Vợ một cảnh sát Hồng Kông: Cảnh sát đã trở thành lá chắn thay cho chính phủ
Cuộc phản đối dự luật dẫn độ vẫn tiếp tục không ngừng, xung đột giữa cảnh sát và người dân ngày càng leo thang, rạn nứt xã hội cũng ngày càng sâu hơn. Vợ của một cảnh sát Hồng Kông đã bước xuống đường và gia nhập vào đoàn biểu tình, cũng có nữ cảnh sát chán nản mà xin từ chức, càng ngày càng có nhiều người nhà của cảnh sát tham gia phản đối dự luật dẫn độ.
Tờ New York Times ngày 10/9 đã đưa tin, hoạt động phản đối dự luật dẫn độ kéo dài mấy tháng qua đã trở thành chiến trường giằng co giữa cảnh sát và người biểu tình, trong đó, Sunny – vợ của một cảnh sát ở Hồng Kông đã có cảm nhận sâu sắc về ảnh hưởng của sự phân cực này.
Sunny cũng là một người biểu tình tham gia phản đối dự luật dẫn độ, cô đã tiết lộ, chồng của cô bởi vì cuộc vận động phản đối dự luật dẫn độ mà mỗi ngày đều phải làm việc đến tận 12 giờ đêm.
Kể từ các cuộc biểu tình quy mô lớn vào ngày 9/6, phương thức sinh hoạt của cặp vợ chồng này luôn là: “Ban đêm đối lập ở trên đường, đến ngày hôm sau lại chung tay nuôi dưỡng hai cô con gái”.
Họ đã chứng kiến những rạn nứt xã hội ngày càng sâu sắc trên đường phố, và hai bên chia rẽ ngày càng lớn. Cuộc đấu tranh này đang gây ra ngày càng nhiều mối bất hòa trong gia đình, thậm chí ở trong nội bộ cảnh sát cũng phát sinh chia rẽ.
Sunny nói rằng cảnh sát Hồng Kông đã trở thành người bị căm ghét thay cho chính phủ
Người chồng cảnh sát của Sunny đã từ chối gặp phóng viên của tờ New York Times hoặc công khai danh tính của mình. Anh ta cho rằng, khoảng cách giữa yêu cầu của chính phủ Hồng Kông và sự bất mãn của người biểu tình là rất lớn. Nhưng anh ta thừa nhận, chính phủ có thể cải thiện cách xử lý đối với người biểu tình.
Anh ta nói qua tin nhắn điện thoại rằng: “Việc này đã mang đến áp lực cho tôi và gia đình. Cảnh sát ngoại trừ việc phải bắt những người phạm pháp thì không còn cách nào khác”.
Nhận thấy mâu thuẫn giữa cảnh sát và người dân ngày càng lớn, tháng 7 năm nay, Sunny đã lập ra một nhóm trên Facebook với tên gọi “Kết nối người thân của cảnh sát”. Hầu hết các thành viên trong nhóm đều giống cô, đều có người thân trong đội cảnh sát của Hồng Kông, nhưng lại ủng hộ người biểu tình phản đối dự luật dẫn độ.
Trong đó có một thành viên tên là Phillis, là một nhân viên xã hội làm việc trong một trường tiểu học. Cô đã kết hôn với một cảnh sát được 21 năm, nhưng kể từ khi tham gia phản đối dự luật dẫn độ, cô cảm thấy người chồng mà mình vẫn chung sống đang ngày càng trở nên xa lạ.
Cô cho rằng: “Quan điểm của chúng tôi không giống nhau, tôi đã nói với anh ấy, chờ khi con của chúng tôi trưởng thành, chúng tôi muốn cân nhắc đến vấn đề ly hôn”.
Phillis còn nói, vì để tránh phát sinh mâu thuẫn ở trong nhà, cô không hề xem ti vi, cố gắng tránh né người chồng, chỉ cùng với con gái thảo luận về vấn đề chính trị ở bên ngoài.
Nữ cảnh sát Hồng Kông nghi ngờ bản thân đứng sai bên
Một thành viên khác tên là Khưu Vấn San, 36 tuổi, từng công tác tại đội cảnh sát Hồng Kông 11 năm, trước khi từ chức vào tháng 7, cô từng được phái đến bên ngoài thư viện trung ương Hồng Kông, để theo dõi người biểu tình ở công viên Victoria bên kia đường, cô còn nhớ rất rõ, người biểu tình khi đi ngang qua đã hét vào mặt cô: “Cảnh sát xấu xa”. Cô chia sẻ rằng, vào khoảnh khắc đó cô cảm giác rằng mình đã đứng sai bên.
Điều càng làm Khưu Vấn San thất vọng là: Ngày 21/7, một đám côn đồ mặc áo trắng đã đánh người biểu tình ở ga xe lửa Nguyên Lãng mà không cần phân biệt, trong khi đó thì những người cảnh sát, đồng nghiệp của cô trước kia, lại đứng qua một bên mà không can thiệp.
Việc này đã làm cho Khưu Vấn San ngày càng thất vọng hơn, cô nghi ngờ: “Bộ đồng phục này thì có ý nghĩa gì?”.
Khưu Vấn San nói, quan điểm của cô ngày càng trở nên phổ biến trong đội cảnh sát, việc từ chức của cô sau khi được truyền ra, có vài cảnh sát đã tìm đến cô, hỏi thăm xem làm thế nào để có thể làm được như cô. Trong đó có một người cảnh sát nói cho cô biết, anh ta lo lắng cho an toàn và hạnh phúc của con gái mình.
Một người cảnh sát khác cũng nói với cô, cấp trên đã bắt đầu nghi ngờ anh ta, yêu cầu anh ta phải công khai lập trường chính trị của mình.
Khưu Vấn San nói thẳng: “Tôi cảm thấy như là chính phủ đang núp sau đội cảnh sát, rất nhiều cảnh sát khi hết giờ làm và cởi bỏ đồng phục của mình xuống, đều sẽ trở thành những người dân Hồng Kông bình thường. Chúng ta đều là công dân của Hồng Kông, nhưng dường như chính phủ không để ý đến các sự kiện đổ máu xảy ra ở trên đường”.
Truyền thông Hồng Kông đưa tin, kể từ khi diễn ra cuộc vận động phản đối dự luật dẫn độ cho đến nay, cảnh sát Hồng Kông đã ném ra ít nhất là 2000 quả bom hơi cay, đạn túi vải, đạn bọt biển; bắt hơn 1200 người. Không những thế, ngày 31/8, cảnh sát Hồng Kông đã tiến vào nhà ga Prince Edward và đánh đập hành khách vô tội vạ, việc này đã làm cho toàn dân phẫn nộ.
Hàng trăm người nhà của cảnh sát Hồng Kông cũng đã gửi đi một bức thư ngỏ vào tháng 7, lên án chính phủ Hồng Kông đã điều khiển cảnh sát “làm xằng làm bậy”, cảnh sát đã bị bắt phải gánh chịu những hậu quả do những chính sách sai lầm của chính phủ đưa ra, làm cho mối quan hệ của cảnh sát và người dân ngày càng trở nên xấu.
Những cảnh sát ở tuyến đầu này đang phải chịu ảnh hưởng cả về thể xác và tinh thần, trong khi những người ra lệnh lại không phải chịu trách nhiệm gì, điều này làm cho mọi người rất chua xót.
Minh Huy (Theo Vision Times)