2 thương nhân cùng diện kiến đức Phật, vì sao người thành vua, người đoản mệnh mà chết?
Hai vị thương nhân cùng hành lễ bái Phật, một người cho rằng Phật là Đế Vương, còn mình như trung thần mà hết lòng thành kính. Người còn lại cho rằng Phật chỉ như con trâu, buông lời phỉ báng nên bị trời trừng phạt cho xe cán chết. Qua đó, cũng dạy cho thế nhân một bài học rằng tốt hay xấu đều xuất tự một niệm mà thành.
Chuyện kể rằng thuở xưa, ở vùng đất Ấn Độ cổ có một vị quốc vương nước Xá-Vệ tên là Ba-Tư-Nặc. Một hôm, nhà vua đến bái kiến đức Phật, sau khi đến nơi, ông bèn trịnh trọng xuống xe ngựa, hạ lọng, lột bỏ khăn trùm đầu, cất gươm, cởi giày, rồi chắp tay đi thẳng vào đảnh lễ (tư thế bái lạy thể hiện sự thành kính) dưới chân đức Phật. Trong chuyến thăm này, nhà vua còn tự mình chuẩn bị trai tăng bày cúng đến đức Phật và các vị tăng ni trên đường chính đi vào thủ đô nước Xá-Vệ. Khi đức Phật đã an tọa, quốc vương còn tự thân mang nước đến đích thân rửa chân cho ngài.
Đến khi buổi thọ trai kết thúc xong, đức Phật bắt đầu thuyết giảng kinh kệ đến quốc vương và bề tôi của ông. Vô số người dân bày tỏ lòng thành kính, trật tự chăm chú lắng nghe đức Phật thuyết giảng Phật Pháp. Khung cảnh lúc này vô cùng trang nghiêm hùng vĩ bao quanh tất cả.
Thế nhưng ngay tại lúc đó, có 2 vị thương gia cũng được vinh dự đến diện kiến đức Phật. Một trong 2 thương gia đã nói rằng: “Đức Phật giống bậc đế vương, còn đệ tử giống như những trung thần. Đức Phật trình bày giáo Pháp cao minh, còn đệ tử sẽ truyền tụng. Vị vua này thật sáng suốt, biết đức Phật là bậc đáng tôn kính nên cúi mình phụng sự”. Thương nhân này càng nghe càng cảm nhận được sự hân hoan trong tâm và sẵn lòng làm theo lời dạy của Phật.
Trong khi đó vị thương gia còn lại thì có cách nghĩ hoàn toàn khác: “Vị quốc vương này ngu thật! Thân làm vua thì đã có mọi quyền lực và sự giàu có rồi mà còn cầu gì nữa? Phật giống như con trâu, còn đệ tử thì giống như chiếc xe. Trâu kia kéo xe thì xe chạy theo khắp đông tây nam bắc. Phật cũng như vậy, ông ta có đạo đức gì mà vua phải hạ mình tôn kính chứ?”.
Đem theo cách nghĩ đó, sau khi kết thúc buổi hành lễ đầy trang nghiêm, tất cả mọi người bắt đầu kéo nhau ra về trong đó 2 người thương gia kia cũng cùng nhau lên đường rời khỏi thành Xá-Vệ. Đi được khoảng ba mươi dặm thì cả hai dừng chân trong một quán rượu để nghỉ ngơi và ăn uống.
Người thương nhân đầu tiên với những ý nghĩ thiện vẫn sung sướng đắm chìm trong những lời dạy của Đức Phật, ông hân hoan cảm nhận được phước lành từ các vị thần.
Còn người thương nhân nói xấu Đức Phật, do có những suy nghĩ thiếu tôn trọng nên đã chiêu mời các linh hồn xấu xa và ác quỷ xúi giục chuốc rượu vào bụng. Ông ta say mèm, thấy toàn thân nóng như lửa đốt, bèn chạy ra đường, nằm giữa lằn xe rồi bị cỗ xe của đoàn thương nhân cán chết.
Sáng sớm hôm sau, không thấy bạn đâu, người thương nhân lương thiện bèn đi tìm thì phát hiện bạn của mình đã chết. Vừa buồn cho người bạn xấu số, vừa lo lắng người đời sẽ không hiểu cho nỗi oan của mình, sẽ nghĩ rằng ông là kẻ bất nghĩa, xem trọng tiền tài nên giết người cướp của, xem thường sanh mạng. Nghĩ vậy người thương nhân quyết định bỏ xứ đi sang nước khác sinh sống.
Nhưng điều trùng hợp là quốc vương của nước này cũng vừa băng hà nhưng lại không có thái tử nối ngôi. Cùng lúc đó trong nước xuất hiện lời sấm thư truyền rằng, sẽ có một người cơ hàn từ nước khác đến sẽ làm vua nước này. Và con ngựa thần của vị vua cũ sẽ điểm hóa cho thiên hạ biết, “nếu gặp người này chắc chắn con ngựa sẽ quỳ gối xuống”. Y lệnh trời, các quan nhanh chóng chuẩn bị xa giá, đeo ấn tín cho ngựa thần xuống thành để đi tìm quốc chủ mới. Hàng nghìn người lúc ấy đổ xô ra xem, trong đó cũng có vị thương nhân kia.
Vị thương nhân lúc này thầm nghĩ, điều này thật kỳ lạ bèn hiếu kỳ đi vào đường lớn trong thành để xem. Bất ngờ ngựa thần vừa nhìn thấy người thương nhân, nó liền bước thẳng đến chỗ ông rồi quỳ xuống và liếm chân vị thương thân này. Tất cả quần thần hiểu rằng người trước mặt họ chính là vị quốc vương mới trị vì trong tương lai được trời ấn định. Vui mừng khôn xiết, các quần thần cho người nấu nước thơm tắm gội cho thương nhân, rồi suy tôn ông lên làm quốc vương của họ.
Từ đó, vị thương nhân này nghiễm nhiên lên ngôi vua, nhưng ông vẫn rất chưa khỏi bất ngờ về sự thay đổi đột ngột này, ông suy nghĩ: “Ta không có chút phước thiện nào, cớ sao lại được trở thành quốc vương thế này? Chắc là nhờ ơn Phật mới được như vậy”. Nghĩ thế, nhà vua mới này cùng với quần thần hướng về nước Xá-Vệ, từ xa cúi đầu đảnh lễ kính cẩn tạ ơn đức Phật.
Đức Phật biết được trong tâm nhà vua vẫn còn nhiều nghi hoặc, Ngài bèn sai bảo tôn giả A-nan đến giải thích với ông rằng: “Trước đây, vua Ba-tư-nặc cúng dường Như Lai ở ngã tư đường, Đại Vương đã khởi lên thiện niệm rằng: ‘Đức Phật giống như vua, còn đệ tử thì giống như quần thần’. Nhờ gieo hạt giống thiện lương này mà đại vương đã nhận được ân đức lớn như ngày hôm nay.
Còn vị thương nhân còn lại kia cho rằng: ‘Ông Phật giống như con trâu, còn đệ tử thì như chiếc xe”, do tự gieo hạt giống ác niệm nên nay đã chịu quả báo bị xe lửa địa ngục Thái sơn nghiền nát mà chết. Mọi chuyện là như vậy, chứ chẳng phải do nhà vua hùng mạnh mà đạt được ngôi vị. Hễ làm thiện thì phước đức theo sau, làm ác thì tai họa đuổi đến. Mọi thứ đều là tự mình làm. Tốt xấu tự một niệm.’”
Thiện Thành biên dịch