Lộ diện người đầu tiên được chữa khỏi virus HIV
Báo chí Mỹ vừa cho biết Timothy Brown, một người đàn ông 46 tuổi ở nước này chính là “bệnh nhân Berlin” nổi tiếng, người đầu tiên được chữa khỏi căn bệnh HIV/AIDS chết người.
Brown đã từng có HIV trong người, nhưng các kết quả xét nghiệm mới nhất đã cho thấy cơ thể ông đã không còn dấu vết của virus nguy hiểm này nữa.
Cơ thể sạch bóng HIV
Theo hãng tin AP, Timothy Brown từng hé lộ danh tính của ông lần đầu vào năm 2010, ba năm sau khi được trải qua một hoạt động chữa trị đặc biệt nhằm tiêu diệt virus HIV. Được biết, Brown đã từng mắc bệnh máu trắng và trong cơ thể có chứa virus HIV, vốn có thể phát triển thành bệnh AIDS. Năm 2007, ông tìm tới Berlin (Đức) để thử nghiệm một phương thức chữa trị mới mẻ bằng liệu pháp tế bào gốc, nhằm chống lại bệnh máu trắng. Tuy nhiên tiến sĩ Gero Huetter và cộng sự ở Đại học Y Charite, đã quyết định nhân cơ hội để giúp Brown chống luôn cả virus HIV.
Timothy Brown, người đầu tiên được chữa trị khỏi bệnh HIV/AIDS
Các nhà nghiên cứu sử dụng liệu pháp ghép tủy, trong đó phần tủy sống bệnh tật của Brown được nạo sạch, các tế bào máu trắng cũng được lấy ra khỏi cơ thể. Tiếp đó các nhà khoa học ghép cho ông tủy sống của một người hiến tặng vốn có khả năng miễn nhiễm tự nhiên với virus HIV. Người hiến tặng mang trong mình một loại gene đột biến có tên Delta 32. Gene này ngăn chặn protein CCR5 xuất hiện trên bề mặt của tế bào. Các protein trên vốn là cánh cửa không khóa để virus HIV đi vào tế bào và việc loại bỏ chúng đã khiến tế bào được bảo vệ.
Sau khi được ghép tủy, Brown đã ngừng uống các loại thuốc kháng virus vốn giúp ức chế sự phát triển của HIV. Hồi tháng 2/2009, các nhà khoa học Đức hoan hỉ thông báo trên Tuần báo Y học New England rằng virus HIV đã không xuất hiện trở lại trong cơ thể Brown trong 20 tháng đầu tiên sau ca cấy ghép. Họ nghi ngờ rằng virus HIV có thể đang ẩn náu ở góc nào đó trong cơ thể ông. Nhưng sau đó, họ đã thông báo tin mới trên tuần báo Blood rằng Brown vẫn có sức khỏe hết sức bình thường và cơ thể ông đã gần như sạch bóng HIV. Hôm 12/7 vừa qua kết quả xét nghiệm cho thấy virus HIV hiện nay không còn tồn tại trong cơ thể của Brown nữa. “Tôi vẫn còn gặp chút khó khăn trong đi lại nhưng tôi cảm thấy đã khỏe hẳn. Cảm giác thật quá đỗi tuyệt vời” – Brown nói với tờ báo Anh Daily Mail.
Chưa thể áp dụng đại trà
Theo các bác sĩ, Brown có thể xem là người đầu tiên được chữa trị thành công virus HIV/AIDS. “Tôi đã được chữa khỏi về mặt chức năng, có nghĩa tôi không bị virus gây bất kỳ tác động nào cả và tôi không cần phải uống thuốc chống lại virus. Chừng nào mọi chuyện vẫn diễn ra như hiện nay, tôi sẽ vẫn ổn” – ông nói.
Tuy nhiên điều đáng tiếc là liệu pháp chữa trị cho Brown vẫn chưa thể áp dụng đại trà cho các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Tiến sĩ Lawrence Petz, giám đốc y khoa ngân hàng cuống rốn Stemcyte ở Mỹ, cho biết ca ghép tủy của ông Brown rất phức tạp, bởi tế bào máu gốc là từ tủy của một người hiến tặng trưởng thành nên khi thực hiện phẫu thuật thì yêu cầu tế bào gốc phải phù hợp tuyệt đối với thể trạng của ông Brown. Các nhà nghiên cứu nói rằng việc ghép tủy cũng rất nguy hiểm với các bệnh nhân, và chỉ có thể được thực hiện trong những tình huống đặc biệt. “Tim được chữa trị kiểu này bởi ông ấy là người nhiễm HIV/AIDS” – Huetter nói – “Ngoài ra nếu chúng tôi không chữa trị thì ông ấy cũng chết vì bệnh máu trắng”.
Theo tiến sĩ Petz, hiện nay giới y khoa đang thực hiện cấy ghép tế bào gốc lấy từ cuống rốn để chữa trị cho bệnh nhân HIV, một phương pháp tương đối dễ hơn biện pháp cấy ghép tủy cho bệnh nhân Brown. Ông Petz cho biết với cuống rốn, người ta không cần tủy sống có sự phù hợp tuyệt đối và dễ tìm người hiến tặng hơn. Song, ông Petz cho biết trong 17.000 mẫu máu cuống rốn ông chỉ phát hiện 102 mẫu có gen kháng HIV. Ngân hàng cuống rốn Stemcyte đang thu thập thêm cuống rốn, với hy vọng sẽ có thể cứu vớt thêm các bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS khác trong tương lai.