Cách dạy con của người xưa: Coi trọng Đức và giáo dục bản thân (3)
Đường Thái Tông dạy con
Đường Thái Tông vô cùng coi trọng việc bồi dưỡng giáo dục con cái. Ngài tự mình viết 12 bài “Đế phạm” ban cho thái tử Lý Trì, chỉ rõ 12 điều chuẩn tắc mà bậc vua chúa cần phải tuân theo. Ngài chỉ ra rằng: “12 điều ấy cũng là đại cương cho đế vương. An hay nguy, hưng thịnh hay suy bại, đều bao hàm trong đó”, “Tu thân trị nước, đều có ở trong đó”, tha thiết nhắc nhở Lý Trì: Cần phải học theo các bậc minh quân Thánh triết Nghiêu, Thuấn, Vũ, Thương Thang Vương và Chu Văn Vương thuở xưa, “Không uy đức thì không thể có trí tuệ cao xa, không đức độ nhân từ thì không thể chăm lo cho dân”, “Bản thân phải cần cù chịu khó, mới đi theo đường Đức nghĩa”. Quyển sách “Đế phạm” cũng được phần lớn các bậc vua chúa tôn thờ như là một cuốn Thánh kinh gia giáo. Đường Thái Tông còn viết “Giới Ngô Vương khác thư”, “Giới hoàng thuộc” đều là những kinh điển nổi tiếng, dạy bảo con cái “Con người ta lập thân, chỉ có đức hạnh là quý báu”, chỉ ra tính trọng yếu của việc tu dưỡng đức hạnh, làm nhiều việc thiện, mỹ đức tràn đầy mới có thể được hưởng phúc lâu dài. Ngài dạy bảo con cháu “Là người đàn ông, là con cái vua chúa, là hoàng thân quốc thích, thì trước tiên phải biết nghiêm khắc tu dưỡng bản thân”, cần phải biết tự thân vận động, tự kiềm chế, nghiêm khắc với bản thân. Ngài kể lại việc bản thân mấy năm “bên ngoài thì bỏ thăm thú vui chơi, bên trong thì bỏ khoái lạc thanh sắc”, dành thời gian cho việc triều chính. Ngài dạy dỗ con cái“Mỗi khi mặc y phục thì thương xót người phụ nữ nuôi tằm dệt cửi, mỗi lần ăn thì nhớ đến người nông dân cày cấy”, đều không quên nỗi vất vả siêng năng của người dân, cần phải bồi dưỡng đức hạnh tiết kiệm và giản dị.
Đường Thái Tông lựa chọn thầy giáo cho con thì đều là những vị đức cao vọng trọng, học vấn uyên bác, như Phòng Huyền Linh, Lý Cương, Trương Huyền Tố, Lý Bách Dược, Ngụy Chinh,… Ngài còn rất hay truyền lệnh quy định đối đãi với thầy giáo phải lễ nghi. Một mặt Ngài dạy con cần phải tôn kính thầy và trọng việc giáo dục,“Thấy thầy như thấy cha”, cần phải “Thêm phần tôn kính, không được buông thả”. Một mặt Ngài ủng hộ việc thầy giáo dạy dỗ nghiêm khắc, cho dù học trò ấy là thái tử hay là hoàng thân quốc thích. Các vị thầy đều có thể kiên định mà làm hết chức trách của mình.
Đường Thái Tông hết sức chú ý lấy việc nhỏ để nói việc lớn, gặp chuyện gì đều có thể nhân đó dạy dỗ đạo đức cho con cái, giúp chúng trong cuộc sống hàng ngày dần dần bồi dưỡng được phẩm chất tốt đẹp. Ví dụ có một lần Ngài trông thấy thái tử Lý Trì nghỉ ngơi dưới một tàng cây uốn lượn, thì dạy rằng: “Cây này dù uốn lượn, nhưng gặp thợ mộc thì có thể trở thành ngay thẳng. Làm vua cho dù bản thân mình chẳng hề cao minh, nhưng nếu có thể tiếp nhận lời khuyên can của người khác thì cũng có thể trở thành minh quân”. Đường Thái Tông còn chú ý kết hợp giáo dục với các sự kiện lịch sử, để cho Ngụy Chinh biên soạn “Tự cổ chư hầu thiện ác lục” (Chuyện thiện ác của các chư hầu từ xưa tới nay) rồi phân phát cho các con, bắt buộc lấy đó làm căn bản cho việc tu thân. Trong đó kể ra những ví dụ cụ thể về gương thành công của người thiện, thất bại của kẻ ác, có tác dụng cổ vũ lớn lao và giúp con cháu càng coi trọng việc tu dưỡng đức hạnh bản thân hơn nữa, làm người chính nhân quân tử và yêu thương bách tính muôn dân.
(Theo Minh Huệ)