VKS bác toàn bộ kháng cáo trong vụ án ở Đồng Tâm; tịch thu biên bản đánh máy của luật sư
Sáng 9/3, bản luận tội đã được đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội công bố trong ngày thứ 2 của phiên xét xử phúc thẩm 6 bị cáo có đơn kháng cáo trong vụ án Đồng Tâm khiến 3 cảnh sát và 1 người dân (ông Lê Đình Kình) thiệt mạng.
Theo Vnexpress, trong bản luận tội này, VKS cho rằng hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng khi tập hợp lôi kéo họ hàng, người dân cùng chống người thi hành công vụ.
Nói rằng án sơ thẩm đánh giá đúng tính chất, tuyên đúng tội, theo đó, đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm bác toàn bộ kháng cáo của 6 người trong vụ án trên, đặc biệt là việc y án tử đối với bị cáo Lê Đình Công, Lê Đình Chức.
Là người đầu tiên tự tranh luận, bị cáo Lê Đình Công, người bị tuyên án tử hình vì bị cáo buộc là chủ mưu, nói không đồng tình với bản luận tội. “Bị cáo khẳng định không tham gia bàn bạc, giao nhiệm vụ trong 3 cuộc họp ở nhà ông Kình. VKS cáo buộc bị cáo giữ vai trò chủ mưu là không đúng nên mong HĐXX xem xét”, bị cáo Công nói.
Được biết, ở phiên tòa trước đó, ông Công từng xin thay đổi kháng cáo từ xin giảm nhẹ hình phạt sang kêu oan.
Bị cáo cho rằng chỉ phạm tội chống người thi hành công vụ chứ không thực hiện hành vi giết người, đồng thời không thừa nhận tham gia bàn bạc kế hoạch và chỉ đạo những người khác thực hiện hành vi phạm tội như cáo buộc.
Về việc mua lựu đạn, ông Công nói với bị cáo Bùi Viết Hiểu và Nguyễn Văn Tuyển cần mua để “đề phòng”.
Tuy nhiên sau đó, con trai của cụ Lê Đình Kình cũng thay đổi trở về nội dung kháng cáo ban đầu là xin giảm nhẹ hình phạt.
Luật sư tự đánh máy biên bản phiên tòa nhưng lại bị tịch thu
Theo RFA, trong phiên xét xử thứ nhất diễn ra vào sáng hôm qua (8/3), luật sư Ngô Anh Tuấn là người thường tự đánh máy biên bản phiên tòa và sau đó đăng tải lên Facebook cá nhân – điều mà ông đã làm trong phiên tòa sơ thẩm.
Tuy nhiên, vào trưa cùng ngày (8/3) khi ông lấy ổ cứng di động USB có chứa tệp biên bản phiên tòa mà ông dùng máy tính do tòa phát để đánh máy, nhằm sao lưu ra máy tính cá nhân đăng tải lên Facebook thì bị công an ngăn cản.
Khi ông phản ứng, hỏi ‘không cho đăng tài liệu thì phát USB để làm gì?’ thì nhận được trả lời là ‘phát để cho các luật sư làm việc ở trong nội bộ trong tòa đó’.
“Nếu mà chỉ làm nội bộ trong tòa đó thì tôi lấy gì để sao chép khi mà máy tính và điện thoại của tôi bị tịch thu? Họ phát cho chúng tôi xong rồi cuối buổi họ lấy tư liệu của chúng tôi thì như vậy là không được, điều này tôi đưa ra trước tòa thì họ chối họ không nói gì cả.
Cuối cùng chiều nay (8/3) chúng tôi thay đổi phương hướng, chúng tôi tự ghi biên bản phiên tòa vào giấy, chúng tôi ghi mấy chục trang giấy”, ông Tuấn cho biết.
Luật sư không được tiếp xúc với thân chủ, không được triệu tập nhân chứng
Được biết, cũng tại phần thủ tục phiên tòa phúc thẩm vụ án Đồng Tâm, luật sư Đặng Đình Mạnh, trưởng Văn phòng Luật cùng tên, một trong các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo ở phiên phúc thẩm đã có kiến nghị về quyền tiếp xúc với thân chủ của mình (theo điều 256 Bộ luật Tố tụng Hình sự) nhưng không được tòa chấp thuận.
“Ông Ngô Tự Học từ chối thẳng thừng không cho xem xét nội dung đấy. Nhiều nội dung khác nữa, nói chung là liên quan đến tố tụng như chúng tôi yêu cầu triệu tập một số người liên quan đến sự kiện ngày hôm đó, đặc biệt là những những người trong tổ công tác của Công an TP. Hà Nội nhưng họ không chấp nhận.
Trong quá trình các luật sư hỏi những vấn đề nhạy cảm trong vụ án thì HĐXX chủ tọa phiên tòa liên tục ngắt các nội dung đó và không cho đi sâu vào”, luật sư Ngô Anh Tuấn cho biết.
Theo luật sư Lê Văn Hòa, người bào chữa cho ông Lê Đình Công và một số bị cáo khác thì đến nay, trong 6 người kháng cáo chỉ còn bà Bùi Thị Nối, con nuôi cụ Kình “không đồng tình với bản án sơ thẩm”.
Theo BBC, vụ việc tranh chấp đất đai ở cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm bắt đầu nóng lên từ năm 2017, khi công an Hà Nội bắt giam một số người dân Đồng Tâm sau khi cho xã ‘mời’ họ lên họp, trong đó ông Lê Đình Kình – người đứng đầu phong trào đấu tranh giữ đất của làng – cáo buộc bị chính quyền đánh gãy chân.
Đỉnh điểm của cuộc xung đột xảy ra vào tháng 4/2017, khi dân làng Đồng Tâm bắt giữ hơn 30 cảnh sát để đòi chính quyền trả người. Vụ việc đã khiến ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội thời điểm đó phải trực tiếp về Đồng Tâm đối thoại với người dân.
Trong cuộc gặp, ông Chung đã trao văn bản với chữ kỹ viết tay cho dân Đồng Tâm, trong đó ông hứa 3 điều, bao gồm không truy tố họ. Tuy nhiên chỉ sau đó 2 tháng, công an TP. Hà Nội ra quyết định khởi tố điều tra vụ án hình sự liên quan tới vụ đối đầu giữa người dân Đồng Tâm với giới chức do tranh chấp đất đai, theo hướng nhằm làm rõ 2 tội danh ‘bắt giữ hoặc giam người trái pháp luật’ và ‘hủy hoại tài sản hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản’.
Cuối năm 2019, Quân chủng Phòng không – Không quân, Bộ Quốc phòng cho người đào mương, xây dựng tường rào xung quanh sân bay Miếu Môn – khu vực đang tranh chấp và vấp phải phản đối của người Đồng Tâm.
Rạng sáng 1/9/2020, công an TP. Hà Nội đưa hàng ngàn quân tiến vào thôn Hoành, Đồng Tâm, Hoài Đức, Hà Nội – mà ông Lương Tam Quang, thứ trưởng, sau này nói là vào để ‘đảm bảo an ninh trật tự công trình xây dựng tường rào xung quân sân bay Miếu Môn’.
Cuộc đụng độ với dân làng thôn Hoành nổ ra khiến 4 người thiệt mạng, trong đó có ông Lê Đình Kình và 3 công an. Tổng cộng có 29 dân làng bị bắt giam, trong đó nhiều người bị thương nặng.
Kết luận điều tra sau đó cho hay 3 công an rớt xuống hố sau đó đã bị 2 ông Công, Chức đổ xăng xuống thiêu cháy. Tuy nhiên, các luật sư hỗ trợ pháp lý cho 29 bị cáo cho rằng kết luận điều tra có nhiều chi tiết mâu thuẫn và thiếu bằng chứng, cần phải tái dựng hiện trường vụ công an chết thì mới sáng tỏ được vụ việc.
Các luật sư cũng kiến nghị trả hồ sơ cho cơ quan điều tra để xem xét, bổ sung các thiếu sót.
Vũ Tuấn (t/h)