Nhật ‘chống hối lộ chưa đủ mạnh’
Một tờ báo lớn của Nhật kêu gọi chính phủ mạnh tay hơn với tội hối lộ ở nước ngoài sau khi có cáo buộc lại quả đổi lấy hợp đồng ở Việt Nam.
Báo Asahi Shimbun, trong Bấmxã luận hôm 31/3, nói chương trình viện trợ của Nhật nêu bật nhu cầu “không để Nhật Bản bị xem là quốc gia dung thứ tham nhũng”.
Nhật Bản và Việt Nam đang quan tâm cáo buộc trên một tờ báo khác của Nhật, Yomiuri Shimbun, rằng Công ty Tư vấn giao thông Nhật Bản (JTC) đã hối lộ các cán bộ ngành đường sắt Việt Nam.
Nhân cáo buộc này, có dư luận ở Nhật đã chỉ ra rằng chính phủ Nhật bị xem là không chủ động trừng phạt việc làm mờ ám của các công ty Nhật tại nước ngoài.
Xã luận của Asahi Shimbun cho biết mới đây Bộ Tư pháp Mỹ đã phạt một công ty Nhật 9 tỉ yen vì tội hối lộ quan chức Indonesia để đổi hợp đồng nhà máy nhiệt điện.
Tờ báo viết: “Nỗ lực độc lập loại trừ tham nhũng bởi từng nước không công hiệu mấy.”
“Nhật Bản cần làm việc với các nước và đòi các nước nhận viện trợ phải có biện pháp chống tham nhũng như điều kiện nhận giúp đỡ phát triển.”
Asahi Shimbun nói khi một bê bối xảy ra tại Việt Nam sáu năm trước (vụ án Huỳnh Ngọc Sĩ), Bộ Ngoại giao Nhật nói sẽ có kế hoạch tăng tài trợ để xây dựng hệ thống tư pháp chống tham ô ở nước ngoài.
“Nhưng viện trợ của Nhật trong lĩnh vực này vẫn nhỏ,” tờ báo viết.
“Lần này, chính phủ cần thực thi cam kết và khôi phục uy tín của Nhật.”
‘Không đủ mạnh’
Trước đó, Bấmhôm 25/3, cây bút John West, giám đốc Viện Thế kỷ Châu Á (Asian Century Institute) nhắc rằng Nhật Bản không nên bị xem là cũng tham ô như các nước.
“Chống hối lộ và tham nhũng có lẽ là vấn đề lớn nhất tại châu Á, và sự lãnh đạo về đạo đức của Nhật trong khu vực gặp rủi ro nếu Nhật cũng có vẻ tham ô giống phần còn lại trong khu vực.”
Bài viết của ông John West dẫn lại một báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) phê phán Nhật không đủ mạnh tay với các công ty Nhật dính vào các vụ làm ăn mờ ám ở nước ngoài.
Ngành giao thông vận tải VN dính líu đến tiền tham nhũng Nhật
BấmBáo cáo của OECD cho biết từ khi luật chống hối lộ ở nước ngoài của Nhật có hiệu lực năm 1999, Nhật mới chỉ hoàn tất trừng phạt hai vụ.
Đó là vụ Kyudenko năm 2007 và vụ PCI (liên quan ông Huỳnh Ngọc Sĩ ở Việt Nam) năm 2008.
Giới chỉ trích phê phán việc chỉ để một văn phòng nhỏ thuộc Bộ Kinh tế, Thương Mai, Công nghiệp Nhật lo ngăn ngừa các vụ hối lộ ở nước ngoài.
Văn phòng chống hối lộ này chỉ có ba người, gồm cả một lãnh đạo văn phòng và một viên chức thuộc Bộ giáo dục.
OECD tin rằng việc thi hành Công ước chống Tham nhũng của Nhật không được xem là ưu tiên, trong đó có việc thiếu nhân lực vật lực để phát hiện, điều tra và truy tố.
Nếu quả thực chính phủ Nhật Bản thiếu kiên quyết điều tra tội hối lộ ở nước ngoài, thì cũng không lạ vì dường như đây là vấn đề chung của nhiều nước phát triển.
BấmBáo cáo năm 2013 của tổ chức theo dõi tham nhũng Minh bạch Quốc tế (Transparency International) cáo buộc 30 trong 40 nước tham gia Công ước chống tham nhũng của OECD “hầu như chẳng điều tra và truy tố tội hối lộ ở nước ngoài”.
Theo báo cáo, số quốc gia tích cực thực thi Công ước chỉ chiếm 26% giá trị xuất khẩu toàn cầu.
Transparency International cũng cáo buộc “20 nước, gồm cả thành viên G20 như Brazil, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hà Lan, đã gần như chả làm gì để quy trách nhiệm hối lộ chính phủ nước ngoài cho công ty và doanh nhân của họ”.
Theo BBC