Những bí ẩn triệu năm của hổ phách

14/08/12, 09:35 Bí ẩn

Là khởi nguồn của nhiều câu chuyện đầy màu sắc huyền ảo, hổ phách đang được nhiều người săn lùng như một thứ “bùa hộ mệnh” mang đến may mắn, tài lộc và sức khỏe. Ít ai biết rằng, đây là một hóa thạch mất hàng triệu năm mới có thể hình thành và những mẫu hổ phách được mua bán, trao đổi trên thị trường đa phần là giả mạo.
Món hàng cả thế giới thèm khát

Ngay từ thời xa xưa, nhiều sử sách đã viết về hổ phách như những vật báu của những người quyền quý. Hổ phách được nhiều người cho rằng là linh vật hội tụ những sinh khí của trời đất được bồi đắp hàng triệu năm.

Có nhiều thần thoại về nguồn gốc hổ phách. Có truyền thuyết cho rằng khi Phaethon (con trai của Helios-thần Mặt trời), điều khiển xe ngựa xuyên qua bầu trời trong một ngày làm ảnh hưởng đến Trái đất.

Để bảo vệ Trái đất, thần Zeus đánh Phaethon chết bằng một tiếng sét. Mẹ và chị gái của Phaethon đau buồn thương tiếc khóc cạn nước mắt. Những giọt nước mắt của họ bị khô bởi mặt trời và đó là hổ phách…

 
Một câu chuyện khác cho biết, những đội quân La Mã kiểm soát rất gắt gao những vùng đất có ẩn chứa hổ phách mỗi khi họ chiến thắng. Hoàng đế La Mã, Nero là một người sành điệu về hổ phách. Thời ấy, theo sử gia La Mã Pliny, một bức tượng hổ phách nhỏ giá cao hơn một nô lệ mạnh khỏe…

Giá trị của hổ phách cũng được ghi nhận trong lịch sử thế giới trong câu chuyện vua nước Phổ tặng cho Nga Sa hoàng một căn phòng trang trí toàn bộ bằng hổ phách vào đầu thế kỷ 18. Căn phòng này từng được mệnh danh là kỳ quan thứ 8 của thế giới, được trang trí hoàn toàn bằng những bức tường hổ phách, gương và đá quý.

Căn phòng Hổ phách được đặt trong Cung điện Catherine (tên hoàng hậu của Peter Đại đế) nằm ở ngoại ô Leningrad (nay là Saint Petersburg). Năm 1941, Đức quốc xã xâm chiếm thành phố Leningrad và chúng đã tháo dỡ toàn bộ căn phòng mang về Đức. Sau đó người ta hoàn toàn không tìm thấy dấu vết của căn phòng này và cho tới ngày nay, căn phòng vẫn là một bí ẩn mà nhiều nhà tình báo kinh tế của cả Nga và Đức vẫn săn tìm như một kho báu của nhân loại.

Một trong những lý do khiến hổ phách được săn lùng bởi nó cực kỳ hiếm. Theo các ghi nhận của thế giới, có hai nguồn chính của hổ phách trên thị trường ngày nay là vùng biển Baltic và Dominic (Mỹ La tinh). Hổ phách Baltic được tìm thấy ở Lithuania, Latvia, Estonia, Ba Lan, Nga và thỉnh thoảng trôi nổi lên trên bờ biển Bắc như Đan Mạch, Na Uy và nước Anh. Nguồn hổ phách khác có xuất xứ từ Myanmar, Lebanon, Mexico, Romania, Đức và Canada. Tại Việt Nam, người ta cũng tìm thấy hổ phách nhưng số lượng vô cùng ít ỏi.

Các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, việc hình thành hổ phách phải mất hàng triệu năm. Hổ phách vốn là phần nhựa của một loài thông cổ chảy ra phía ngoài thân cây hoặc chảy vào phần rỗng bên trong của những cây lớn. Phần nhựa này có mùi hương thơm rất quyến rũ nên thường thu hút các loại côn trùng lại gần.

Phần nhựa thông này bị vùi lấp trong lòng đất hoặc băng tuyết qua hàng triệu năm, chúng hóa thạch và trở thành những khối vật chất đặc biệt mang theo lá cây, cỏ hoặc côn trùng bên trong. Hổ phách thông thường có màu sắc là màu vàng của vàng kim loại, nhưng hổ phách cũng có thể được tìm thấy trong sắc thái của màu trắng sữa, màu cam đỏ, màu xanh lục, đen và thậm chí màu tím (rất hiếm). Thông thường, hổ phách khi mới đào được có hình dáng xù xì, muốn chúng trở nên bóng sáng, người ta phải mài rất kỳ công.

Thông thường, hổ phách khi mới đào được có hình dáng xù xì, muốn chúng trở nên bóng sáng, người ta phải mài rất kỳ công. 

Tại Việt Nam, nhiều người đang tìm mua hổ phách như một món “bùa hộ mệnh”. Những người bán quảng cáo rằng hổ phách là vật chứa linh khí của đất trời khiến cho người dùng nó trở nên mạnh khỏe, may mắn và nhận về nhiều tài lộc (?!). Chính vì thế, các sản phẩm được cho là hổ phách thường được làm dưới dạng tràng hạt, vòng đeo tay, mặt dây chuyền, mặt nhẫn….

Công nghệ “hô biến” nhựa thông thành hóa thạch triệu năm

Với các công dụng thần bí được truyền tai nhau, nhu cầu về hổ phách ngày càng tăng cao khiến cho tình trạng làm giả hổ phách xuất hiện. Điều đáng nói là những kẻ bán hổ phách giả thường tạo ra rất nhiều chiêu trò để “câu kéo” những người nhẹ dạ cả tin.

Ông Nguyễn Thành Như, một cán bộ địa chất sống tại TPHCM cho biết: “Bọn gian sau khi chế tác ra hổ phách giả đã bày vẽ đủ màn đủ kiểu lừa gạt những người thiếu hiểu biết. Phổ biến nhất là việc chúng tung lên mạng nội dung biết ông A, ông B ở tỉnh X, tỉnh Y sở hữu món hổ phách tuyệt trần.

Bị hấp dẫn trước thông tin, tay chơi ngờ nghệch tìm đến với mong muốn được nhượng quyền sở hữu báu vật. Ra vẻ tiếc nuối, ông A thông tin đã “gả” của quý cho một người khách rồi mách nước địa chỉ chủ nhân mới của món đồ. Sau vài bận đá qua đá lại, chủ yếu là “hành” tay chơi nhừ tử để anh ta tin đó là hàng thứ thiệt, bọn gian mới đẩy món đồ giá chỉ vài chục ngàn đồng với giá bạc triệu”.

Nhiều người cho rằng: “Có hổ phách giống như có món bùa hộ mệnh”. 

Công nghệ làm hổ phách giả khá đơn giản: Nhựa thông ba lá (loài thông phổ biến) được hòa vào xăng với một tỷ lệ nhất định. Chất lỏng này được lọc tinh khiết để gạn bỏ những phần vẩn đục rồi được nấu lên. Khi hỗn hợp nói trên gần cô đọng thì đổ mật ong và hàn the vào sẽ ra được một hỗn hợp có màu vàng giống như hổ phách. Ngoài ra, để tạo hương thơm như mùi của hổ phách thật, chỉ cần mua các loại hương liệu không màu trộn lẫn vào.

Sau công đoạn chế biến “hổ phách”, để tạo cho “hổ phách” giống như thật. Kẻ gian thường dùng các loại cỏ, lá…và bắt côn trùng bỏ vào các loại khuôn. Sau đó đổ hỗn hợp nhựa thông nói trên vào và chờ cho chúng đông cứng lại. Công đoạn cuối cùng là mài dũa cho hổ phách sáng bóng và tạo thành những sản phẩm bắt mắt.

Nhiều người truyền tai nhau về cách phân biệt hổ phách thật – giả như sau: hổ phách có thể bị đốt cháy dưới tia cực tím và sẽ không bị vỡ vụn như những loại nhựa tổng hợp khác. Muốn biết hổ phách tự nhiên hay nhân tạo hãy đốt thật nóng một cái kim may vá rồi châm vào viên hổ phách, hổ phách thật tỏa ra một mùi có hương thơm khác với mùi nhựa thông, plastic.

Màu, sự đặc sắc, tính tự nhiên của hình dáng những con sâu bọ mắc bẫy trong hổ phách, v.v… cũng là vài đặc trưng để giúp ta phân biệt hổ phách thật với chất nhựa thông tổng hợp. Hoặc dùng cách thử bằng cách cọ vào lông cừu hoặc tơ, hổ phách sẽ tạo ra một sự tích nạp điện, chà xát và kiểm tra xem nó có hút những mảnh giấy nhỏ hay không, nếu chúng hút giấy có nghĩa đúng là hổ phách. Nó cũng nổi trong nước có muối.

Tuy nhiên, các cách thử nói trên đều trở nên vô nghĩa với công nghệ làm giả hổ phách hiện nay.

Người sở hữu bộ hổ phách độc đáo ở Việt Nam

Người mà chúng tôi muốn nói đến chính là ông Dương Phú Hiến- một nhà sưu tầm cổ vật khá nổi tiếng tại Hà Nội. Bộ sưu tập hổ phách của ông không có số lượng lớn như những bộ sưu tập khác mà ông đang sở hữu. Trái lại, có thể coi đây là bộ sưu tập có số lượng ít nhất; Tuy nhiên, đây lại là những báu vật mà người đàn ông này rất yêu quý. Ông dành cho chúng một vị trí khá đặc biệt trong phòng ngủ của hai vợ chồng ông – đó là phần đầu giường.

Ông Hiến kể về bộ sưu tập đặc biệt này: “Những khối hổ phách tôi có được đều do bố và ông nội tôi để lại. Tôi có sưu tầm thêm được một ít. Tuy nhiên, đó là việc diễn ra từ rất lâu rồi. Những năm gần đây thì hầu như không thể kiếm được hổ phách thật trên thị trường. Vài năm trước cũng có người trong TP HCM gọi bán cho tôi một món đồ chế tác hổ phách nhưng sau khi kiểm tra thì tôi phát hiện ra đó không phải đồ thật nên tôi không mua”.

Vẻ đẹp huyền ảo của hổ phách.  

Theo nhà sưu tầm này: Từ thời xa xưa, các pháp sư ở vùng Tây Tạng, Hymalaya đã biết dùng hổ phách làm tràng hạt. Ngoài tính thẩm mỹ, các nhà sư cũng nhận ra khi đeo tràng hạt hổ phách, các bệnh về u bướu cổ tan biến một cách bí ẩn. Họ cũng dùng vòng hổ phách làm bùa phép chữa trị cho những bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

Ngoài ra, một số bài thuốc cổ Trung Hoa trước Công nguyên cũng đã dùng hổ phách mài ra để chữa các bệnh về gan, mật, phổi…Các thầy thuốc xưa cũng cho biết: Hổ phách là một vị thuốc đặc biệt để các ngự y chữa bệnh cho vua chúa. Sách y lý của Hải Thượng Lãn Ông và sách thuốc của tác giả Đỗ Tất Lợi cũng đã đề cập đến hổ phách như một loại thuốc quý dành để chữa những bệnh hiểm nghèo và hiếm gặp.

“Bùa phép”có khả năng siêu nhiên (?!)

Chính bởi sự thần bí cũng như những tác dụng nhất định của hổ phách khiến con người tin tưởng đây là một loại “bùa phép” có khả năng siêu nhiên. Hổ phách ngày càng được săn lùng ráo riết. Đây chính là nguyên nhân khiến hổ phách bị làm giả.

Ông Dương Phú Hiến chia sẻ: Để phân biệt được hổ phách giả – thật, cần phải chú ý rất nhiều điểm. Đầu tiên là trọng lượng riêng của hổ phách. Hổ phách thật rất nhẹ trong khi hổ phách giả nặng hơn gấp đôi; hổ phách thật có mùi thơm nhẹ, tự nhiên như hoa hồng.

Chính điều này đã thu hút được nhiều loài côn trùng lại gần và khiến chúng bị lẫn vào nhiều khối hổ phách tự nhiên. Hổ phách thật rất trong và có độ chiết quang cao. Điều này chỉ có máy quang phổ mới có thể nhận biết được. Đây là một trong những khó khăn lớn nếu các nhà sưu tầm hoặc cá nhân mua hổ phách, bởi máy quang phổ chỉ có ở các trung tâm nghiên cứu lớn của nhà nước.

Ông Hiến cũng cho biết, một bước thử mang tính quyết định để biết hổ phách giả hay thật đó là đốt thử. Hổ phách thật không cháy mà tạo ra mùi thơm trong khi hổ phách giả sẽ mềm ra và cháy dễ dàng. Ông Hiến cảnh báo: “Việc đeo các đồ trang sức bằng hổ phách giả sẽ có hại cho sức khỏe vì trong thành phần làm hổ phách giả có xăng, trong xăng lại thường tồn tại một hàm lượng chì nhất định”.

Nhà sưu tầm Dương Phú Hiến với bộ sưu tập hổ phách của mình. 

Một liên hệ với “nhựa thông đỏ”?!

Có ý kiến cho rằng: Nguồn gốc của hổ phách xuất phát từ nhựa cây thông đỏ. Tuy nhiên, cũng có nguồn thông tin khẳng định hổ phách là nhựa của một loài thông cổ đã bị tuyệt chủng. Ông Dương Phú Hiến cũng cho rằng hổ phách vốn là nhựa của cây thông đỏ. Đây là một suy đoán có lý bởi các nhà khoa học đã nghiên cứu nhựa cây thông đỏ trong việc chữa trị bệnh ung thư.

Thông đỏ là dược liệu gốc gác của thuốc chống ung thư nổi tiếng taxol. Taxol không phải là một tên thương mại độc quyền của một công ty nào mà đó chính là tên gọi hoạt chất được chiết xuất từ thông đỏ do Wall, một nhà nghiên cứu đặt tên. Vì ông thấy nó có những nhóm chức của rượu (-ol) lại tìm thấy trong họ nhà taxus nên ông gọi nó là taxol. Taxol đem lại thành công đầu tiên trong y học vào năm 1992, khi nó chính thức được đưa ra thị trường phân phối.

Mọi chuyện bắt đầu thay đổi thực sự vào năm 1979 khi Susan Howitz, một phó giáo sư ở Trường Y Albert Einstein đã khám phá thấy taxol có nhiều đặc tính quý. Ngoài tác dụng gây độc tế bào bằng cách liên kết với các vi ống tubulin trong tế bào làm cho tế bào mất khả năng phân chia thì nó còn có một đặc tính mới: Đó là ức chế sự phân bào và gây chết theo chu trình do nó gắn chặt với các vi ống (hay còn gọi là thoi phân bào). Đây là một dấu hiệu vô cùng khả quan coi như mở ra một cánh cửa trong ngành dược trị liệu ung thư.

Việc phân biệt hổ phách thật – giả không đơn giản. 

Sau những sự kiện khoa học ấy, taxol đã bước vào làng thuốc chống ung thư như một công cụ chữa trị đắc lực với các ung thư như ung thư buồng trứng, ung thư vú, ung thư phổi, ung thư Kaposi. Không những thế, taxol còn có khả năng chống bám dính và chống tái hẹp nên nó còn được che phủ bên ngoài của stent động mạch để chống tái hẹp động mạch vành.

Các nhà khoa học Việt Nam cũng đang có những công trình nghiên cứu và chiết xuất vỏ và lá cây thông đỏ ra chất taxol và bước đầu có những kết quả tốt trong việc điều trị ung thư. Tuy nhiên, việc chiết xuất paclitaxel từ lá thông đỏ là không hề dễ dàng. Để có thể tạo ra một liều thuốc trị bệnh ung thư từ vỏ cây, người ta phải cần sử dụng khoảng 6 cây thông đỏ trưởng thành, trong khi số lượng thông đỏ rất hạn chế.

Tại Lâm Đồng, một số trung tâm nghiên cứu dược liệu đã nhân giống cây thông đỏ và tiến hành trồng thử nghiệm trên địa bàn tỉnh này.

Đẹp ngỡ ngàng căn phòng hổ phác
Chiến tranh đã tàn phá những kiệt tác từ hổ phách, thì nay nước Nga đã chứng tỏ sự phồn vinh của mình thông qua việc khôi phục lại căn phòng hổ phách, dát vàng tại các cung điện xa hoa bậc nhất của châu Âu xưa.

Căn phòng hổ phách được chế tác từ năm 1701 nhằm trang trí cho Cung điện Charlottenburg, nơi ở của Hoàng hậu Sophie Charlotte, vợ vua Phổ Friedrich Wilhelm I.

Trong một lần viếng thăm nước Phổ vào năm 1716, Sa hoàng Nga là Pier Đại đế hoàn toàn bị chinh phục bởi nét đẹp vô tiền khoáng hậu của căn phòng hổ phách.

Căn phòng hổ phách rộng 55m2 được kiến trúc sư người Đức Andreas Schluter thiết kế khi ông đang trùng tu Lâu đài thành phố Berlin. Ông cũng được cho là người đầu tiên trong lịch sử dùng hổ phách trong trang trí nội thất.

Công việc tạo tác được thực hiện trong một thời gian dài tại cung điện Charlottenburg cho mãi đến năm 1716.

Tiếng đồn về căn phòng hổ phách đến tai Sa hoàng Pier và ông ước muốn có căn phòng này để trang trí ở viện bảo tàng Kunstkamera của mình bằng mọi giá.

Vua nước Phổ là Friedrich Wilhelm I đã đồng ý tặng lại phòng hổ phách cho Sa hoàng. Việc tặng báu vật này còn có lý do muốn thắt chặt quan hệ liên minh Nga – Phổ chống lại Thụy Điển.

Sau khi vua Phổ tặng Pier Đại đế món quà vô giá này, ông đã đặt căn phòng tại Cung điện Catherine như món quà cho người vợ yêu quý của mình.
Vào năm 1755, Nữ hoàng Tsarina Elizabeth của đế chế Nga đã chuyển phòng hổ phách vào Cung điện Mùa Đông và sau đó mới chuyển nó đến Cung điện Catherine (nay thuộc thành phố Puskin, ngoại ô Saint Petersburg).

Căn phòng hổ phách là một kiến trúc tuyệt đẹp, nặng 16 tấn và từng được mệnh danh là kỳ quan thứ 8 của thế giới, được trang trí hoàn toàn bằng những bức tường hổ phách, gương và đá quý.

Căn phòng đã được trùng tu 5 lần, lần đầu tiên vào năm 1770 theo lệnh của Nữ hoàng Catherine. Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Liên Xô đã không kịp sơ tán căn phòng này mà chỉ che phủ bằng giấy carton. Tuy nhiên nó không hề bị bom đạn phá hủy cho đến khi bị quân Đức cướp đi.

Năm 1979, ở Viện bảo tàng Tsarskoye Selo trong Cung điện Catherine, ngoại ô Saint Petersburg các nhà phục hồi di sản Nga đã bắt đầu chế tác một bản sao giống như thật của căn phòng hổ phách theo những bức ảnh còn lưu giữ.

Và năm 2003, sau hàng thập kỷ làm việc nghiêm túc, các nghệ nhân Nga đã chế tác thành công căn phòng hổ phách mới và làm lễ khánh thành ngay tại Cung điện Catherine ở Saint Petersburg, Nga.

Toàn bộ chi phí thực hiện do tập đoàn dầu khí Gazprom của Nga và Ruhrgas của Đức tài trợ. Năm 2003 căn phòng này được chính Tổng thống Nga V.Putin và Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder cắt băng khánh thành.
                                                                                         Lê Thu

Hoàng Phương (vtc.vn)

Ad will display in 09 seconds

Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

Ad will display in 09 seconds

Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

Ad will display in 09 seconds

Người cá đang sống ở đâu?

Ad will display in 09 seconds

Không gian khác có thật sự tồn tại

Ad will display in 09 seconds

Vì nó là bạn cháu!

Ad will display in 09 seconds

Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

Ad will display in 09 seconds

Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

Ad will display in 09 seconds

3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

Ad will display in 09 seconds

3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

  • Vì sao không làm việc gian dâm nhưng  vẫn bị Thần trách phạt?

    Vì sao không làm việc gian dâm nhưng vẫn bị Thần trách phạt?

  • Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

    Sự biến mất 13 hộp sọ kì dị nhất thế giới

  • Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

    Vì sao nói: Phụ nữ càng dịu dàng như nước, đàn ông sẽ càng thành đạt?

  • Người cá đang sống ở đâu?

    Người cá đang sống ở đâu?

  • Không gian khác có thật sự tồn tại

    Không gian khác có thật sự tồn tại

  • Vì nó là bạn cháu!

    Vì nó là bạn cháu!

  • Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

    Truyền kì tôn giả A Nan nhập niết bàn

  • Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

    Chuyện cổ Phật gia: Ai tỉnh, ai say?

  • 3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

    3000 phồn hoa trong nháy mắt - Trăm năm mây khói cũng như không

  • 3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng

    3 cái hố dẫn xuống địa ngục và câu chuyện báo ứng kinh hoàng