3 bức tượng bằng vàng
Ngày xưa, một nước nhỏ nọ phái sứ giả đến Trung Quốc và dâng lên ba bức tượng tạc hình người bằng vàng giống hệt nhau. Hoàng đế Trung Quốc rất lấy làm hài lòng. Nhưng vị sứ giả kia lại đặt ra một câu hỏi: “Bức tượng nào là đáng giá nhất?”. Nếu các viên quan trong triều không đưa ra được câu trả lời đúng, ông ta sẽ lấy lại 3 bức tượng và điều đó chẳng khác nào một sự sỉ nhục với hoàng đế và các quan lại Trung Quốc.
Hoàng đế thử nhiều cách khác nhau, ông cho thợ kim hoàn kiểm tra cả 3 bức tượng, nhưng trọng lượng và chạm trổ của chúng lại giống nhau như hệt. Phải làm sao đây? Một nước lớn như thế lại không thể tìm ra câu trả lời cho một câu đố đơn giản như thế ư? May thay, cuối cùng một vị lão quan nói rằng ông có một cách để nhận ra bức tượng nào đáng giá nhất.
Vị sứ giả và các viên quan khác được mời đến hoàng cung để cùng chứng kiến. Vị lão quan cầm trên tay ba cọng rơm, ông nhét một cọng rơm vào tai của bức tượng hình người đầu tiên, cọng rơm liền xuyên sang bên tai kia. Rồi ông lại xuyên cọng rơm vào tai bức tượng thứ hai, lần này cọng rơm xuyên ra ngoài miệng tượng. Cuối cùng ông xuyên cọng rơm vào bức tượng thứ ba, cọng rơm rơi xuống bụng của bức tượng mà không phát ra tiếng động nào. Vị lão quan quả quyết nói: “Bức tượng cuối cùng là quý giá nhất”.
Vị sứ giả yên lặng, bởi vì câu trả lời hoàn toàn đúng.
Bức tượng đầu tiên cọng rơm xuyên vào tai này rồi chui sang tai kia gợi nhớ đến câu thành ngữ: “Nghe tai này, lọt tai kia”, gợi nhớ về một người không biết lắng nghe. Bức tượng thứ hai tượng trưng cho những người thích ngồi lê đôi mách, khi nghe được điều gì miệng họ sẽ chẳng giữ được yên. Bức tượng thứ ba thể hiện một người cao quý, khi nghe được điều gì đó, họ giữ nó trong lòng mà không ba hoa với người khác.
Câu chuyện này nói với chúng ta rằng, người đáng quý nhất không nhất thiết là một người giỏi ăn nói. Thượng Đế cho chúng ta hai cái tai và một cái miệng vì Ngài muốn chúng ta nói ít hơn và nghe nhiều hơn. Làm một người biết lắng nghe, đó là phẩm chất cơ bản nhất của một con người chín chắn.
(Theo Kanzhongguo)