Olympic kiểu “nông thôn” – không dành cho người yếu tim
Olympic kiểu “nông thôn” – không dành cho người yếu tim
Kéo máy cày bằng tóc, nâng xe đạp bằng răng, đua bò mộng trên xe 2 bánh… với phần thưởng là… hộp bơ làm từ sữa trâu.
Olympic là thế vận hội thể thao lớn nhất trên thế giới, nơi quy tụ hàng trăm vận động viên đến từ khắp năm châu bốn bể cùng tranh tài. Thế nhưng, tại Ấn Độ có một cuộc tranh tài thể thao cũng mang tên như vậy nhưng là Olympic “nông thôn”. Có một điều đặc biệt là các cuộc thi ở “thế vận hội” này vô cùng đặc biệt, nó không dành cho những người yếu tim.
Đại hội thể thao làng Kila Raipur tổ chức hàng năm vào tháng 2 tại ngôi làng nhỏ cùng tên ở Ấn Độ. Đây là cuộc thi đấu thể thao dành riêng cho những người nông dân đua tài, có biệt danh là “Olympic nông thôn” bởi sự đặc trưng có 1-0-2 của nó.
Lễ hội diễn ra trong 4 ngày, với khoảng 40 – 50 trò chơi được tổ chức. Mỗi năm số lượng cuộc thi lại tăng lên. Đúng như tính chất “nông thôn”, nhiều trò chơi ở đây có sử dụng đến máy móc trong nông nghiệp, các loại gia súc… Cùng với đó có rất nhiều thử thách mạo hiểm và khó khăn.
Môn thể thao gây ấn tượng nhất chính là cuộc thi của những con “trâu sắt” trên đồng cỏ. Không giống những vận động viên chuyên nghiệp song phải nói sự dũng cảm của các nông dân thật đáng nể. Họ sẽ để những chiếc máy cày to lớn cán qua người với vận tốc 100m/75s. Người chiến thắng là người chịu đựng được “con quái vật sắt” lăn qua lăn lại lâu nhất.
Ở cuộc thi này, sức mạnh của hàm răng được đánh giá rất cao. Có từ 3 – 4 cuộc thi cần vận dụng tới bộ phận này: nâng xe đạp, kéo máy cày… Trong quan niệm của người làng Kila Raipur, những cuộc thi như thế sẽ đem lại sự màu mỡ trong mùa màng cũng như thu hút sự thịnh vượng vào mảnh đất này.
Điều khiển cùng lúc 2 con bò mộng trên một cỗ xe chỉ vỏn vẹn có 2 bánh, phóng thật nhanh để chiến thắng đối thủ trên đường đua lớn, đua xe bò kéo chắc chắn sẽ đem lại những trải nghiệm không thể nào quên cho người chứng kiến.
Một cuộc đua lừng danh khác trong Olympic “nông thôn” là đua song mã – một trò giải trí thực sự “điên rồ” và nguy hiểm. Tham gia vào cuộc đua, vận động viên sẽ phải đánh cược với số phận của mình, điều khiển hai con ngựa chạy thật nhanh khi đứng giữ thăng bằng, mỗi chân trên một yên ngựa. Do tính chất rủi ro cao của trò chơi, những kì Olympic gần đây, môn này đã bị bãi bỏ.
Một số bộ môn thi đấu khác như nhảy qua vòng lửa, kéo máy cày bằng tóc… cũng thu hút nhiều sự chú ý từ khán giả đến xem hội.
Bên cạnh những môn thể thao mạo hiểm, thế vận hội vẫn có những môn thi truyền thống như ở các đại hội thể thao khác: đấu vật, polo, khúc côn cầu, điền kinh, nâng tạ…
Được tổ chức từ năm 1933, tới nay, lễ hội thể thao này đã trở thành nét văn hóa truyền thống không thể thiếu trong đời sống cư dân địa phương.
Nguồn gốc của lễ hội thể thao này có từ thế kỉ thứ 17. Theo tâm sự của ông Kesar Singh (75 tuổi) – một cư dân của làng nhưng đang cư trú ở nước ngoài, 19 năm nay ông đều bay từ Canada về để dự giải đấu này.
Xét về quy mô, đại hội này không thua kém gì Olympic, nó thu hút tới hơn 4.000 vận động viên không chuyên tham gia bao gồm cả phụ nữ, trẻ em, người già… chưa kể đến hàng triệu khán giả luôn dõi theo cổ vũ.
Không có giới hạn cho độ tuổi vận động viên ở đây. Người già nhất có thể lên tới hơn 70 tuổi. Năm 2008, ông Kesar Singh đã vô địch chạy điền kinh 100m ở tuổi 75.
Cùng với đó, cũng không hề có quy định giới hạn tuổi đối với những khán giả tới cổ vũ. Đủ mọi lứa tuổi, từ khắp mọi nơi, tất cả tụ lại ngôi làng nhỏ với mong muốn trải nghiệm văn hóa và có một kỉ niệm lí thú, sâu sắc.
Phần thưởng dành cho người thắng cuộc đôi khi thật đơn giản: chỉ là một hộp bơ làm từ sữa trâu. Tuy nhiên, ai ai cũng hãnh diện và tự hào khi nhận món quà này. Thứ lớn nhất mà họ thu về chính là niềm vui khi được hòa mình vào cộng đồng xung quanh.
Cảnh báo: trên đây là những “bộ môn” rất nguy hiểm, các bạn không nên thử.
Theo MASK