Thành ngữ Trung Hoa: Chân kinh nan thủ (真經難取)
Trong Tây Du Ký, Đường Tăng (Huyền Trang) làm chuyến hành trình đến Ấn Độ để thỉnh chân kinh về Trung Quốc. Ông đi cùng với ba đồ đệ là Tôn Ngộ Không (Mỹ Hầu Vương), Trư Bát Giới, và Sa Ngộ Tĩnh (Sa Tăng). (Kiyoka Chu/Epoch Times)
Ngày nay, câu thành ngữ “Chân kinh nan thủ”, vẫn còn được sử dụng rộng rãi trong cả văn nói lẫn văn viết của Trung Quốc, câu này có nguồn gốc từ tiểu thuyết “Tây Du Ký”, một trong bốn kiệt tác văn học trong lịch sử Trung Quốc. Tiểu thuyết này dựa trên câu chuyện có thật về chuyến hành trình tới Ấn Độ mang tính lịch sử của nhà sư Huyền Trang để thỉnh chân kinh.
Theo các ghi chép lịch sử, để đến được nước Ấn thỉnh chân kinh, tăng nhân Đường triều, tên gọi Huyền Trang đã phải trải qua rất nhiều khổ nạn, nguy nan, và cám dỗ. Trong tiểu thuyết, các khổ nạn này được thể hiện và truyền tải thông qua sự ngăn trở của các loài ma quỷ và yêu quái, chúng được xem là hiện thân của gian khổ, khó khăn cần phải vượt qua để đắc được những lời giáo huấn chân chính.
Các khía cạnh khác nhau của một người tu luyện hay một tín đồ, trong trường hợp này là Huyền Trang, được thể hiện qua bốn nhân vật chính của tiểu thuyết – bản thân Đường Tăng cùng với ba người đồ đệ của ông là Tôn Ngộ Không (Mỹ Hầu Vương), Trư Bát Giới (Ngộ Năng), và Sa Ngộ Tĩnh (Sa Tăng).
Huyền Trang đại diện cho chính niệm và tín tâm; Ngộ Không dũng cảm và mưu trí, nhưng nóng vội; Bát Giới đại diện cho những yếu nhược ở con người như háo sắc, ham ăn, và ưa hưởng thụ; còn Sa Tăng thì trầm tĩnh, chăm chỉ, và khiêm tốn. Để hòa hợp các điểm mạnh và khắc chế khiếm khuyết, những thành viên trong nhóm cũng đã phải đối mặt với nhiều thử thách trên hành trình thỉnh kinh đầy gian khổ.
Câu “Chân kinh nan thủ” 真經難取 (Zhēn Jīng Nán Qǔ) xuất hiện đầu tiên trong một chương của cuốn tiểu thuyết, chương này kể về một con yêu quái giả dạng thần linh. Kẻ giả mạo này ra sức chia rẽ Đường Tăng và đồ đệ hòng khiến họ trở mặt với nhau, qua đó nó có cơ hội để cô lập Đường Tăng rồi ăn thịt ông.
Trong câu chuyện, tên yêu quái đóng giả Bồ Tát và nói với Đường Tăng rằng: “Nếu ngươi không từ bỏ tên đồ đệ ‘độc ác’, ngươi sẽ không lấy được chân kinh.” Huyền Trang và các đồ đệ cuối cùng cũng nhìn ra được trò lừa gạt của yêu ma, và đồng tâm tiêu diệt nó, tiếp tục hành trình về Tây Thiên để hoàn thành thệ nguyện.
Câu nói trên mô tả chính xác những nguy nan trên hành trình của cả nhân vật lịch sử có thực lẫn nhân vật tiểu thuyết Huyền Trang. Nó được sử dụng rộng rãi nhằm nhấn mạnh sự khó nhọc cần phải đối mặt để đắc được lời giáo huấn chân chính hoặc tiếp thu được tinh hoa của vạn sự vạn vật mà không bị lời giả dối dẫn dụ, mê hoặc.
Dịch Việt ngữ bởi: Việt Nguyên
Để đọc bản gốc trên Epoch Times, vui lòng click vào đây.