Những phán đoán sai lầm “chết người” của bác sĩ
– “Trong suốt quá trình
công tác, tôi chứng kiến không ít hậu quả đau lòng do đồng nghiệp chủ quan, tiên
lượng sai”.
Chủ quan, thai to không cho đẻ
mổ
Đó là lời chia sẻ của một nữ Thạc sĩ – bác sĩ Sản khoa với 20 năm kinh nghiệm
tên N. T. L. P. tại TP.HCM (xin được giấu tên).
Lần làm bác sĩ P. ấn tượng nhất
là ca vượt cạn của một sản phụ người châu Âu.
Sản phụ 28 tuổi, suốt quá trình mang thai đều khám tại bệnh viện X., nơi bác sĩ
P. làm việc.
“Cô ấy mang thai con so, khi siêu âm lúc gần sinh dự đoán em bé nặng tới 4,3
kg. Các bác sĩ đều hiểu rằng em bé có khả năng nặng hoặc nhẹ hơn trọng lượng
trong kết quả siêu âm 300 gram. Tức là bé có thể đạt tới cân nặng 4,6 kg”,
bác sĩ P. nói.
Thấy em bé chưa tới ngày sinh mà quá to, chồng sản phụ xin bệnh viện cho vợ đẻ
mổ.
Không hiểu sao ca đó không được duyệt cho đẻ mổ. Sản phụ được tư vấn mình là
người nước ngoài, thể trạng cao to nên đẻ thường tốt hơn.
Nghe lời tư vấn, gia đình sản phụ bằng lòng với phương pháp đẻ thường.
“Ca sinh nở hôm đó thật kinh khủng. Khi chị ta chuyển dạ gần như các bác sĩ
trong khoa đều có mặt. Em bé quá to, sau một hồi cố sức bé chui lọt đầu ra nhưng
bị mắc lại ở phần vai. Lúc này tiến thoái lưỡng nan, mổ không được mà lôi bé ra
qua đường âm đạo cũng không xong. Bác sĩ chúng tôi ai nấy áo đều ướt sũng mồ
hôi”, bác sĩ P. rùng mình nhớ lại.
Cuối cùng, để lấy em bé ra khi ấy bác sĩ đành sử dụng thủ thuật bẻ gãy xương
đòn, em bé nặng tới 4,9 kg.
“Nhìn em bé chưa chào đời đã bị đau đớn như thế, là bác sĩ tôi còn xót xa
huống chi người nhà và sản phụ. Con cái người ta đang lành lặn nay bị bẻ gãy
xương thử hỏi sao không bức xúc”, bác sĩ P. chia sẻ.
Tuy bị bẻ gãy xương đòn nhưng may mắn em bé không bị di chứng, chỉ cần được chăm
sóc theo thời gian sẽ lành trở lại. Người nhà của bé thấy con vượt qua nguy hiểm
thì hú hồn, không bụng dạ đâu mà… kiện tụng bệnh viện nữa.
Điều bác sĩ P. muốn nhấn mạnh và nhắn nhủ cho chính mình cũng như các đồng
nghiệp rằng: “Bệnh nhân khi tìm đến bác sĩ hoàn toàn tin tưởng và phó mặc
tính mạng. Họ chẳng hiểu gì về chuyên môn nên bác sĩ giải thích sao biết vậy.
Có thể họ không nói lại lý của
bác sĩ, đành ôm nỗi ấm ức. Chúng ta là bác sĩ, ngoài kiến thức chuyên môn phải
nhạy bén, biết phán đoán, không đặt người bệnh vào thế phiêu lưu. Khi xảy ra
chuyện với bệnh nhân, bác sĩ dù ít nhiều cũng có một phần trách nhiệm. Nỗi day
dứt vì chưa tận sức để bệnh nhân xảy ra hậu quả sẽ đeo đẳng một bác sĩ đến hết
cuộc đời”.
Ai chẳng có lúc sai sót, ngành
nào mà không hiện hữu mặt hạn chế và ngành y cũng vậy. Nhưng do đặc thù trực
tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ, tính mạng con người nên ngành y trở thành nhạy cảm,
từ đó những sai sót của bác sĩ cũng khó được chấp nhận hơn.
Phẫu thuật u xơ bị cắt béng dạ con
Mới đây, một nữ bác sĩ tên D. nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản khoa tại
TP.HCM chia sẻ với phóng viên VietNamnet về trường hợp bệnh nhân bị cắt nhầm dạ
con.
Nữ bác sĩ nói: “Khổ lắm em ạ, bệnh nhân vào phẫu thuật u xơ tử cung thì bác
sĩ cắt béng mất dạ con. Người ta mới 30 tuổi, chưa lập gia đình. Rồi bệnh viện
cũng tìm cách bồi thường để bệnh nhân khỏi kiện. Tuy nhiên dù bệnh nhân có chấp
nhận đi nữa tôi thấy những bác sĩ đó thật…thất đức. Tiền có bằng núi cũng không
bù đắp được, người phụ nữ kia mãi mãi mất đi khả năng làm mẹ, không bao giờ được
hưởng niềm hạnh phúc của thiên chức lớn lao mà tạo hoá ban tặng nữa”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng nói rằng làm bác sĩ phải có tâm – Ảnh: Thanh Huyền. |
Trong một lần trả lời phỏng vấn VietNamnet, GS. TS bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc
Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ TP.HCM, một trong những tiền bối
của ngành sản khoa Việt Nam từng nói rằng: “Thế nào là thầy thuốc như mẹ
hiền? Theo tôi không phải cứ hô hào không nhận phong bao, hay tôi yêu bệnh nhân
lắm thì là “mẹ hiền” đâu.
Là thầy thuốc mình phải có tâm, chịu khó trau dồi chuyên môn. Bệnh nhân người ta
chết, mình phải trăn trở nghiên cứu, tìm hiểu về nguyên nhân cái chết đó để rút
kinh nghiệm, tránh tử vong cho những ca bệnh khác…”.
Nói về những sai sót liên tiếp của các bác sĩ trong thời gian qua khiến dư luận
bức xúc, GS Phượng cho rằng, một bác sĩ ra trường sau 10 năm mà không chịu trau
dồi, học hỏi thêm thì năng lực chuyên môn chỉ còn lại 50%.
“Có rất nhiều bác sĩ chỉ lo làm phòng mạch, thứ 7, chủ nhật ở nhà nghỉ ngơi.
Tôi từng chứng kiến không ít buổi hội thảo khoa học về chuyên môn, nhưng nhiều
bác sĩ không chịu đến. Như vậy thì khi xảy ra sự cố hay gặp phải những ca hy
hữu, nặng nề làm sao xử trí kịp?” – GS Phượng nói.
Thanh Huyền
(vietnamnet.vn)