Bể bơi chứa đàm dãi, nước mũi, thậm chí cả nước tiểu
Ít ai ngờ rằng, ở những hồ bơi không đảm bảo vệ sinh, nước hồ bơi có thể chứa những chất như đàm dãi, nước mũi, thậm chí cả nước tiểu. Thời tiết nóng nực mấy ngày nay chính là thời điểm tốt nhất để đến bể bơi. Tuy nhiên đó cũng là nguyên nhân làm người đi bơi có nguy cơ rước bệnh tai mũi họng, đau mắt, các bệnh ngoài da vào người.
Mỗi người vào bể bơi có thể đã tự mang theo rất nhiều vi khuẩn trên người, nếu nước hồ bơi không vệ sinh thì nguy cơ rước bệnh là rất cao
Bể bơi công cộng: bể chứa vi khuẩn
Khảo sát tại các hồ bơi trên địa bàn TPHCM những ngày qua cho thấy, hầu hết các hồ bơi đều tăng lượt khách bơi gấp đôi, gấp ba lần trước đây. Nhiều hồ bơi còn quá tải vào dịp cuối tuần. Theo nhân viên Câu lạc bộ bơi Kỳ Đồng (Q.3), trung bình những ngày nắng nóng có khoảng 1.000 lượt khách. Có khi cao điểm lên đến 1.500 lượt khách. Tương tự, tại các hồ bơi Cung Văn hóa Lao Động (Q.1), Văn Thánh (Q. Bình Thạnh) những ngày này cũng luôn trong tình trạng đông khách.
Mùa hè với thời tiết nắng nóng kéo dài, các hồ bơi tại TPHCM đã trở thành điểm đến lý tưởng cho người lớn và trẻ em đến tránh nắng. Do nhu cầu bơi tăng cao dẫn đến sự quá tải ở một số hồ bơi. Bể bơi nào cũng đông kín, nhiều người xuống nước chỉ để ngâm mình bởi xung quanh đã kín chỗ. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nước trong hồ bơi và dễ trở thành một ổ dịch gây bệnh.
Người lớn trẻ em chen chúc nhau trong bể bơi (ảnh ANTĐ)
Theo các chuyên gia tại Khoa Vệ sinh môi trường Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, mỗi người vào bể bơi đã tự mang theo rất nhiều vi khuẩn trên người, nhiều người vô ý khạc nhổ, thậm chí còn đi tiểu luôn dưới bể bơi, nhất là trẻ em.
Hầu hết các hồ bơi đều sử dụng clo để làm sạch nước; tuy nhiên hiện việc xử lý nước hồ bơi chưa theo một qui chuẩn nào.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM để nguồn nước hồ bơi sạch theo đúng qui chuẩn thì phải thay nước 1 lần/ngày. Tuy nhiên nếu thực hiện đúng sẽ tốn rất nhiều tiền và việc kinh doanh sẽ không có lời. Do đó, việc này rất ít được các bể bơi thực hiện nhằm tiết kiệm chi phí, mà phần lớn là 3 ngày thay 1 lần, thậm chí là 7-10 ngày mới thay 1 lần và thay vào đó họ sẽ dùng hệ thống lọc tuần hoàn hàng ngày để tiết kiệm nước, áp dụng một số biện pháp kiểm tra, khử trùng nên chất lượng nước luôn ổn định về độ trong và dư lượng clo.
Tuy nhiên chế độ lọc tuần hoàn phải rất tốt và phải giết được tảo thì nước mới đảm bảo chất lượng nước đúng qui định.
Theo ghi nhận, hiện còn không ít bể bơi do chạy theo doanh thu, điều kiện cơ sở vật chất hạn chế và chưa dám đầu tư trang bị hệ thống lọc tuần hoàn nên nguồn nước tại các bể bơi này thường xuyên không đảm bảo đúng qui định.
Theo thống kê chưa đầy đủ của Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, hiện thành phố có khoảng 100 hồ bơi cấp quận và cấp thành phố, chưa tính đến số hồ bơi do các nhà hàng, khách sạn, biệt thự, hoa viên quản lý. Qua kiểm tra hàng năm, vẫn còn khoảng 30% số hồ bơi chưa đạt về chất lượng nước.
“Bạn đồng hành” khi bơi
Các bể bơi không đảm bảo vệ sinh ẩn chứa rất nhiều tác nhân có hại cho sức khỏe. Các tác nhân này có thể xâm nhập vào cơ thể thông qua đường mũi, họng hoặc các vết trầy xước trên da.
Theo TS.BS Nguyễn Hữu Dũng, chuyên khoa Tai Mũi Họng BV Đại học y dược TPHCM, mũi, họng thuộc đường hô hấp trên. Trong sinh hoạt hằng ngày, mũi, họng như là cửa ngõ chính của cơ thể tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài. Mũi, họng có liên quan mật thiết với tai, thông với tai qua vòi nhĩ. Ở những hồ bơi không đảm bảo vệ sinh là những yếu tố lớn làm người đi bơi mắc bệnh tai mũi họng, các bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa, bệnh về tóc, nấm kẽ chân,…
Theo Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM, đáng lưu ý là bệnh não mô cầu cũng rất nguy hiểm và phát sinh khi đi bơi trong môi trường nước mất vệ sinh do vi khuẩn gây ra.
Ngoài ra, trong các bể bơi công cộng không đảm bảo vệ sinh, thường có nguy cơ ẩn chứa Adenovirus. Virus này được xem là nguyên nhân gây ra bệnh viêm kết mạc. Ngoài ra, nếu các bể bơi không được khử trùng bằng clo cũng có nguy cơ chứa các loại vi khuẩn E.Coli, Coliform gây tiêu chảy.
Theo quy chế hoạt động hồ vơi trên địa bàn TPHCM của Sở Văn hóa Thể thao Du lịch, chỉ số clo dư cho phép trong hồ bơi là từ 0,4 – 0,8ppm (tương đương 0,4 – 0,8 mg/lít). Người đi bơi có thể tự nhận biết về một bể bơi có chất lượng nước chưa đạt chuẩn: Nước không trong, có nhiều cặn bẩn, hoặc có rêu bám; nước có mùi clo quá nồng hoặc không có mùi clo cũng là bể bơi không có chất lượng nước đảm bảo. Nếu sau khi bơi, mắt bị đỏ chính là do nước có nhiều clo. Nhưng nếu thiếu nồng độ Clo dư, cũng đồng nghĩa với vi trùng, vi khuẩn như vi trùng mủ xanh, nấm có điều kiện sinh sôi và gây bệnh.
Các chuyên gia khuyến cáo, khi đi bơi vào mùa nắng nóng, phải lựa chọn hồ bơi thích hợp, nước sạch. Sau khi bơi phải tắm lại bằng nước sạch. Quản lý các hồ bơi cần tăng cường vệ sinh hồ, thay nước hồ bơi. Ngoài việc đề phòng những bệnh do nước hồ bơi gây ra; đối với trẻ nhỏ, phụ huynh cũng cần quan tâm chú ý để tránh những tai nạn như ngạt nước cho trẻ vì đã có rất nhiều ca chết đuối thương tâm xảy ra. Tình trạng quá tải là nguyên nhân khiến hồ bơi không đảm bảo an toàn.
Theo Bình Nguyên
Báo Đất Việt
Nguồn: Dân Trí