Scandal của một triết gia
Triết gia thế kỉ 18, J.J. Rousseau đã tạo nên một scandal trong xã hội khi ông tuyên bố rằng: “xã hội và văn hóa là lý do khiến con người trở nên xấu xa”. Luận cứ khá thuyết phục đã mang lại giải nhất về triết luận, và biến ông thành một ngôi sao lúc bấy giờ.
Thật khó có thể tin rằng gần như toàn bộ những câu hỏi quan trọng nhất về ý nghĩa của sự tồn tại, tư duy và xúc cảm của con người lại có thể nằm gọn trong một cuốn sách dày 500 trang được phát hành gần đây tại Đức. Nhưng đó lại là sự thật. Và việc tìm kiếm một điều gì đó có ý nghĩa nhưhạnh phúc, sự công bằng xã hội, làm sao để thích nghi… là một điều khiến ta đáng phải bỏ công.
Tác giả Richard David Precht là một triết gia hiện đại, nhà báo và nhà văn có tiếng tại Đức – đất nước của những bộ óc vĩ đại và một nền khoa học chính xác có thể khiến thế giới ngả mũ.
Richard Precht, người đã khảo cứu các nhà triết học quan trọng nhất từ thời Aristotle đến thời kì của khoa học hiện đại ngày nay. |
Trong cuốn sách triết luận gây tiếng vang ra mắt lần đầu tiên năm 2007 mang tên “Tôi là ai? Và nếu vậy thì bao nhiêu?” – nhà văn sinh năm 1964 này đã thực hiện một chuyến du hành với những khảo cứu khá kĩ lưỡng cùng một loạt các triết gia tên tuổi như Kant, Freud, Platon, René Descartes, Rousseau ….nhằm tìm ra ý nghĩa của con người trong thế kỉ 21, khi mà các triết gia lỗi lạc đã rời xa thời đại chúng ta một khoảng khá xa.
Richard đã phát hiện ra một điều tối quan trọng, đó là từ thời cổ xưa, con người nói chung đã dành thời gian các mối quan hệ của mình nhiều hơn là phát triển các kĩ năng riêng, xây dựng các nghiên cứu và các thành tựu khoa học kĩ thuật. Và tất nhiên, điều đó đúng.
Mỗi con người cần tìm hiểu chính bản thân mình trong mối quan hệ với những người khác. Và Richard đã tìm cách giúp đỡ cho tư duy của chúng ta.
Richard đã phát hiện ra một điều tối quan trọng, đó là từ thời cổ xưa, con người đã dành thời gian cho các mối quan hệ của mình nhiều hơn là phát triển các kĩ năng riêng và khoa học kĩ thuật. |
Con người có thực sự làm chủ được bản thân không. Câu trả lời là không? Và đó mới là điều rắc rối nhất!
Ta đã biết được những gì về bản thân ta, và chưa biết những gì? Thế giới bên ngoài thì sao? Nên cư xử thế nào với những mối quan hệ xã hội, với luật lệ, với môi trường sống?
Ít nhất, Richard đã tiết kiệm được cho vô số những người đọc cuốn sách của ông từ 5 đến 10 năm kinh nghiệm sống; và có thể là hơn thế nữa – cho rất nhiều người cả đời không trả lời được câu hỏi về ý nghĩa sự tồn tại của mình.
Phiên bản tiếng Anh của cuốn sách – nó được yêu thích bởi những người trẻ tuổi tại Đức và nhiều quốc gia trên thế giới. |
Dưới đây là trích đoạn thuật lại bối cảnh lịch sử với ý tưởng đầy bất ngờ và gây “choáng” cho công luận cũng như các học giả của nhà triết học nổi tiếng Rousseau (thời kì Khai sáng) – nằm trong cuốn sách “Tôi là ai? Và nếu vậy thì bao nhiêu?” . Cuốn sách bestseller được yêu thích nồng nhiệt trong giới trẻ Châu Âu này đã có phiên bản tiếng Việt.
*****
Rousseau cho rằng văn hóa và xã hội không làm cho con người tốt lên, mà xấu xa đi: “Con người ác lắm; chỉ nhìn vào các kinh nghiệm bi ai và dai dẳng thì đủ thấy chứng minh cũng bằng thừa; tuy nhiên, con người về bản chất thì tốt, tôi tin đã chứng minh được điều đó. Người ta muốn khen ngợi xã hội con người bao nhiêu thì tùy, nhưng không vì thế mà không nhận ra thực tế là xã hội ấy tất yếu làm con người căm ghét lẫn nhau ở cùng một mức độ như quyền lợi của họ xung đột lẫn nhau“.
Sóng gió nổi lên sau bài viết của Rousseau về ảnh hưởng tiêu cực của nền văn minh đối với con người. Ông được giải nhất. Trong nháy mắt ông thành ngôi sao. Vì sao? Theo quan điểm của Rousseau, “về bản chất” thì thoạt nhiên con người ngoan ngoãn, hiền lành và lương thiện. Vậy mà nhìn đâu cũng thấy dối trá, lừa đảo, đâm chém. Từ đó sinh ra câu hỏi: cái Ác từ đâu ra?
Rousseau đưa ra đáp án rất sinh động. Ông cho rằng bản chất con người là không ưa bầy đàn. Như các loài vật khác, người sống hợp với tự nhiên là người không thích xung khắc. Con người cố tránh mọi xung đột, và cảm xúc mạnh mẽ duy nhất bên cạnh nghị lực tự thân là sự đồng cảm với những người khác. Nhưng tiếc thay, con người không sống ngoan ngoãn và hiền lành một mình được.
Ngoại cảnh, chẳng hạn như thiên tai, buộc con người phải nhập bọn với nhau. Nhưng cuộc sống chung lại đưa họ vào thế cạnh tranh. Họ trở nên đa nghi và ganh tị. Trong sự ganh đua giữa các cá thể, tính ái kỷ của mỗi người biến thành tính ích kỷ quá đáng. Và các bản tính tự nhiên như “tình yêu bẩm sinh đối với cái Thiện” trở nên vô hiệu.
Tác phẩm đã rạo scandal! Đa số các nhà Khai sáng chia sẻ ý của Rousseau phê phán xã hội phong kiến ngày ấy ở Tây Âu. Giữa thế kỷ 18, tầng lớp quý tộc sống trong xa hoa, trong khi nông dân đói khổ ngoài đồng.
Nhưng ít ai có thể cảm tình được với tư tưởng cho rằng xã hội và văn hóa lại là lý do khiến con người trở nên xấu xa. Các văn sĩ thời Khai sáng yêu nghệ thuật và giao tiếp, họ ca ngợi và thúc đẩy tiến bộ khoa học. Chính khoa học được trao vai trò giải phóng lớp thị dân khỏi thế thượng phong của quý tộc. Thay vì xã hộ phong kiến đang hiện diện hầu như khắp nơi, nhiều nhà Khai sáng mơ đến một xã hội tri thúc tôn vinh tranh luận.
Rousseau tự vệ một cách hằn học và hiếu chiến. Ông là một văn sĩ tài năng, có nhiều tác phẩm được truyền tụng rộng rãi. Ông là triết gia gây tranh cãi nhất trong giới học thuật của Châu Âu thời bấy giờ. Tuy nhiên ông là người không nghe được lời phê phán. Ngày càng khó gần, ông đi ngang dọc xuyên Tây Âu, nhưng xuất hiện ở đâu là chẳng mấy chốc lại gây gổ. Trong mấy năm cuối đời, Rousseau xa lánh xã hội và cố vận đời tư ra chứng minh lý thuyết của mình. Ông cô đơn giam mình trong lâu đài Ermenonville gần Paris chỉ để tâm sưu tầm phân loại cây cỏ.
Có gì đúng trong những điều mà ông quả quyết suốt đời? Có đúng con người về bản chất là tốt? Và xét cho cùng thì con người không cần đồng loại để hạnh phúc?
Câu hỏi “con người trong xã hội hay một mình thì hạnh phúc hơn” thật ra không phải câu hỏi mang tính triết luận mà là vấn đề tâm lý.
Một thời kỳ dài người ta bỏ bễ không nghiên cứu nó. Mãi đến thập kỷ 1970 mới hình thành một bộ môn tên là “nghiên cứu sự cô đơn“. Người sáng lập là Robert Weiss, giáo sư đại học Massachusetts ở Boston. Ông cho rằng cô đơn là một trong những vấn đề lớn nhất trong xã hội, nhất là tại các đô thị. Liệu người dân ở đó có hạnh phúc, vì họ không nhất thiết phải quan hệ với những người khác?
Weiss tin chắc là điều đó không đúng và Rousseau đã hoàn toàn sai lầm. Người cô đơn đau khổ vì không ai hoặc ít ai quan tâm đến họ. Họ thấy khổ nhất là không ai đồng cảm với họ. Thực tế này thì trước đó đã được biết, và người ta cũng dễ luận ra không ít thì nhiều.
Nhưng Weiss nhận ra một điều còn thú vị hơn nhiều. Đó là: không được ai đồng cảm cũng không làm người ta ngán bằng không thể đồng cảm với ai. Không được ai yêu đã tệ, nhưng không có ai để yêu thì còn tệ hơn nhiều. Qua đó Weiss lý giải vì sao một con chó hay mèo lại rất quan trọng với nhiều người già cô đơn và thế chỗ cho bạn đời, cho dù chúng không phải là một người bạn theo đúng nghĩa.
Yêu mến hay quan tâm sâu sắc đến một người khác là một dịp tốt để tự làm điều hay cho chính mình. Luận cứ của Rousseau về hạnh phúc của con người chỉ thật sự sinh ra trong cô đơn đã bị bác bỏ hoàn toàn.
Vài nét về Rousseau – nhà triết học gây tranh cãi: Jean-Jacques Rousseau sinh tại Geneva, là một nhà triết học thuộc trào lưu Khai sáng có ảnh hưởng lớn tới Cách mạng Pháp 1789, sự phát triển của lý thuyết xã hội, và sự phát triển của chủ nghĩa dân tộc. Rousseau nhận thấy có sự phân chia về bản chất giữa xã hội và bản chất tự nhiên của con người. Ông cho rằng loài người là tốt về bản chất nếu sống ở trạng thái tự nhiên và rằng con người bị tha hóa bởi chính xã hội. Ông cho xã hội là nhân tạo và sự phát triển phụ thuộc lẫn nhau trong xã hội là cản trở đối với chất lượng cuộc sống của loài người. Trong “Đối thoại giữa Khoa học và Nghệ thuật”, Rousseau tranh luận rằng cả khoa học và nghệ thuật đều không bổ ích cho con người. Tiếp theo, trong “Bàn về Bất bình đẳng”, ông tiếp tục theo vết tiến trình tha hóa của loài người từ trạng thái tự nhiên nguyên thủy lên xã hội hiện đại. Khi loài người buộc phải gắn kết với nhau chặt chẽ hơn, cũng là khi loài người trải qua quá trình ngày càng phụ thuộc lẫn nhau do phân chia lao động và dẫn đến bất bình đẳng, và do vậy cần phải có khế ước xã hội. . |
Vân Sam
(vietnamnet.vn)