Không khí ô nhiễm ‘gây béo phì’
Tranh cãi nổ ra sau khi một nhóm nhà nghiên cứu tuyên bố sự gia tăng của nồng độ carbon dioxide (CO2) trong không khí là một trong những nguyên nhân khiến đại dịch béo phí hoành hành.
Ảnh minh họa: ctv.ca. |
Nhóm nghiên cứu của Đại học Copenhagen tại Đan Mạch tuyển 6 nam giới để thực hiện một thử nghiệm. Họ yêu cầu 6 người bước vào các phòng đặc biệt, nơi nhóm nghiên cứu có thể điều chỉnh nồng độ CO2. Sau 7 giờ rưỡi, nhóm nam giới được phép ăn thực phẩm một cách thoải mái. Nhóm nghiên cứu nhận thấy những người đàn ông ở trong phòng có nồng độ CO2 cao hấp thu lượng calories lớn hơn 6% so với những người ở trong phòng có nồng độ CO2 bình thường, Livescience đưa tin.
Arne Astrup, một nhà nghiên cứu thuộc khoa Béo phì và Dinh dưỡng của Đại học Copenhagen, cho rằng tính axit trong máu người tăng và nồng độ pH của máu giảm do nồng độ CO2 trong không khí leo thang. Do tính axit trong máu tăng, các tế bào thần kinh orexin – loại tế bào xử lý cảm giác thèm ăn, và rất nhạy cảm với tính axit trong máu – hoạt động mạnh hơn khiến con người ăn nhiều hơn. Vì thế lượng CO2 trong không khí càng lớn thì con người càng dễ béo phì.
Giả thuyết của nhóm Astrup giúp họ giải thích được thực trạng trọng lượng của nhiều loài động vật, bao gồm con người, tăng dần trong vòng nửa thế kỷ qua. Một nghiên cứu được công bố năm ngoái cho thấy trọng lượng của 8 loài động vật tăng trong 50 năm qua dù khẩu phần của chúng không hề thay đổi trong khoảng thời gian ấy.
“Dữ liệu mà chúng tôi có không ủng hộ giả thuyết của Astrup. Các chuyên gia y tế không nhận thấy bất kỳ thay đổi nào của nồng độ pH trong máu người theo thời gian”, Devanjan Sikder, một giáo sư của Viện Nghiên cứu Y khoa Sanford-Burnham tại Mỹ, phát biểu.
Cơ thể người cần duy trì độ pH của máu trong khoảng 7,35 tới 7,45 để đưa đủ oxy tới các mô. “Một thay đổi nhỏ trong nồng độ pH – chẳng hạn như giảm từ 7,4 xuống 7,38 – là điều có thể xảy ra”, tiến sĩ David Katz, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phòng ngừa bệnh của Đại học Yale tại Mỹ, khẳng định.
Katz nói đại dịch béo phì bùng phát do con người ăn quá nhiều thực phẩm không phù hợp và vận động quá ít. Những giả thuyết khác thường có thể giải thích được nguyên nhân béo phì ở một bộ phận người dân, song chúng lại khiến mọi người quên mất hai thủ phạm chính của bệnh béo phì.
Tiến sĩ Minisha Sood – một bác sĩ nội tiết của bệnh viện Lenox Hill tại thành phố New York, Mỹ – nói rằng béo phì là một hiện tượng phức tạp và có nhiều nguyên nhân.
“Trong bối cảnh dịch béo phì hoành hành như hiện nay, tôi nghĩ đổ lỗi cho ô nhiễm không khí là hành động nguy hiểm”, Sood bình luận.
Sood cho rằng trong mọi hoàn cảnh, con người vẫn phải theo đuổi lối sống lành mạnh, khoa học để duy trì trọng lượng ở mức hợp lý.
Minh Long