Chính phủ Hàn Quốc đau đầu vì người độc thân
Năm 1981, phụ nữ Hàn Quốc kết hôn ở độ tuổi trung bình là 23 nhưng năm ngoái
là 29,1. Phụ nữ tốt nghiệp trung học lấy chồng khi họ 27,9 tuổi là trung bình,
trong khi những người tốt nghiệp đại học thường lên xe hoa khi đã 29,2 tuổi.
Hiện nay, số phụ nữ chọn sống độc thân đã tăng mạnh, với 47,1% số phụ nữ
trong độ tuổi 20 tới 40 nói, họ không ngại phải sống một mình trong suốt phần
đời còn lại.
Nhiều người cho rằng văn hóa công ty của Hàn Quốc phải thay đổi để cho phép
họ cân bằng giữa cuộc sống và hôn nhân.
Số liệu thống kê của Hàn Quốc ước tính, 72,8% phụ nữ độc thân hiện trong độ
tuổi 35 và 39, sẽ tiếp tục độc thân cho tới khi bước sang tuổi 50. Điều này có
nghĩa là có 254.000 phụ nữ độc thân ở nhóm tuổi này, 185.000 người sẽ vẫn độc
thân cho tới năm 2035.
Trong số nam giới ở cùng độ tuổi, tỷ lệ này khá cao, ở mức 56,3%. Lý do ở đây
là, phụ nữ hiếm khi sẵn lòng kết hôn với một người đàn ông có học vấn kém họ.
Nam và nữ độc thân càng nhiều thì tỷ lệ sinh càng thấp, và việc này dẫn tới
sự giảm sút dân số kinh tế. Tuy nhiên, một vấn đề lớn hơn sẽ phát sinh, đó là
người độc thân có nhiều khả năng rơi vào đói nghèo nếu mất việc và đất nước sẽ
phải gánh vác phúc lợi xã hội cho họ vào những năm tháng cuối đời nếu họ không
có gia đình lo lắng cho.
Tại Pháp, nơi có 15 triệu người độc thân, chính phủ coi các cặp đôi sống
chung với nhau hơn ba năm hầu như là đã kết hôn và cho họ được hưởng những
khuyến khích về thuế như nhau, có quyền thừa kế và phúc lợi xã hội như các cặp
đôi đã kết hôn. Nếu chính phủ Hàn không giải quyết vấn đề số người độc thân tăng
lên, nước này sẽ phải học tập những gì chính phủ Pháp đã làm.
- Hoài Linh (Theo Chosun)
(vietnamnet.vn)