Oái oăm kiểu làm đẹp mất tiền, biến dạng
– “Bác sĩ ơi cứu tôi, tôi đau đớn quá, tôi bị thế này không dám về nhà”, “Tôi đi
làm đẹp mà sao giờ không dám tự soi gương…”
Đó là những lời cầu cứu mà Tiến sĩ – bác sĩ Đỗ Quang Hùng, Phó Trưởng Khoa Giải
phẫu – Thẩm mỹ Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM nghe thấy thường xuyên.
Người kêu cứu chính là các phụ nữ có nhu cầu muốn làm đẹp nhưng lựa chọn nhầm
các cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ chui dẫn tới hậu quả, biến chứng ngoài ý muốn.
Mất tiền mà còn bị…biến dạng
Bác sĩ Hùng còn nhớ lần thăm khám cho một phụ nữ 40 tuổi tên Hoa, ngụ tại Thành
phố Cần Thơ.
“Chẳng biết cô ấy nghe ai giới thiệu mà giấu chồng, con lên TP.HCM nâng mũi tại
một tiệm uốn tóc. Khổ thân, tiền mất tật mang. Lúc gặp tôi sống mũi cô ấy lộ cả
ra, còn đầu mũi bị thủng”, bác sĩ Hùng kể.
May mắn cho chị Hoa đã được bác sĩ Hùng phẫu thuật, sửa chữa lại để không phải
xấu hổ vì mũi bị biến dạng. Trường hợp của chị Thanh, 48 tuổi, ngụ tại quận Hóc Môn cũng khổ sở không kém.
Một ca làm đẹp tại tiệm spa. Ảnh: Thanh Huyền. |
Mặc cảm bởi sau khi sinh 3 đứa con phần bụng chảy xệ, to béo, chị Thanh đã đi
hút mỡ bụng tại một tiệm spa gần nhà. Khổ nỗi người thực hiện thao tác trên chỉ là nhân viên uốn tóc. Kết quả mỡ hút
ra quá nhiều làm phần bụng chị Thanh lồi lõm.
“Khi tới bệnh viện, chúng tôi đã phải bổ sung lại phần mỡ thiếu cho bệnh nhân.
Chỉ có bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ được đào tạo chuyên ngành mới biết phải hút lớp
mỡ nào, liều lượng ra sao. Nhân viên uốn tóc không thể biết điều này, họ không
gây chết người là may”, bác sĩ Hùng nói.
Cách đây chừng một tháng, bác sĩ Hùng phải phẫu thuật lại cho một phụ nữ đi cắt
mí mắt ở cơ sở chui. Chẳng hiểu nhân viên phẫu thuật làm thế nào mà mí mắt người
phụ nữ trên lộn cả ra ngoài.
Bệnh nhân đã được phẫu thuật lại nhưng chắc chắn mí mắt không thể đẹp như ý nữa
mà chỉ trông cho đỡ xấu.
Bác sĩ Hùng chứng kiến không ít ca phẫu thuật thẩm mỹ chữa “lợn lành thành lợn
què” khác nữa: “Tôi nhớ một cô gái ngoài 20 tuổi đến khám. Cô ấy đi cắt lúm đồng
tiền ở tiệm uốn tóc. Lúm đồng tiền đâu chẳng thấy mà trên má xuất hiện một vết
sẹo thâm đen”.
Có phụ nữ bị biến chứng suốt đời
Cách đây chưa lâu, bác sĩ Hùng thăm khám cho một phụ nữ tên K., 45 tuổi, ngụ tại
An Giang.
Chị K. đến Bệnh viện Chợ Rẫy trong tình trạng cặp môi sưng vù, đau nhức do dị
ứng thuốc xăm.
Bác sĩ Hùng không thể cắt bỏ cặp môi bệnh nhân đi, đành kê toa cho chị K. uống
thuốc dị ứng suốt đời.
Chỉ cần nữ bệnh nhân này ngưng uống thuốc cặp môi lại lập tức sưng to, đau đớn.
Nhu cầu làm đẹp là chính đáng, tuy nhiên các chị, em cần có hiểu biết và lựa
chọn đúng đắn để tránh nguy hại cho sức khoẻ.
Bác sĩ Hùng khuyên phụ nữ có thể xăm mi, chân mày nhưng không nên xăm môi. Bởi
lẽ khi xăm môi sẽ chỉ có một màu cố định, không đa dạng như dùng son. Màu môi
nhân tạo cũng khiến cho bác sĩ khó khăn trong việc chẩn đoán lúc bệnh nhân bị
mất máu.
Trong trang web của Sở Y tế TP.HCM có danh sách công khai của các bác sĩ thẩm mỹ
(mỗi bác sĩ được đào tạo một sở trường). Khi muốn làm thẩm mỹ có can thiệp phẫu
thuật chị, em nên vào bệnh viện, bởi các cơ sở spa, uốn tóc chỉ có chức năng về
chăm sóc da.
Để tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ, khách hàng cần trải qua một cuộc kiểm tra
nghiêm ngặt như: Kiểm tra sức khoẻ toàn thân, xét nghiệm nhóm, chức năng đông và
công thức máu, xét nghiệm sinh hoá, chức năng gan, thận, điện giải đồ, siêu âm
tim, gan, phổi…
• Thanh Huyền
(*) Tên nhân vật đã được thay đổi.
(vietnamnet.vn)