Những nhà báo đầu tiên trong lịch sử Việt Nam
Nhân kỉ niệm Ngày Báo chí Việt Nam 21/6, chúng ta cùng ngược dòng thời gian đi tìm những nhà báo đầu tiên của đất nước ta, để hiểu thêm về những dấu ấn đậm nét của họ.
1. Trương Vĩnh Ký – nhà báo đầu tiên của Việt Nam
Nhà báo chính thức đầu tiên trong lịch sử nước nhà chính là Trương Vĩnh Ký (Pétrus Ký) – người con đất Nam Kỳ. Cuộc đời ông là một hành trình đầy biến cố, bắt đầu với tuổi thơ dữ dội, nhiều long đong.
Cơ duyên đến với nghề của ông thật là kì lạ: xuất phát điểm là một tu sĩ theo đạo Công giáo tài ba từng du học tại Chủng viện Giáo hoàng ở Penang (Malaysia) song vì chịu tang mẹ, ông trở lại Việt Nam, rồi bắt đầu theo nghiệp viết lách. Trước đó, thậm chí có thời kì ông đã hợp tác với Toàn quyền Đông Dương Paul Bert và là thầy dạy tiếng Pháp của vua Đồng Khánh.
Nhà báo Trương Vĩnh Ký…
… và tờ Gia Định báo.
Sức viết của ông gần như vô hạn khi cho ra đời tới 118 tác phẩm, bao gồm sách nghiên cứu, sưu tầm, dịch… Thông thạo tới 26 ngôn ngữ, ông từng được vinh danh là một trong 18 văn hào thế giới của thế kỷ XIX. Thời bấy giờ, J.Bouchot – một học giả người Pháp đã gọi ông là “nhà bác học duy nhất ở Đông Dương”.
Bước chân vào nghề, dấu ấn mà Pétrus Ký để lại là việc trở thành chủ biên tờ báo Gia Định – tờ báo đầu tiên của nước ta. Nó được xuất bản số đầu tiên ngày 15/4/1865, tồn tại suốt 44 năm, đặt nền móng cho báo chí nước nhà. Đây cũng là tờ báo có quảng cáo đầu tiên ở Việt Nam.
Báo Gia Định là tờ báo có quảng cáo đầu tiên ở Việt Nam.
Ông mất năm 62 tuổi và để lại cho hậu thế những suy nghĩ xung quanh lời ước nguyện cuối đời của mình: “Miseremini mei saltem vos acimic mei” (Xin hãy thương tôi, ít ra là những bạn hữu của tôi).
2. Sương Nguyệt Anh – nữ nhà báo hồng nhan bạc mệnh
Tờ Nữ giới chung – tờ báo phụ nữ đầu tiên của Việt Nam lại ghi dấu ấn đậm nét của bà Sương Nguyệt Anh. Trong lịch sử báo chí dân tộc, bà là người phụ nữ đầu tiên làm nghề này.
Nhà báo Sương Nguyệt Anh.
Cuộc đời 58 năm của bà gói gọn lại trong vài từ: gian truân và khổ hạnh. Điều kì lạ là cho tới ngày nay, chưa một tài liệu nào xác định được rõ xem tên, họ thật sự của bà là gì, Nguyệt Anh hay Nguyệt Ánh, Ngọc Khuê, Xuân Khuê, Xuân Hạnh… Chỉ có thể chắc chắn rằng, bà là người con thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Thật không may, cuối đời, Sương Nguyệt Anh cũng mắc bệnh như cha, qua đời trong bóng tối của mù lòa.
Bà là một trang hồng nhan bạc mệnh đích thực. Xinh đẹp, tài năng, được nhiều người theo đuổi nhưng chồng lại mất sớm, bà thủ tiết nuôi con khôn lớn. Đến khi bước vào làng báo thì con gái cũng qua đời. Bút danh của bà có chữ “Sương” là do bà tự thêm vào cũng vì những lẽ ấy. Bà làm chủ bút của tờ Nữ giới chung, được độc giả ủng hộ vô cùng nồng nhiệt. Dẫu vậy, do tầm ảnh hưởng lớn nên chỉ sau 22 tuần, tờ báo đã bị đình bản bởi thực dân Pháp.
3. Hoàng Tích Chu – ngôi sao băng vụt sáng
Nhà báo cuối cùng, là một ngôi sao băng vụt qua làng báo chí Việt Nam thời kì đầu: Hoàng Tích Chu. Nói vậy bởi lẽ sự nghiệp làm báo của ông chỉ vỏn vẹn có vài năm, nhất là khi ông mất khi rất trẻ, hưởng dương 36 tuổi.
Dẫu thế, những đóng góp và công lao của ông là vô cùng quan trọng. Ông là nhà báo mở đầu quá trình cách tân báo chí Việt Nam với lối viết đơn giản, trong sáng, phá tan cách viết sáo mòn, nhiều điển tích tồn tại trước đó. Bên cạnh sự nghiệp lừng lẫy, Hoàng Tích Chu cũng có một mối tình để đời với kỹ nữ Đốc Sao bậc nhất Hà thành.
Nhà nghèo nhưng ông luôn giúp đỡ cô Đốc công việc tại sàn khiêu vũ của cô. Hai người đến với nhau, tình cảm sâu đậm tới nỗi sau khi ông mất, cô Đốc Sao đã tình nguyện ở góa suốt đời, lấy tên “bà quả phụ Hoàng”.
Bạn có thể xem thêm: Ngược quá khứ tìm hiểu tờ báo đầu tiên tại Việt Nam |
(kenh14.vn)