Vương quốc hàng giả, hàng nhái
Thổ Tang (Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) từ lâu được nhiều người biết đến là vương quốc của hàng giả, hàng nhái. Hàng kém chất lượng ở khắp nơi được nhập về đây và được “phù phép” thành hàng xịn rồi lại đổ đi khắp mọi miền đất nước…
“Thượng vàng hạ cám”
Thổ Tang sầm uất không kém bất kỳ phố thị nào. Hai bên đường nhà cao tầng san sát, tấp nập với hàng đoàn xe tải từ Hà Nội và cả các tỉnh miền núi phía Bắc về đây “ăn” hàng. Ở Thổ Tang không có đêm bởi từ 1h sáng, hàng trăm chiếc xe tải đã chở hàng về “gắn mác Thổ Tang” để rồi ngay sau đó, số hàng này lại được bốc lên xe xuôi ngược đến các tỉnh, thành khác.
Ở Thổ Tang, người ta có thể tìm thấy vô số các mặt hàng nhái nhãn hiệu vô cùng tinh vi. Từ những sản phẩm cao cấp đến những sản phẩm gia dụng rẻ tiền: bột giặt, kem đánh răng, thuốc lá, rượu bia, bánh kẹo, bột ngọt, nước gội đầu, giấy ăn…
Chị Nguyễn Thị Huyền, chủ một quấy hàng hoá tại chợ Giang (Thổ Tang) cầm trên tay chai dầu gội Clear cho biết: “Hàng ở chỗ chị có hai loại, loại rẻ có giá 27.000 còn loại xịn có giá 120.000. Chỗ chị hàng “rẻ” có nhiều, chủ yếu bán buôn về miền núi, vùng nông thôn vì ở đó dễ bán, lấy giá bao nhiêu tuỳ ý, lãi gấp 3, 4 lần so với hàng công ty”.
Theo quan sát của PV, hầu hết hàng quần áo, dày dép, đồ chơi trẻ em, mỹ phẩm, bánh kẹo khi đổ về Thổ Tang đều được đóng trong các bao tải hoặc các thùng carton toàn bộ bằng chữ Trung Quốc không gián tem mác phụ.
Hàng nhái ở Thổ Tang chiếm đến 80% |
Chị Hoàng Thị Linh, một tiều thương lâu năm buôn bán quần áo tại chợ Giang (Thổ Tang, Vĩnh Tường) cho biết: “Hàng hoá ở đây thường có giá rẻ, mẫu mã đẹp, bắt mắt, vì vậy nó vẫn luôn là mặt hàng bán chạy cho những người dân miến núi, nông thôn vốn dĩ ham của rẻ. Trong khi hàng nội chỉ lãi vài chục nghìn/sản phẩm thì những mặt hàng tại đây phải lãi gấp đôi, gấp ba”.
Hầu hết các mặt hàng thực phẩm, bánh kẹo, rau củ quả đều bị giới kinh doanh xem nhẹ chất lượng. Chị Nguyễn Thu Huệ, một đầu mối buôn ở Thổ Tang, cho biết, hàng bánh kẹo đa phần được đóng trong những bao tải lớn dạng 50kg được bán theo cân. “Bọn chị nhập về đóng gói các loại rồi giao cho thương lái lấy lãi mấy giá chứ an toàn, có hạn sử dụng hay không chị cũng chưa nói được” chị Huệ cho biết khi được hỏi về số bánh kẹo chất trong nhà.
Như vậy cứ mỗi ngày, ở Thổ Tang có hàng nghìn hàng vạn sản phẩm bán đi khắp các tỉnh thành, nhưng đa phần là hướng đến những người có thu nhập thấp, thiếu hiểu biết thuộc những tỉnh miền núi, dân tộc ít người như Điện Biên, Cao Bằng, Sơn La, Lai Châu…
Khó kiểm soát
Trong năm 2012, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Vĩnh Phúc đã bắt giữ và xử phạt hành chính 352 vụ trong đó có 70 vụ liên quan đến sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Gần đây, lực lượng Cảnh sát điều tra phòng chống tội phạm kinh tế (Công an tỉnh Vĩnh Phúc) đã phát hiện và thu giữ 1.289kg mì chính giả, 500 kg bột giặt giả, cùng hơn 4.000 vỏ bao bì giả các loại được đưa về xưởng của đối tượng Nguyễn Văn Dũng (Thái Hoà, Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đóng gói sau đó đem đi tiêu thụ ở nhiều nơi.
Hàng giả, hàng nhái được các tiểu thương thu mua rồi tuồn về các địa phương, đánh vào tâm lí hám rẻ của một số lượng khách hàng |
Thủ đoạn của những đối tượng làm hàng giả là nhập nguyên liệu và bao bì do Trung Quốc sản xuất, sau đó đưa về Việt Nam dùng người thân quen trong gia đình đóng gói giả các thương hiệu lớn như: mỳ chính Ajinomoto, Miwon, bột giặt OMO… Các đối tượng không chỉ tập chung sản xuất ở địa bàn Thổ Tang (Vĩnh Tường) mà chúng còn sản xuất rải rác ở nhiều địa điểm, những nơi ít người qua lại rồi trực tiếp đem phân phối tiêu thụ ở các vùng sâu, vùng xa.
Thiếu tá Phan Tiến Dũng, Phó trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Đây là một trong những vụ sản xuất hàng giả lớn nhất từ trước tới nay tại Vĩnh Phúc, chúng tôi đã khởi tố bị can khi hoàn tất hồ sơ sẽ đưa ra truy tố về tội sản xuất hàng giả và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”.
Theo Thiếu tá Phan Tiến Dũng, điều đáng lo ngại là hàng giả, hàng nhái được các tiểu thương thu mua, rồi tuồn về các địa phương. Trong khi lực lượng mỏng, kinh phí có hạn gây khó khăn lớn đối với công tác giám định, kiểm tra. Chính vì vậy số vụ bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ ở Thổ Tang vẫn chỉ như muối bỏ bể…
(Theo VietQ)
(vietnamnet.vn)