Tốt nghiệp báo chí đi bán trà đá lương “khủng”
Trà Ma-rốc yêu đời
Hà Thanh Thủy (23 tuổi, quê Yên Bái), “bà chủ” quán trà đá nhỏ xíu này, là một cô gái trẻ trung, vui chuyện. Quán của Thủy nằm ngay ngã ba Kim Mã, Đê La Thành, trước cổng đền Voi Phục.
Ngoài trà Ma-rốc là thức uống “đinh”, quán còn phục vụ trà chanh, trà đá và vài thức lặt vặt khác. Tất cả “khuôn” trên một cái bàn con con, vài cái ghế nhựa. Thủy nói, cô chưa từng nghĩ mình sẽ “rẽ” sang kinh doanh… vỉa hè như hiện tại.
Tốt nghiệp HV Báo chí & Tuyên truyền với tấm bằng loại khá, thời sinh viên, Thủy mải miết đi làm thêm, học thêm các chứng chỉ bổ sung cho chuyên ngành và làm tình nguyện. Cô luôn tâm niệm ra trường sẽ làm đúng ngành học.
Nhờ nỗ lực, Thủy tìm được công việc mơ ước – làm nhân viên tại một công ty truyền thông có tiếng ở Hà Nội. Nhưng cuộc sống chẳng êm xuôi, bởi: “Việc tốt nhưng mức lương khá eo hẹp vì dù gì mình cũng là nhân viên mới. Trong khi đó mình vẫn muốn phụ giúp thêm bố mẹ chăm sóc em gái đang học ĐH, và còn nhiều kế hoạch phải làm như học ngoại ngữ, du lịch… Làm gì cũng đều cần tiền cả”.
Thu nhập của quán bây giờ trung bình cũng 300 – 500 nghìn/đêm. “Cao điểm”, đông khách có thể lên tới 700 nghìn.
Loay hoay mãi không ra phương cách nào làm thêm, Thủy bất ngờ nảy ra ý định đi bán trà đá. “Nói ra bạn mình đứa nào cũng cười phá lên, tưởng mình đùa. Mọi người vẫn định kiến đây là nghề lao động tay chân.
Sinh viên đi bán trà đá còn tạm chấp nhận, chứ nhân viên văn phòng, hơn nữa lại là con gái, trẻ trẻ, mới ra trường tự nhiên xách bàn xách ghế đi bàn trà đá thì… buồn cười”, Thủy kể.
Tình cờ đọc được bài viết về trà bạc hà Ma-rốc trên một diễn đàn du lịch, cái tên là lạ, ngồ ngộ, lại chưa từng nghe thấy ở Hà Nội, cô quyết định thử luôn.
Quán khai trương, bạn bè Thủy vẫn sốc. Hôm ấy trời mưa tầm tã nhưng mọi người đến ủng hộ rất đông. Cả nhóm mặc áo mưa, che ô ngồi uống trà Ma-rốc, cười nói như pháo rang. Cô chủ quán cảm kích, cười phớ lớ tự an ủi: “Gặp mưa là gặp may, cứ thế này buôn bán trôi chảy phải biết”.
Đêm đến đi bán trà lại được giải tỏa, được vui cười.
Nụ cười và nước mắt
Từ ngày mở quán, Thủy lúc nào cũng tất bật. Sau giờ làm việc, cô lại tất tả bàn ghế, cốc chén ra vỉa hè “phơi gió phơi sương” đến 11h – 11 rưỡi đêm. Có những hôm mưa gió thất thường, hàng ế chỏng chơ, lại mướt mồ hôi “chạy mưa” khiến Thủy buồn phát khóc.
Thế nhưng đến giờ này, cô gái trẻ khẳng định: “Càng làm càng hăng. Sau nỗi buồn và nước mắt là niềm hạnh phúc. Đi làm ban ngày mệt mỏi, stress, đêm đến đi bán trà lại được giải tỏa, được vui cười. Bạn bè cũ thân thiết hơn, lại có thêm nhiều bạn mới!”.
Về con đường “khởi nghiệp trà đá” của mình, Thủy bảo cũng lắm sự hài hước. Cô mở quán với 5 triệu đồng, do hai người bạn nữa cùng “hùn vốn”. Số tiền ấy Thủy dành mua cốc chén, bàn ghế, mua nguyên liệu dụng cụ pha chế hết gần 2 triệu. Còn lại cô đầu tư hết vào… chiếc biển hiệu phát điện bằng bình ắc quy – món tài sản giá trị nhất quán.
Chưa hài lòng với tấm biển, Thủy còn tìm nhiều cách quảng cáo cho quán của mình như giới thiệu, lôi kéo khách hàng trên mạng xã hội, “đầu tư” bàn cá ngựa cho khách hàng giải trí trong lúc uống trà, “chém gió”.
“Hơn một tháng rưỡi mở hàng, thu nhập của quán bây giờ trung bình cũng 300.000-500.000 đồng/đêm. Hôm “cao điểm”, đông khách có thể lên tới 700.000 đồng. “Ăn đứt” lương bình quân của công chức, văn phòng rồi nhỉ”, Thủy cười, mà nghe giọng có chút ngậm ngùi.
Thành thật, cô gái trẻ vẫn nói rằng, cô vẫn luôn đam mê làm truyền thông, báo chí. Bán trà đá, vui, lạ, thu nhập tốt hơn đi làm chính thật, nhưng cô vẫn trăn trở, phải làm gì để bám trụ với nghề.
“Thu nhập từ bán trà đá giúp đỡ mình rất nhiều trong cuộc sống.. Nhưng mình còn phải học nhiều, phấn đấu nhiều trong sự nghiệp chứ không thể sống ‘bám vỉa hè’ mãi được”…
Theo Diệp Anh
Kiến thức
(dantri.com.vn)