Xenobot: Robot sống đầu tiên có thể đi lại, bơi lội, tự chữa lành vết thương
Trong một nghiên cứu đáng kinh ngạc, một nhóm nhà khoa học đã tạo ra robot sống đầu tiên từ tế bào gốc của ếch. Robot này có thể tự đi lại, bơi lội, sinh sản, thậm chí tự chữa lành vết thương.
Năm 2020, các nhà khoa học tại trường Đại học Vermont và Tufts đã sử dụng các tế bào sống từ phôi ếch để tạo ra dạng sống chưa từng có trên Trái đất, được coi là robot sống.
Những sinh vật này có tên “Xenobot”, đặt theo tên loài ếch có vuốt châu Phi (Xenopus laevis). Chúng có kích thước khoảng 1mm, có thể di chuyển đến khu vực được chỉ định, thậm chí có thể thực hiện các nhiệm vụ khác nhau.
Các nhà khoa học tạo ra Xenobot tiết lộ những cỗ máy này đủ nhỏ để xâm nhập vào cơ thể người. Chúng có thể bơi, đi lại và sống mà không cần thức ăn trong nhiều tuần. Chúng cũng có thể làm việc tập thể theo nhóm.
“Đây là dạng sống hoàn toàn mới. Chúng chưa từng tồn tại trước đây trên Trái đất. Chúng là những sinh vật sống, có thể lập trình được”, Michael Levin, Giám đốc Trung tâm Khám phá Allen tại Đại học Tufts ở Medford, Massachusetts cho hay.
Xenobot được thiết kế bởi một “thuật toán tiến hóa” chạy trên siêu máy tính Trí tuệ Nhân tạo.
Quá trình chế tạo robot sống
Theo một thông cáo báo chí, các nhà khoa học đã sử dụng tế bào gốc từ loài ếch có vuốt châu Phi để tạo ra Xenobot. Tế bào gốc được sử dụng vì chúng là những tế bào không chuyên biệt có thể phát triển thành nhiều loại tế bào khác nhau. Những tế bào được dùng chỉ gồm: Tế bào da và tế bào cơ tim.
Sau khi lấy tế bào gốc từ phôi ếch, các nhà nghiên cứu đem chúng đi ủ. Tiếp đó, các tế bào được tạo hình thành sinh vật mong muốn theo thiết kế của siêu máy tính, tạo ra các dạng sống “chưa từng thấy trong tự nhiên”.
Các tế bào da cung cấp sự bảo vệ vững chắc, còn các tế bào tim hoạt động như một động cơ nhỏ, đẩy xenobot di chuyển về phía trước.
Ngoài khả năng đi lại và bơi lội, các nhà nghiên cứu tiết lộ Xenobot còn có thể tự chữa lành vết thương. Trong một thí nghiệm, các nhà khoa học cắt rách thân Xenobot và nhận thấy chúng có thể tự lành lại sau đó tiếp tục di chuyển. Điều này là do Xenobot được tạo ra từ mô sống thay vì dùng kim loại hoặc nhựa.
Nhìn bề ngoài, chúng trông giống như một khối thịt nhỏ màu hồng đang chuyển động, một cỗ máy sinh học mà các nhà nghiên cứu cho rằng có thể thực hiện được những điều mà robot truyền thống không thể. Đó là một “thành tích” đáng kinh ngạc nhưng cũng đáng sợ.
Video: Quá trình chế tạo robot sống
Các Xenobot có thể duy trì hoạt động trong khoảng vài tuần nhờ năng lượng của tự thân. Tuy nhiên, chúng có thể tồn tại trong thời gian dài hơn nếu được đặt trong môi trường giàu chất dinh dưỡng.
Khi được giới thiệu lần đầu vào năm 2020, Xenobot chưa có khả năng sinh sản. Nhưng đến cuối năm 2021, các nhà khoa học phát hiện chúng có thể sinh sản bằng hình thức mới hoàn toàn khác so với bất kỳ động thực vật nào mà khoa học biết đến.
Những robot này có thể tập hợp các tế bào đơn lẻ trong môi trường để xây dựng thành các Xenobot mới có khả năng tương tự như chúng.
Xenobot tỏ ra hữu ích trong nhiều việc. Ví dụ, các chuyên gia cho biết những sinh vật này có thể được sử dụng trong tương lai gần giúp làm sạch ô nhiễm trong đại dương, loại bỏ chất thải độc hại, thậm chí cung cấp thuốc cho bệnh nhân.
Tuy nhiên, hiện tại khả năng của chúng là không thể đoán trước. “Không thể biết các robot này sẽ phục vụ cho công nghệ mới nào, vì vậy chúng tôi chỉ có thể phỏng đoán”, Joshua Bongard từ Đại học Vermont cho biết.
Mặc dù có thể kiểm soát các robot này, nhưng các nhà nghiên cứu thừa nhận khái niệm robot tấn công người tạo ra chúng là một cơn ác mộng đáng sợ.
“Nỗi sợ hãi đó không phải là vô lý… Khi chúng ta bắt đầu bối rối với những hệ thống phức tạp mà chúng ta không hiểu, chúng ta sẽ nhận được những hậu quả không lường trước”, Levin tiết lộ.
Thùy Linh (Theo Curiosmos)