Nhất cử nhất niệm Thần đều biết – Thiện ác hữu báo
Cổ ngữ có câu rằng: “Nhân sinh nhất niệm, thiên địa tận giai tri, thiện ác nhược vô báo, càn khôn ắt hữu tư.” (Con người sinh một niệm, thiên địa đều biết tường tận. Nếu không có quả báo thiện ác, càn khôn ắt có tư tâm) Nhằm nói rõ cho con người biết cái lý thiện ác hữu báo, như hình với bóng, thiên lý khó có thể dối gạt, Thần linh giám sát thiện ác mọi lúc mọi nơi. Có người bởi một niệm thành khẩn lương thiện, liền được Thần âm thầm ban phúc; có người vì một niệm tà ác, liền bị Trời trách phạt ngay trước mắt. Kỳ thực, thiện ác chỉ cách biệt ở tâm niệm. Trong văn hóa truyền thống Trung Hoa Nho giáo, Thích giáo, Đạo giáo cả ba đều lưu truyền lại kinh thư, điển tích về nhân quả có thể kiểm chứng. Bậc thánh hiền thời xưa đều coi không lừa dối là đức hạnh chủ yếu, quân tử kính sợ sự giám sát vô hình của Trời đất và người khác, chỉ sợ thiện tâm không kiên định, trong phòng tối làm chuyện thất đức mà mang tội với Trời, dẫn đến không còn đường khẩn cầu, nên vô cùng cẩn thận giữ gìn sự trong sạch ngay cả khi chỉ có một mình.
Nhặt được vàng chẳng giấu, tích thiện để phúc
Vào năm Gia Tĩnh nhà Minh (1522-1566), tại huyện Ngô Giang tỉnh Giang Tô có một người tên là Thi Phục, hai vợ chồng có hai chiếc khung cửi dệt lụa, [họ] dựa vào nuôi tằm dệt lụa mưu sinh. Một hôm Thi Phục bán lụa trở về, giữa đường nhặt được một túi bạc nhỏ, có khoảng hơn 62 lạng, bèn nghĩ: “Số bạc này nếu là của người làm ăn ít vốn đánh rơi, cả nhà họ sẽ không có nguồn sống, thậm chí còn khiến người mất, nhà tan”. Nên ông đứng ở chỗ nhặt được bạc đợi người chủ túi bạc tới tìm tại, nhịn đói nhịn khát đợi cả nửa ngày trời mới thấy người mất bạc vội vàng tới tìm, hóa ra là một vị hậu sinh mất của. Thi Phục hỏi rõ đầu đuôi câu chuyện rồi trả lại bạc. Vị hậu sinh vô cùng cảm tạ, muốn lấy một nửa số bạc hậu tạ Thi Phục, Thi Phục không nhận, người kia bèn mua trái cây cho Thi Phục, mời ông dùng bữa, Thi Phục lần lượt từ chối, cũng không để lại tên tuổi mà rời đi. Thi Phục về đến nhà, kể chuyện với vợ, vợ ông nói rằng: “Ông làm thật tốt quá!” Hai vợ chồng ông không vì nhặt được bạc mà vui, ngược lại lại thấy an tâm khi trả lại bạc.
Sau đó, Thi Phục hàng năm nuôi tằm đều thu được lãi lớn. Có năm nuôi tằm, Thi Phục không tìm được nơi mua lá dâu, ông vô cùng lo lắng, liền góp vốn chung thuyền với gần mười nhà khác qua sông tìm mua lá dâu. Trời đã lờ mờ tối mà không kịp qua sông, họ bèn neo thuyền tại một nhánh sông, chuẩn bị cơm tối. Thi Phục lên bờ tìm lửa lại gặp ngay nhà người hậu sinh năm ấy mất bạc, vị hậu sinh tên là Chu Ân, hai người nói chuyện rất tâm đầu ý hợp. Thi Phục nói: “Do thiếu lá dâu tằm, nên ta phải qua núi Động Đình mua.” Chu Ân nói: “Trong vườn nhà đệ cây dâu không chỉ tăng thêm một hai cây, đến giờ không những đủ dùng cho gia đình mà còn dư ra rất nhiều, vừa hay đủ dùng cho huynh. Những lá dâu này cứ như là vì huynh mà mọc ra vậy, phải chăng là sự an bài?” Thi Phục đáp rằng: “Như hôm nay chúng ta gặp nhau, cũng là an bài.” Hai người bèn kết tình huynh đệ, sau đó hai nhà hẹn ước chuyện hôn sự. Hai vợ chồng Chu Ân chuẩn bị cơm canh khoản đãi ân nhân, còn định thịt gà, Thi Phục bèn ngăn vợ chồng Chu Ân lại mà rằng: “Cơm nước như vậy tôi đã vô cùng cảm tạ rồi, hà tất phải sát sinh!” Chu Ân hạ một cánh cửa xuống, dùng ghế dài kê thành cái sập cho Thi Phục nghỉ ngơi. Nửa đêm, chú gà đột nhiên gáy ầm ĩ, Thi Phục nghe tiếng vội vàng trở dậy ra ngoài xem nó bị làm sao. Ngay lúc đó, mới xuống khỏi cái sập, vừa bước được ba bốn bước, chỉ nghe thấy đột nhiên có tiếng động lớn như trời long đất lở, không biết có thứ gì rơi xuống cái sập. Chu Ân nghe tiếng vội chạy qua đốt lửa soi đường, thì thấy cánh cửa nát vụn, cái ghế dài đã đổ, thất kinh mà rằng: “Hóa ra có cái trục xe gác ở bên trên, không biết sao lại rơi xuống được? Đại ca mới đầu không cho giết gà, ai nghĩ rằng con gà báo ân, cứu được tính mệnh của huynh.” Ngày hôm sau, Chu Ân đi thuyền chở lá dâu về nhà Thi Phục, sau khi quay trở về mới biết rằng những người hôm qua qua sông mua lá dâu đều gặp sóng lớn lật thuyền, gần mười người đều gặp nạn, chỉ có một người được cứu trở về báo tin. Thi Phục nói với Chu Ân: “Nếu không gặp hiền đệ và lưu lại, giờ này chắc ta cũng gặp nạn rồi.” Chu Ân đáp rằng: “Đây đều là phúc báo cho sự lương thiện của đại ca lúc ngày thường, đâu có liên can gì đến đệ!”
Vợ chồng Thi Phục từ đó ngày càng vui vẻ hành thiện, phàm là việc tốt mà bản thân có thể làm được, đều dốc lòng thực hiện. Bên cạnh có người hàng xóm giàu có, rất tính toán, cũng chính vì chỉ biết “truy cầu lợi”, cho nên về sau thua lỗ triền miên hết năm nay qua năm khác. Còn Thi Phục nhân hậu, không đầy mười năm đã có cơ nghiệp trị giá nghìn vàng, giàu có nhất vùng. Sau này con cái đầy nhà, lại ngoan hiền hiếu thuận. Trong một loạt các sự việc “trùng hợp” liên tiếp của Thi Phục, đều không phải vô duyên vô cớ mà thành, dù cho có gặp những chuyện không thuận lợi, cũng gặp hung hóa cát, dần dần biến chuyển tốt lên; không chỉ vậy, còn mang tới rất nhiều may mắn cho con cháu đời sau. Thi Phục vì hành thiện mà liên tục được phúc báo, gặp hung hóa cát, cuối cùng tiền tài như nước, có câu thơ rằng: “Lục kim hoàn thủ sự tuy vi, Cảm đức thiên tâm tảo giám tri. Tòng lai âm chất năng hồi phúc, Cử niệm tu tri hữu quỷ thần.”(Trả lại vàng chuyện tuy nhỏ, sớm đã cảm động tới trời xanh, trước nay âm đức đều được phúc báo, nhất cử nhất niệm quỷ thần đều biết.)
Hành ác giảm lộc, hướng thiện tiêu tai
Những năm Gia Tĩnh triều Minh, tại huyện Như Cao tỉnh Giang Tô có người tên Trần Quân, nhậm chức quan giáo dưỡng tại trường học huyện Vọng Giang, tỉnh An Huy (tức giáo thụ). Vào năm ông 39 tuổi, tối ngày 11 tháng 06 năm đó, trong giấc mơ ông đi tới miếu thờ Địa Tạng Vương bên ngoài cổng thành phía Nam huyện Như Cao, có một vị quan mặc áo đen, dẫn ông vào trong đại điện. Ông nhìn thấy trên điện khói hương nghi ngút, hành lang che mưa đứng đầy nha dịch, xếp hàng rất uy nghiêm.
Trần Quân phủ phục dưới thềm. Đột nhiên nghe thấy tiếng một vị bồ tát tuyên cáo rằng: “Đời ông cha nhà ngươi đều trung hậu, đặc biệt là mẫu thân ngươi trinh thiết trong sạch, hiếu thuận phụ mẫu, kính lễ Thần Phật. Do hành thiện như vậy nên Thần linh vốn định bảo hộ nhà ngươi có thể đỗ Cống sĩ trong khóa thi Minh Kinh; hơn nữa trong số mệnh ngươi còn có một lần đậu đầu bảng, nhưng do ngươi ngày thường làm nhiều việc ác, không hề hành thiện, sớm đã bị Thần linh tước bỏ ân huệ. Sau khi qua 40 tuổi, ngươi sẽ dần dần phải gánh chịu báo ứng cho những tội ác mà ngươi gây nên. Điều không thể tha thứ nhất là: cách đây không lâu có người đưa cho ngươi một bộ sách hướng thiện, ngươi không những không tôn kính tin theo, mà còn giấu sách đi không chuyển cho người được tặng. Ngăn trở con đường anh ta hành thiện, tội này vô cùng nghiêm trọng. Ngươi sẽ phải chết thảm vào tháng 08, không thể miễn tội!” Trần Quân vô cùng sợ hãi, choàng tỉnh giấc. Nhớ lại năm ngoái y tham gia ứng thí cuộc thi hương tại Kim Lăng, có con trai của Hoàng Vinh Tăng, quan giáo dưỡng huyện Tuyên Thành tỉnh An Huy từng đưa cho ông một bộ sách hướng thiện, nhờ ông chuyển cho hai thí sinh ở cùng phòng. Do thời gian thi cử bận rộn, gấp rút, nên ông không kịp đưa lại, mà mang về huyện Vọng Giang để trong hòm sách. Ông đã quên chuyện này rất lâu rồi, giờ mới nhớ ra, nhưng đã không thể làm được gì khác. Nhưng câu chuyện trong mơ hư hư thực thực, ông không dám tin chắc, trong lòng bán tín bán nghi. Sáng sớm ngày 16 tháng 08 đột nhiên chân tay Trần Quân lạnh ngắt, tinh thần hỗn hoạn, mồ hôi đổ như mưa, trong lần hôn mê cuối cùng, ông cũng đã tin giấc mơ ngày trước không phải là giả.
Do vậy Trần Quân chuyển niệm nghĩ rằng: Tội ác của mình tuy nặng, hối cải cũng có thể miễn tai họa, vừa nghĩ như vậy, trong lòng ông thấy vô cùng tỉnh táo. Nên ông nghiêm túc cầm bút viết một hơi những đoạn tản văn, đau khổ tự trách bản thân, thề rằng sẽ sữa chữa những lỗi lầm trước kia; và thề nguyện sẽ chuyển lại cuốn sách hướng thiện về nhân quả báo ứng, xin các vị Thần linh minh xét. Ngay đêm đó, ông liền mơ thấy một vị thần dẫn ông tới trước một cung điện lớn. Những vị Thần linh đợi ngoài cửa bước vào, dường như thay ông biểu đạt sự ăn năn, hối lỗi, một lúc sau các vị thần ra ngoài, cho phép ông ra về, ông dường như được thoát khỏi tội chết vậy và dặn dò ông rằng: “Phải kiên định thực hiện lời nguyện ước, thận trọng hành sự, không được trễ nải, lơ là!” Sáng sớm hôm sau Trần Quân tỉnh giấc, tinh thần đột nhiên sảng khoái, cơ thể bệnh tật dần dần hồi phục. Từ đó về sau ông khuyên mọi người xung quanh nên hành thiện, cố gắng hết sức phổ truyền sách hướng thiện và kể về nguyên lý nhân quả báo ứng.
Lừa tiền hại mệnh, sống vẫn gặp địa ngục
Những năm Thuận Trị triều Thanh (1644-1661), tỉnh Giang Tây có người tên Ngô Trạm Thất làm nghề bán vải. Tính y tham lam xảo quyệt, lòng dạ khó đoán. Khi bán vải y thường hay bày vải đẹp làm mẫu, tranh thủ sự tín nhiệm của khách hàng trước, chỉ cần khách hàng chọn được vải, y liền dùng hàng kém chất lượng thay thế hàng tốt, khiến khách hàng mua phải vải xấu. Vải đã bán xong mà mẫu vẫn còn, y hoán đổi rất tài tình.
Có vị thương gia Tây Dương cử một người bạn cùng nghề đi mua vải, bị Ngô Trạm Thất giở trò, mua hàng xấu về. Vị thương gia trách mắng bạn mình, người bạn rất tức giận nói rằng: “Vậy thì đích thân ông đi xem, cũng chẳng tránh được bị lừa!” Vị thương gia nói: “Đâu có đạo lý như vậy? Nếu lần này đi mua không được hàng thật, tôi quyết không đến tìm gặp ông.” Ngày hôm sau, vị thương gia đích thân ra đi. Ông vừa tìm đã thấy mẫu vải ưng ý trong kho hàng của Ngô Trạm Thất, vị khách bèn ngồi xổm trên cuộn vải, khiến Ngô Trạm Thất không thể tráo đổi. Ngô Trạm Thất thấy vậy vô cùng lo lắng, bèn bày mưu, vội vàng ra khỏi quầy chào đón, quần áo chỉnh tề, cung kính hành lễ chào vị thương gia như chào một người bạn cũ. Vị khách bất đắc dĩ đành phải vội vàng đứng lên đáp lễ, rồi lại nhanh chóng ngồi xổm trên cuộn vải. Nhưng nhằm vào lúc sơ hở này, Ngô Trạm Thất đã ngầm sai người đổi cuộn vải đó. Vị thương gia không phát hiện ra, trả xong tiền, liền vội vàng trở về nhà. Gặp bạn ông ngay lập tức mang vải ra cho bạn xem. Người bạn lấy vải ra xem, kiểm tra kỹ càng, hóa ra vẫn là loại vải thô vô cùng kém chất lượng, mục nát, mỏng tới mức không thể dùng được. Người bạn mang ra so với cuộn vải lần trước thì không có chút khác biệt. Người bạn trách vị thương gia: “Ông đích thân đi mua, sao lại thế này?” Vị thương gia mua phải vải xấu đã rất phiền lòng, lại nghe bạn khiển trách; ông nhớ tới lời nói cao ngạo trước đây mà tự lòng mình thấy vừa xấu hổ, vừa giận dữ liền treo cổ tự vẫn.
Ngô Trạm Thất âm mưu quỷ quyệt, chỉ mưu tính lợi riêng, chỉ thấy cái lợi trước mắt. Đến những năm Thiên Khải, trong một chuyến đi y mắc trọng bệnh, nằm ở nhà trọ thường mơ thấy những con quỷ đuổi bắt y mang đi hành hình, phải chịu đựng đủ mọi hình phạt lao tù. Cho nên thường hay phát ra tiếng rên rỉ ai oán khủng khiếp, ngày đêm không dứt. Y từng nằm trên chiếu hét lớn: “Cứu ta với! Cứu ta với! Chúng bắt ta trói trên giường lửa rồi!” Mọi người xung quanh nghe mà rụng rời chân tay, thấy sau lưng y quả nhiên xuất hiện một vệt màu đỏ như bị thép nóng nung. Y còn lớn tiếng kêu gào: “Ôi trời ơi! Sao lại dùng móc sắt móc lưng của ta mà cân thế này!” Mọi người càng cảm thấy kỳ dị, chỉ biết lần theo tiếng kêu của y mà xem xương sống lưng, thấy có chút sưng đỏ, dường như quả thực có người đang dùng móc cân y. Y không ngừng kêu lên những cực hình đau đớn trong ngục, quả thực như sống trong địa ngục vậy, chịu đau đớn trong vài ngày liên tiếp y mới tắt thở. Kỳ thực bất kể hành vi độc ác của con người có gian ngoan, xảo quyệt và được che giấu kỹ như thế nào, cũng đều đã gieo quả ác, báo ứng chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi.
Giấu bạc bị sét đánh, báo ứng phân minh
Thời nhà Thanh có một bà lão ở góa, thêu thùa kiếm sống nuôi đứa con trai. Người con lớn lên, làm việc tại một cửa hàng đổi tiền nên lương bổng cũng đủ phụng dưỡng mẹ già. Nhưng bà lão vẫn không ngừng thêu thùa, nên cũng dư dả và tích cóp được mười mấy đồng bạc, bà định chuẩn bị tiền cho con trai cưới vợ. Căn nhà nghèo nhỏ hẹp, chỉ cách hàng xóm một vách ngăn. Mỗi lần bà ra ngoài, vì sợ đánh mất tiền, nên đều buộc vào eo.
Một hôm bà phải tới miếu Viên Diệu dâng hương, nghe nói trong đó có nhiều kẻ móc túi, bèn tháo tiền buộc ở eo ra, nhờ người tên A mà bà quen biết cất giữ hộ. Bà thắp hương xong bèn tới chỗ A lấy tiền, A trở mặt nói: “Ai giữ tiền của bà!” Bà lão kinh ngạc, biện bạch với y. A chỉ lên trời mà thề nhằm thể hiện là mình bị oan ức. Hai người tranh cãi không dứt, mọi người vây quanh xem rất đông nhưng không thể nào phân biệt được ai đúng ai sai. Khi bà lão đưa tiền cho A, có B là người ở lân cận miếu này cũng có mặt tại đó, tận mắt chứng kiến việc trên. Khi hai người tranh cãi, y vẫn ở trong miếu. Bà lão bèn nhờ B làm chứng. B cười mà nói rằng: “Bà đúng là gặp quỷ giữa ban ngày, tôi vừa từ Xương Môn về, đến bà cũng chưa từng thấy mặt, sao có thể biết được hai người ai đúng ai sai!” Mọi người nghe xong lời của B, đều thi nhau tranh luận, cho rằng bà lão không đúng. Bà lão không thể nào nói lại họ, đành lẳng lặng ra về treo cổ tự vẫn.
Người con trai trở về, thấy mẫu thân treo cổ tự vẫn, lại không hay biết nguyên cớ vì sao, vô cùng đau khổ, đành mang mẫu thân đi khâm liệm. Anh gặp chuyện không may ập tới, lại không thể tìm được căn nguyên, vô cùng đau khổ mà lâm bệnh. Trong cơn hôn mê, mơ thấy mẫu thân đến trước mặt nói với anh rằng: “Con trai ơi, ngày mai trước miếu Viên Diệu, Trời sẽ phóng sét đánh chết hai người, nỗi oan của ta sẽ được minh bạch, tiền của chúng ta sẽ được trả lại, con dù mang bệnh cũng nên tới đó mà xem!” Ngày hôm sau, người con trai, quả nhiên tới đó, đến trước am, chỉ thấy bầu trời trong sáng. Không lâu sau, đột nhiên mây đen ùn ùn kéo tới, sấm chớp liên hồi, một tiếng nổ to, đánh sét dội thẳng xuống, A và B mỗi người cầm một túi bạc, quỳ dưới đất, đã bị sét đánh chết. Một lúc sau. B hồi tỉnh, kể lại tường tận mọi chuyện với mọi người đứng vây quanh: “Hôm đó, sau khi bà lão đưa bạc nhờ A giữ hộ, A liền nảy lòng tham âm mưu nuốt trôi số bạc, y giữ lại 7 phần, chia hối lộ cho tôi 3 phần.” Không ngờ hai người chúng tôi mạo phạm làm trời phẫn nộ. Diêm Vương kết tội cho A, đặc xá tội chết cho tôi, ra lệnh cho tôi kể lại chuyện này cho mọi người biết và trả lại số bạc cho con trai bà lão ấy. Tôi lại không biết tính danh người con trai đó, nên làm thế nào đây? Có người trong số đó biết chuyện này, liền chỉ con trai của bà lão nói: “Đây chẳng phải là người mất bạc hay sao?” Người con trai nhận lại số bạc trước mặt mọi người, về đến nhà, tưởng nhớ mẫu thân khóc thổn thức, sức khỏe cũng dần hồi phục lại bình thường. B nằm liệt giường nửa năm mới đi lại được, nhưng một bên tay và một bên chân đã bị gãy, mang thân tàn tật suốt đời. Có câu thơ rằng: “Cần công châm chỉ khổ thương tâm, tích cửu toại du số thập kim. Nhĩ khả muội tha minh tỷ dụng, tang thiên khải phụ khổ nhân tâm.”(Cặm cụi thêu thùa khổ thương tâm, Lâu ngày tích cóp mấy mươi đồng, Kẻ xấu cùng bạn lừa đoạt vàng, Trời xanh sao phụ kẻ khổ tâm?)
(Trích từ “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên Lệ Chứng” cùng “Tọa Hoa Chí Quả”)