Nhân sinh cảm ngộ: Trừ bỏ dục vọng
Khi một người thác sinh vào thế giới này, người ấy không mang theo gì cả. Không có gì trên đời này sẽ đi theo người ấy hay có thể được mang theo khi người ấy rời đi. Tuy vậy lại có rất nhiều cám dỗ trên hành trình cuộc sống. Ngày nay, những người ôm giữ nhiều dục vọng mạnh mẽ lại cho rằng các ham muốn ấy là bản năng gốc của nhân loại. Họ tin rằng dục vọng là động lực trong cuộc sống, nhưng rất ít ai chịu nghĩ sâu hơn về tác hại của việc dung dưỡng quá mức lòng tham không đáy của mình. Nhân loại có thất tình lục dục. Những ham muốn ấy có nguyên lai từ nhiều mặt: thức ăn, vật chất, danh vọng, lợi ích cá nhân, sắc dục và quyền lực. Nếu một người không biết cách kiềm chế dục vọng của mình, cả cuộc đời của người ấy sẽ chỉ là một quá trình liên tục theo đuổi dục vọng của mình. Chỉ bậc trí giả có tâm vô vi và ít ham muốn mới hiểu được niềm vui của sự bình dị và thỏa mãn.
Vào thời cổ đại, người Trung Quốc có tiêu chuẩn đạo đức rất cao và họ đã truyền lại những lời dạy về việc kiểm soát dục vọng của con người.
“Nhất niệm chi dục bất năng chế, nhi họa lưu vu thao thiên.”
“Hoạn sinh vu đa dục.” (Lưu An)
(“Chỉ một niệm ham muốn không được kiềm chế thì hậu quả cũng sẽ thật khôn lường.”
“Nhiều dục vọng sinh ra tai họa.”)
“Nhân hữu dục, tắc kế hội loạn, kế hội loạn nhi hữu dục thậm, hữu dục thậm tắc tà tâm thắng, tà tâm thắng tắc sự kinh tuyệt, sự kinh tuyệt tắc họa loạn sinh.” (Hàn Phi Tử)
(“Người nào mang theo dục vọng, tâm ắt sẽ loạn, tâm loạn thì dục vọng càng mạnh, dục vọng mạnh khiến tà tâm chi phối, tà tâm chi phối làm cho cách hành xử rối loạn, hành xử rối loạn chắc chắn sẽ sinh ra tai họa.”)
“Quân tử đa dục tắc tham mộ phú quý, uổng đạo tốc họa; tiểu nhân đa dục tắc đa cầu uổng dụng; bại gia tang thân.” (Tư Mã Quang)
(Bậc quân tử mà ham muốn nhiều thì sẽ trọng vật chất và lạc sang đường tà; kẻ tiểu nhân mà có nhiều ham muốn thì sẽ truy cầu phú quý và hậu quả là tán gia bại sản và mất mạng.)
“Kiến khả dục, tắc tri túc dĩ tự giới.” (Ngụy Chinh)
(Tự biết được ham muốn của mình thì ắt sẽ biết cách tự tiết chế bản thân.)
“Dưỡng tâm mạc thiện vu quả dục.” (Mạnh Tử)
(Tu tâm chẳng qua chính là kiềm chế dục vọng bản thân.)
“Nhân nhược bất tri túc, tham dục hạo vô cùng.” (Lục Du)
(Kẻ tham lam thì không biết thế nào là đủ.)
Tất cả những danh ngôn kể trên đều khuyên chúng ta không được nảy sinh dục vọng (bất tham dục), không dung túng bản thân (bất túng dục), cũng như không được đam mê dục vọng (bất thị dục). Chúng ta phải bảo trì các tiêu chuẩn đạo đức và tiến dần từ ít ham muốn đến không còn ham muốn trong khi vẫn giữ ý chí kiên cường.
Đại dương có thể dung chứa hàng trăm con sông, và hàng ngàn vách đá có thể đứng sừng sững nhờ ý chí kiên cường. Lâm Tắc Từ, tổng đốc của một tỉnh vào triều Thanh trong giai đoạn thời gian mà thuốc phiện bị cấm buôn bán, đã từng nói những điều mà mỗi khi đọc lại, tôi đều có thể cảm nhận được sự cởi mở, ý chí kiên cường, sự rộng lượng và tinh thần chính trực của ông: “Khi khiêm tốn và cởi mở thì chúng ta có thể tiếp thu nhiều ý kiến khác nhau. Khi không mưu cầu điều gì và không tranh đấu với ai, thì chúng ta cũng giống như những vách núi xuyên thấu trời xanh và đứng sừng sững một cách kiêu hãnh. Con người ta càng ít ham muốn thì tâm tư càng thoải mái. Người ta càng ít tìm kiếm thì càng trở nên mạnh mẽ. Dục vọng làm suy nhược ý chí.”
Cổ nhân có câu: “Tâm vi hình sở luy” (Tâm hồn sẽ trở thành cái mà nó dung chứa). Một người ham muốn càng nhiều thì áp lực càng nặng nề hơn. Ôm giữ càng nhiều dục vọng thì càng bị ràng buộc chặt hơn. Khi đã rơi vào vực thẳm dục vọng thì con người không thể thoát ra được. Dục vọng sẽ ăn mòn ý chí, làm tha hóa lương tri và hậu quả là biến chúng ta thành nô lệ. Trên thực tế, có nhiều người đã hủy hoại sức khỏe, uy tín và nhân cách của bản thân chỉ vì ham muốn. Khi tâm của một người chứa đầy lợi ích và dục vọng cá nhân thì người ấy không thể có một nhân cách tốt hay ý chí mạnh mẽ được.
Thế gian tràn ngập cám dỗ và cực kỳ khó khăn để đạt được cảnh giới vô dục (không ham muốn). Để làm được như thế, con người nhất thiết phải bảo trì tâm thái tĩnh lặng như mặt nước. Tất nhiên đây không phải là cảnh giới của người thường. Tâm hồn chỉ có thể tĩnh lặng như mặt nước khi người ta vứt bỏ hết mọi bụi trần và sống với lòng biết ơn vì đã tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống. Chỉ khi một người tu luyện hiểu được các nguyên lý của vũ trụ và ý nghĩa thật sự của cuộc sống thì người đó mới có thể không còn ham muốn, chiến thắng mọi cám dỗ và giữ được tâm hồn tinh khiết.
Khi không mang theo ham muốn, nhân loại sẽ tự nhiên có được những phẩm chất cao đẹp. Không có dục vọng, con người sẽ có ý chí mạnh mẽ và trí tuệ. Không bị dục vọng chi phối, con người sẽ có thể tìm được phương hướng trong cõi mê này, luôn lý trí và sống đúng với chân ngã của mình. “Vô dục” là một cảnh giới tâm linh cao thượng mà trong đó nhân phẩm của một người sẽ giống như một cây thông: vĩnh viễn đứng thẳng trong mưa gió.
(Theo Chánh Kiến)