‘Phá nhà ngoài khu cưỡng chế đất là sai luật’

15/01/12, 08:00 Tin Tổng Hợp

– Dưới góc độ pháp luật, ông đánh giá thế nào về việc cưỡng chế khu đất của ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng?

– Để đánh giá việc thi hành cưỡng chế có vi phạm pháp luật hay không trước hết cần xem xét, đánh giá việc ra quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng. Theo thông tin được công bố, việc ban hành quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng là không đúng.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Luật đất đai năm 2003, khi hết thời hạn sử dụng đối với đất nông nghiệp, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng và trong quá trình sử dụng đất đã chấp hành đúng pháp luật về đất đai, đồng thời việc sử dụng đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt.

Trong trường hợp hộ ông Vươn chưa hết thời gian sử dụng đất, đã chấp hành đúng pháp luật về đất đai, Nhà nước không thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng… thì việc thu hồi đất trước thời hạn đối với ông là không đúng. Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng, cơ sở để tiến hành cưỡng chế, đã không đúng pháp luật, việc thực hiện cưỡng chế cũng không đúng pháp luật.

Cảnh sát bao vây ngôi nhà của ông Vươn. Ngôi nhà này sau đó đã bị phá bỏ. Ảnh: Báo Hải Phòng

– Vậy ai sẽ phải chịu trách nhiệm về những sai phạm nói trên và chịu trách nhiệm như thế nào?

– Trong trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền kết luận quyết định thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng không đúng pháp luật, về nguyên tắc, Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng là người phải chịu trách nhiệm về việc ban hành quyết định này.

Điều 6 Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007 quy định chế độ trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước trong thi hành công vụ, nhiệm vụ, các hình thức trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của họ. Nếu vi phạm nghị định này, tùy từng tính chất, mức độ hành vi họ sẽ phải chịu trách nhiệm kỷ luật; trách nhiệm dân sự; trách nhiệm vật chất, trách nhiệm hình sự hoặc trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật.

Về trách nhiệm kỷ luật, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước vi phạm các quy định của pháp luật trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, nếu chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm phải bị xử lý kỷ luật. Việc xử lý kỷ luật phải tuân theo các quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức.

Về trách nhiệm dân sự, nếu họ có hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành nhiệm vụ, công vụ, gây thiệt hại, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, uy tín của cơ quan, tổ chức, đơn vị đến mức phải chịu trách nhiệm dân sự, ngoài việc bị xử lý kỷ luật phải bị xử lý về trách nhiệm dân sự. Việc xử lý trách nhiệm dân sự này phải tuân theo quy định của pháp luật dân sự và tố tụng dân sự.

Nếu làm mất mát, hư hỏng trang bị, thiết bị hoặc gây ra thiệt hại về tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị, nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chịu trách nhiệm vật chất theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước vi phạm các quy định của pháp luật trong thi hành nhiệm vụ, công vụ đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, tùy từng trường hợp cụ thể, họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về một trong các tội phạm sau đây: Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 BLHS); tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282 BLHS); tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 285 BLHS)…

– Luật sư đánh giá thế nào về việc chính quyền phá hủy nhà của ông Vươn không thuộc diện tích cưỡng chế với lý do là nơi cố thủ, tấn công lực lượng cưỡng chế?

– Việc phá hủy ngôi nhà không thuộc diện cưỡng chế với lý do là nơi cố thủ, tấn công lực lượng cưỡng chế mà vị đại diện UBND huyện Tiên Lãng đưa ra là không có căn cứ, không có quy định nào của pháp luật cho phép tiến hành một công việc – có thể gọi là để “phi tang” chứng cứ phạm tội của người phạm tội – như vậy. Nếu cứ làm theo cách giải thích này không lẽ những ngôi nhà đã xảy ra các vụ án giết người, cướp của (ví dụ như tiệm vàng Ngọc Bích ở Bắc Giang – nơi Lê Văn Luyện gây án) cũng phải phá bỏ?

– Trong trường hợp cưỡng chế “nhầm”, chính quyền phải ứng xử, bồi thường ra sao?

– Việc cưỡng chế dù nhầm hay có chủ định nếu được các cơ quan có thẩm quyền kết luận là trái pháp luật, người chịu trách nhiệm chính về việc thu hồi đất và tổ chức cưỡng chế đều sẽ phải chịu trách nhiệm theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 157/2007/NĐ-CP ngày 27/10/2007. Nếu chứng minh được việc cưỡng chế đúng là “nhầm”, trong trường hợp đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

– Trở lại vụ việc, trong quá trình giải quyết vụ đầm tôm, thẩm phán tòa án Hải Phòng là Ngô Văn Anh có lý vào giấy thỏa thuận rút đơn kiện. Quy định của pháp luật về việc này thế nào?

– Điều 12 Luật tố tụng hành chính quy định: “Trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Toà án tạo điều kiện để các đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án”. Như vậy, án hành chính không có cơ chế hòa giải như án dân sự mà chỉ có quy định về việc đối thoại. Theo đó, trong quá trình giải quyết vụ án hành chính, Tòa án có nghĩa vụ tạo điều kiện để các đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án, nhằm giúp giảm thiểu căng thẳng tâm lý cho tất cả các bên, tạo không khí hòa thuận để thỏa thuận việc giải quyết tranh chấp. Nội dung thỏa thuận giữa người khởi kiện và người bị kiện không có giá trị pháp lý bắt buộc các bên phải thực hiện đúng cam kết mà chỉ dựa trên tinh thần tự nguyện của họ.

Điều này khác với việc hòa giải trong án dân sự: Nếu các bên đương sự thỏa thuận được với nhau, Tòa án sẽ ra quyết định công nhận hòa giải thành ghi nhận thỏa thuận của họ. Nội dung thỏa thuận giữa các bên đương sự có giá trị pháp lý khi quyết định công nhận hòa giải thành có hiệu lực pháp luật.

Khu đất nhà ông Vươn. Ảnh: Hà Anh

Khi hai bên đối thoại và đi đến việc thỏa thuận được với nhau và nguyên đơn rút đơn khởi kiện, Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Tuy nhiên, việc “Toà án tạo điều kiện để các đương sự đối thoại về việc giải quyết vụ án” không đồng nghĩa với việc hòa giải, vận động đương sự rút đơn kháng cáo, rút đơn khởi kiện. Chúng tôi cho rằng nếu đúng có việc cán bộ Tòa án đến hòa giải, vận động đương sự rút đơn thì đây là hành vi trái pháp luật.

– Nếu Tòa có sai sót như vậy thì có biện pháp gì để giải quyết, khắc phục?

– Trong trường hợp xác định được cán bộ Tòa án có hành vi trái pháp luật dẫn đến việc Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án, tùy từng trường hợp cụ thể, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đó có thể bị Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.

– Trong vụ án này, thẩm phán có sai phạm về mặt nghiệp vụ sẽ bị xử lý như thế nào?

Nếu thẩm phán bị xác định là có sai phạm về mặt nghiệp vụ, tùy từng trường hợp cụ thể, Thẩm phán đó có thể bị xử lý kỷ luật theo các quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức hoặc quy định của ngành Tòa án. Trong trường hợp sai phạm đó bị xác định là nghiêm trọng có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về một trong các tội: Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 281 BLHS); tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 282 BLHS)…

Trước đó, ngày 5/1/2012, khi hơn 100 cảnh sát, bộ đội cưỡng chế, thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, một số người đã gài mìn tự chế trong vườn, cầm súng hoa cải chống lại. Bốn cảnh sát và hai cán bộ huyện đội bị thương, trong số này có người đứng đầu công an huyện Tiên Lãng.

Ngày 10/1, 4 bị can gồm: Đoàn Văn Quý (46 tuổi), Đoàn Văn Vươn (49 tuổi), Đoàn Văn Sịnh (55 tuổi) và Đoàn Văn Vệ (38 tuổi) bị khởi tố, bắt tạm giam về tội giết người. Phạm Thị Báu (tức Hiền, vợ ông Quý) và Nguyễn Thị Thương (vợ ông Vươn) bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ, song được tại ngoại và cho áp dụng biện pháp ngăn chặn là cấm đi khỏi nơi cư trú.

Anh Thư

Ad will display in 09 seconds

Vẫn còn ham ăn, sao thành quả vị?

Ad will display in 09 seconds

LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

Ad will display in 09 seconds

"Biết đủ" là một loại phúc

Ad will display in 09 seconds

Vì sao nói nợ tiền không trả là tạo nghiệp chướng?

Ad will display in 09 seconds

Tu thân

Ad will display in 09 seconds

Bài học về chiếc giỏ than đựng nước

Ad will display in 09 seconds

Thảm họa dành cho con người: “Đều không phải ngẫu nhiên”

Ad will display in 09 seconds

Thế nào là Ông Bụt, Ông Phật và Ông Tiên?

Ad will display in 09 seconds

Không gian khác có thật sự tồn tại

Ad will display in 09 seconds

Tinh Hoa kể chuyện: Bồ Tát giả

  • Vẫn còn ham ăn, sao thành quả vị?

    Vẫn còn ham ăn, sao thành quả vị?

  • LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

    LÀM GÌ KHI ĐỐI DIỆN VỚI KHÓ KHĂN ?

  • "Biết đủ" là một loại phúc

    "Biết đủ" là một loại phúc

  • Vì sao nói nợ tiền không trả là tạo nghiệp chướng?

    Vì sao nói nợ tiền không trả là tạo nghiệp chướng?

  • Tu thân

    Tu thân

  • Bài học về chiếc giỏ than đựng nước

    Bài học về chiếc giỏ than đựng nước

  • Thảm họa dành cho con người: “Đều không phải ngẫu nhiên”

    Thảm họa dành cho con người: “Đều không phải ngẫu nhiên”

  • Thế nào là Ông Bụt, Ông Phật và Ông Tiên?

    Thế nào là Ông Bụt, Ông Phật và Ông Tiên?

  • Không gian khác có thật sự tồn tại

    Không gian khác có thật sự tồn tại

  • Tinh Hoa kể chuyện: Bồ Tát giả

    Tinh Hoa kể chuyện: Bồ Tát giả