Lạ kỳ những phiên chợ bán không kiếm lời
Không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, nhiều phiên chợ được lập ra để bảo vệ môi trường hay giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đó là những phiên chợ kỳ lạ, đầy trách nhiệm và giàu tình thương.
Chợ “sống xanh”
Những thành viên tổ chức Hanoi Flea Market không ngờ rằng, chỉ sau hơn 3 tháng đưa ra ý tưởng, có hơn 10.000 người yêu thích và háo hức chờ đón mỗi phiên chợ. Chợ đặc biệt ở chỗ không sử dụng túi nylon, và không hút thuốc lá. Đây chỉ là nơi mua, bán, trao đổi những hàng hóa – là vật dụng không dùng đến nữa như quần áo, sách vở, đồ trang trí… với giá cả hết sức phải chăng.
Bị cuốn hút bởi hình thức chợ thú vị này, bốn bạn trẻ Lã Hồng Nhung, Nguyễn Hà Ðăng (sinh viên Học viện Thời trang Luân Ðôn), Cao Thu Hà (sinh viên Ðại học Mỹ thuật Công nghiệp) và Doãn Anh Thư đã lên ý tưởng tổ chức những phiên chợ tương tự như thế, ở ngay Hà Nội.
Ngày 4/3, phiên chợ Hanoi Flea Market đầu tiên diễn ra tại số 27/52 đường Tô Ngọc Vân, thu hút được 25 gian hàng tham gia. Các mặt hàng bày bán ở chợ chủ yếu là thời trang (cả đồ cũ lẫn đồ mới), đồ hand made, mỹ phẩm, đồ trang trí và nội thất… Không ít sản phẩm thời trang, đồ trang sức, đồ trang trí… đều do những đôi tay khéo léo tự lên ý tưởng, chăm chút từng chi tiết. Nhiều món đồ đã “cũ” với người này lại thành “mới” với người khác. Sức hút của phiên chợ đã kéo hơn 3.000 lượt bạn trẻ đến tham gia mua sắm.
Với chủ đề “Summer of Love” phiên chợ Hanoi Flea Market thứ 2 diễn ra ngày 6/5/2012 tại sân bóng Âu Cơ, lại lấy cảm hứng từ tình yêu thiên nhiên, yêu hòa bình, tự do và phóng khoáng của dân Hippie/Gypsy. Phiên chợ người tham gia gần gũi với thiên nhiên hơn, có ý thức với cộng đồng và bảo vệ môi trường hơn.
Một phiên chợ đặc biệt thu hút rất đông bạn trẻ tham gia (ảnh H.H). |
Thành viên của tổ chức này đều đi làm hoặc bận học nhưng đều cố gắng dành thời gian tổ chức phiên chợ phi lợi nhuận này. Ngoài những sản phẩm tự thiết kế hoặc những hàng hóa giá rẻ, nhóm bạn thành lập khuyến khích những gian hàng đồ cũ chất lượng. Theo Thu Hà, thì hiện nay, lượng đồ cũ trong mỗi gia đình rất lớn, nếu bỏ đi thì vừa gây lãng phí, vừa thêm rác cho môi trường.
Chợ đồ cũ
Sáng 6/5, khuôn viên của ký túc xá ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội đã được các sinh viên trang trí sinh động với những tấm áp phích, biển hiệu bắt mắt với những thông điệp tiết kiệm, bảo vệ môi trường như “Dùng nylon là không phong cách”, “Tận dụng cho cuộc sống tốt đẹp hơn”… Hơn 1.000 bạn trẻ đã hào hứng tham gia ngày hội trao đổi đồ năm 2012.
Hứa Thị Mai Phương, thành viên ban tổ chức cho biết: “Mottainai” là một thán từ, trong tiếng Nhật thường được thốt lên đầy cảm thán khi sự hữu dụng (thức ăn, thời gian, trí tuệ, năng lực… ) bị lãng phí một cách đáng tiếc trong lúc giá trị sử dụng vẫn còn. “Mottainai” là cơ hội để mọi người tổng hợp những vật phẩm cũ nhưng còn hữu ích để trao đổi, mua bán. Trên địa bàn Hà Nội, đã có một số trường tổ chức chương trình này với các mặt hàng như sách, vật dụng cá nhân… , thu hút được đông đảo học sinh, sinh viên tham gia.
“Toàn bộ số tiền cũng như những vật dụng còn lại sau ngày hội sẽ được chuyển tới các tổ chức, trung tâm từ thiện, các câu lạc bộ tình nguyện với mong muốn sẽ giúp đỡ phần nào để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Đây sẽ là hoạt động thường niên của trường”, Phương chia sẻ.
Hợp chợ nhân đạo
Nhằm chung tay cho hoạt động thiện nguyện, Lê Thu Hiền, biên tập viên của một tờ tạp chí dành cho phụ nữ tại TP.HCM đã tổ chức phiên chợ cho nhóm trên facebook mang tên Sale for fun (SFF).
Tận dụng mối quan hệ từ công việc, Hiền tự tìm địa điểm, tự liên hệ bạn bè xem có ai muốn bán thứ gì sẽ đứng ra bán dùm. Số tiền đó, cô sẽ đưa lại đầy đủ cho khổ chủ và khuyến khích mọi người ủng hộ một phần nhỏ cho những hoàn cảnh còn khó khăn. Đúng tinh thần mua bán cho vui, ai cũng hào hứng khi thấy món đồ mình không sử dụng hoặc ít dùng đến được ai đó trân trọng, ai cũng thấy lòng rộn ràng hơn khi ngay cả chuyện mua bán nhỏ của mình cũng giúp được những hoàn cảnh khó khăn khác.
Cách khoảng 2-3 tháng, Hiền lại tổ chức một buổi offline cho các chị em nhóm Sale for fun. Địa điểm có thể là một quán cà phê, một cửa hàng thời trang, hay căn nhà của một người bạn nào đó. Mọi người đến tham gia sẽ được mang theo những quần áo, mỹ phẩm, trang sức, phụ kiện… mà mình không dùng nữa để bán cho nhau.
Mandy Dang (một thành viên của SFF) chia sẻ: “Thực ra nói là đi bán cho vui thôi”. Cuối những buổi offline như thế, mọi người đều tự nguyện đóng góp một phần để Hiền chuyển cho những trường hợp đang cần giúp đỡ.
Hiền chia sẻ: “Hàng hóa ở SFF là hàng đã không cần đến nữa, hoặc vì lý do rất phụ nữ là “hết thích” nên muốn bán đi với giá rẻ từ 20-80% giá gốc, còn hơn là bỏ phí. Do vậy khi bán đi được, người bán sẽ vui. Người mua mua được món hàng mình thích với giá hời, cũng vui. Rồi từ số tiền mua – bán được này, chúng tôi trích ra để mang đến niềm vui cho người kém may mắn hơn. Những niềm vui cứ thế xoay vòng”.
Cũng từ SFF, Quyen Tran – một thành viên của nhóm đã cùng với những bạn bè của mình thực hiện riêng một chương trình mang tên “Giếng facebook”. Tất cả số tiền bán được từ quần áo, giầy dép, thiết bị điện tử của các thành viên sẽ được chuyển cho dân tộc vùng Đăk Lăk để họ đào giếng lấy nước sinh hoạt. Ngoài ra, Quyen Tran còn là người rất tích cực trong việc quyên góp giúp đỡ những trường hợp khó khăn đặc biệt. Ví như Canon – một cậu bé bị ung thư khi còn rất nhỏ – đã được đi chữa trị ở Singapore nhờ sự góp sức của rất nhiều facbooker như Thu Hiền, Quyen Tran, Scarlett Thụy Vy,…
Hương Hà
(vietnamnet.vn)