nghèo cần. Đó mới là lý do căn bản nhất.”, Tiến sĩ Shenggen Fan, giám đốc Viện nghiên cứu chính sách lương thực cho hay.
Vấn đề trở nên trầm trọng hơn bởi những nguyên nhân khác, ví dụ như giá nhiên liệu dùng để vận chuyển lương thực tăng, đồng shilling Kenya yếu và các nước láng giềng cấm xuất khẩu bột ngô. Chính quyền Tanzania gần đây cũng tuyên bố cấm xuất khẩu bột ngô và các sản phẩm khác nhằm tăng lượng lương thực nội địa và giữ giá của các sản phẩm này thấp ở nước nhà.
Tiến sĩ Fan cho rằng những động thái kiểu này đánh thẳng vào vấn đề thực phẩm của Kenya. “Tại Kenya, sản xuất bị giảm hơn 50%, cùng lúc nhập khẩu gần như ngủ yên bởi chính sách cấm xuất khẩu của Tanzania và Ethiopia, từ đó Chính phủ và các doanh nghiệp tư nhân không thể nhập khẩu đủ bột ngô. Khi sản lượng giảm thì nghiễm nhiên giá cả sẽ phải tăng”, ông nói.
Trong khi giá bột ngô trên toàn thế giới đã tăng từ năm ngoái, thì “kịch bản” cho người dân nghèo Kenya lại là giá tăng nhanh hơn nhiều so với mặt bằng chung.
Ông Fengler nói: “Nếu họ có thể mua với giá như quốc tế, thì họ chỉ phải trả khoảng 30 USD một bao bột ngô, trong khi thực tế đang bị móc túi tới 44 hoặc 45 USD cho 90kg bột này”.
Challiss McDonough, phát ngôn viên cấp cao phụ trách khu vực Đông, Trung và Nam Phi của Chương trình Lương thực Thế giới thuộc Liên hiệp quốc cho rằng về mặt lý thuyết, giá lương thực cao không hẳn là một tin xấu tại các nước đang phát triển mà phụ thuộc vào nông nghiệp bởi điều này sẽ cải thiện thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, thực tế thì chỉ một bộ phận nhỏ nông dân có đủ đất và vốn để sản xuất trong danh sách này. Tiến sĩ Fengler cũng đồng ý rằng số nông dân hưởng lợi từ giá thực phẩm tăng cao tại Kenya là rất ít.
Một nghiên cứu gần đây của Cơ quan hỗ trợ quốc tế chỉ ra rằng giá cả leo thang đang thay đổi thói quen ăn uống của hầu hết người dân Kenya: 76% người dân cho biết họ buộc phải thay đổi bữa ăn hàng ngày và có tới 79% đổ lỗi cho giá cả.
Theo: VnExpress/CNN