Xem chuyện Đới Chí Đức không tranh công với vua mới hiểu thế nào là độ lượng
Nếu nói tài hoa là một loại giá trị bao quát, thì độ lượng là một loại giá trị của chiều sâu. Một người dù có tài hoa đến mấy nhưng không đủ độ lượng thì cũng khiến cho sự tài hoa của người đó bị giảm giá trị trầm trọng. Ngược lại, một người có độ lượng, cho dù trông họ bình thường không đặc sắc cũng vẫn nhận được sự tôn trọng từ người khác.
Vào thời Đường Cao Tông, có vị tể tướng tên là Đới Chí Đức rất được hoàng đế tín nhiệm. Theo ghi chép của “Tân Đường Thư”, vào lúc bấy giờ Đới Chí Đức được phong chức Thượng thư hữu phó xạ, còn Lưu Nhân Quỹ thì nhận chức Thượng thư tả phó xạ. Tuy nhiên phong cách xử lý công việc của hai người đều hoàn toàn khác nhau.
Khi có người đến kháng án, Lưu Nhân Quỹ đều tiếp nhận và xử lý, đối đãi với mọi người đều rất hòa nhã, nhưng Đới Chí Đức thì lại không như thế. Ông sẽ xem xét hỏi kỹ nguyên nhân kháng án, nếu lý do đủ chính đáng thì mới bí mật thượng tấu. Rất nhiều người nhận được sự giúp đỡ của Đới Chí Đức nhưng ít ai biết rằng ông đã âm thầm giúp họ. Vì thế, mọi người đều tán thành với Lưu Nhân Quỹ ở vị trí tả phó xạ hơn, còn ca ngợi ông là một phó xạ “biết giải quyết”, ý nói Lưu Nhân Quý thông thạo lý lẽ, còn Đới Chí Đức thì được cho là một phó xạ “không biết giải quyết”.
Một lần nọ, đến lượt Đới Chí Đức xử án. Có bà lão đến để tố kiện. Đới Chí Đức vừa tính hạ bút xuống phê chuẩn thì bà lão đột nhiên hỏi người kế bên:
“Vị này là Lưu Nhân Quỹ hay là Đới Chí Đức?”.
Những người bên cạnh nói cho bà ấy biết vị này là Đới Chí Đức.
Bà lão gấp rút mở miệng:
“Lúc nãy tôi còn tưởng đây là ‘phó xạ biết giải quyết’, hóa ra là ‘phó xạ không biết giải quyết’ à, thôi đưa bản tố kiện trả lại cho tôi đi”.
Mặc dù nghe bà lão nói những lời thất lễ với mình, nhưng Đới Chí Đức lại không hề tỏ ra tức giận. Ông thậm chí còn mỉm cười trả lại bản tố kiện cho bà lão. Hành động của ông đã chứng minh ông là một người có tấm lòng độ lượng. Rất nhiều người đều bội phục trước ông và còn đánh giá ông là người có tác phong của một vị trưởng giả.
Có thể thấy một người có sự độ lượng bao dung nhất định đều bắt nguồn từ sự tu dưỡng thường ngày. Trong “Tân Đường Thư” có một câu chuyện liên quan đến Đới Chí Đức, nội dung không dài nhưng có thể thấy được sự tu dưỡng của ông.
Ví dụ có người không hiểu tại sao Đới Chí Đức giúp người kháng án nhưng lại không nói cho đối phương biết. Đới Chí Đức chỉ nói rằng:
“Khánh thưởng và trừng phạt, đây là quyền hành của vua, ta chỉ là bề tôi, sao có thể tranh công với chủ nhân mình”.
Ý của ông nghĩa là làm tốt các việc chính là bổn phận của một bề tôi nên làm, không cần bá tánh phải nhớ ân đức của mình. Thật ra người xưa thường nói không nên tham công của trời, và Đới Chí Đức chính là một biểu hiện tiêu biểu.
Khi Đới Chí Đức đang nhậm chức, trông ông rất bình thường đơn giản. Thời lập triều làm quan cũng không nói nhiều, không giống như người dám lên tiếng. Thế mà khi ông mất đi, lại khiến cho hoàng đế Cao Tông phải tiếc thương, buồn rầu nói:
“Từ lúc ta mất đi Chí Đức cũng không còn muốn nghe khuyên giải nữa. Khi Chí Đức vẫn còn sống, mỗi lần ta xử lý việc chính sự không hợp lý, ông ấy đều sẽ chỉ dẫn và bố trí những chỗ ta thiếu sót”.
Cao Tông nói xong, cầm lấy những tấu chương mà Đới Chí Đức trước lúc còn sống đã tấu lên, đều đầy cả một thùng. Cao Tông vừa đọc những tấu chương cũ, vừa rơi nước mắt, lúc này mọi người mới biết hóa ra Đới Chí Đức là một vị đại hiền, khiến mọi người kính ngưỡng.
Chúc Di (Theo Secret China)