‘Kinh tế Việt Nam chưa tới mức trì trệ’
Một trong những điểm nổi bật của tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2012, theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – Đỗ Thức là sự sụt giảm rõ rệt của tổng cầu trong nền kinh tế. Tại buổi công bố số liệu sáng 29/6, đại diện Tổng cục Thống kê đã đưa ra nhiều dẫn chứng để làm rõ nhận định này. Số liệu dễ thấy nhất, theo cơ quan thống kê là chỉ số tồn kho tại khu vực chế biến – chế tạo, vốn chiếm tới 70% cơ cấu ngành công nghiệp, tính tới 1/6, đã tăng 26% so với cùng kỳ. Mặc dù con số này đã giảm liên tục trong vòng 4 tháng gần đây (từ mức 34,9% hồi tháng 3) nhưng so với mức tăng 15% vào cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ tồn kho này vẫn còn rất cao.
Cùng với lượng hàng tồn không bán được, tổng mức bán lẻ hàng hoán dịch vụ 6 tháng tăng 19,5% so với cùng kỳ, nhưng nếu loại trừ yếu tố giá mức tăng chỉ còn lại 6,5%. Việc đầu ra thu hẹp tất yếu dẫn đến chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) chỉ tăng 4,5% so với cùng kỳ, thấp hơn nhiều so với mức tăng 8,9% hay 9,7% của các năm 2010 và 2011.
Tổng cục trưởng – Đỗ Thức cho rằng tổng cầu sụt giảm đang đe dọa sản xuất. Ảnh: Nhật Minh |
Một loạt các chỉ báo khác về tình hình lao động, doanh nghiệp (hơn 26.300 doanh nghiệp phá sản trong 6 tháng, tỷ lệ thất nghiệp là 2,29%, riêng khu vực thành thị là 3,62%…) cũng đè nặng áp lực lên nền kinh tế, khiến tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 6 tháng chỉ tăng 4,38%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, với mức tăng trưởng như vậy, để đạt mục tiêu 6 – 6,5% cho cả năm 2012, GDP phải tăng 7,28 – 8,18% trong những tháng còn lại. Tuy nhiên, căn cứ vào những số liệu trong lịch sử cũng như những khó khăn thực tế hiện nay, cơ quan thống kê cho rằng khả năng này rất khó trở thành hiện thực.
Tuy vậy, trao đổi với báo chí tại buổi công bố, Tổng cục trưởng Đỗ Thức cho rằng với những số liệu trên, chưa thể kết luận nền kinh tế đang rơi vào tình trạng trì trệ, đình đốn, bởi thực tế trên bức tranh chung vẫn có nhiều điểm sáng: Xuất khẩu tiếp tục tăng trên 22% với kim ngạch trên 53 tỷ USD, đưa tỷ lệ nhập siêu 6 tháng xuống còn khoảng 1,3% giá trị hàng xuất. Thu ngân sách tiếp tục tăng (5,1%), bội chi thấp (4,8%), tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng lên khoảng 10 tuần nhập khẩu.
Một chi tiết cũng được đại diện Tổng cục Thống kê lưu ý là chỉ số giá tiêu dùng có xu hướng hạ nhiệt trong những tháng gần đây, đặc biệt là giảm 0,26% trong tháng 6. Diễn biến này khiến nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam đang có dấu hiệu giảm phát. Tuy nhiên, theo ông Đỗ Thức, hiện tượng giảm phát chỉ diễn ra khi CPI giảm liên tiếp trong nhiều tháng. Hơn nữa, mặt bằng giá tại Việt Nam hiện vẫn ở mức cao, nên việc giảm dần là điều dễ hiểu.
Cũng theo dự báo của Tổng cục Thống kê, trong những tháng tới, các yếu tố giảm giá trong nền kinh tế tiếp tục chiếm ưu thế so với các yếu tố tăng. Do vậy, CPI có thể tiếp tục giảm trong một vài tháng, trước khi tăng nhẹ trở lại vào cuối năm. “Điều quan trọng là chính sách cần được hoạch định phù hợp, nhằm tránh đưa Việt Nam trở lại chu kỳ cứ sau một năm lạm phát nhẹ lại đến 2 năm tăng mạnh, như đã diễn ra suốt thời kỳ 2007 – 2011”, ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Giá nhận định.
Cũng theo lãnh đạo của Tổng cục Thống kê, một trong những điểm nút cần tháo gỡ trong 6 tháng cuối năm chính là tắc nghẽn trong lưu chuyển tiền tệ. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán (M2), tính đến cuối tháng 6, đã tăng gần 7% so với cuối năm 2011 và hiện gấp hơn 2 lần GDP theo giá hiện hành. “Tuy nhiên, lượng tiền thật được đưa vào nền kinh tế chỉ vài phần trăm trong số này, còn lại đang kẹt đâu đó trong các ngân hàng, tổ chức tài chính”, một lãnh đạo của Tổng cục Thống kê cho biết. Cũng theo ông này, đây chính là điểm nút cần tháo gỡ để dòng vốn được lưu thông, đến tay doanh nghiệp và kích thích sản xuất.
Nhật Minh
(vnexpress.net)