Việt Nam độ thêm ‘hàng nóng’ cho tiêm kích Su-30MK2
(Quốc phòng Việt Nam) – Để tăng cường hiệu quả huấn luyện, nâng cao khả năng chiến đấu, Việt Nam chế thành công thiết bị kiểm tra mạch phóng vũ khí tiêm kích Su-30MK2.
‘Hổ mang chúa’ Su-30MK2 Việt Nam lần đầu ném bom đêm Trung đoàn Su-30MK2 thứ 3 trấn giữ khu vực nào?
Thiếu tá Nguyễn Tiến Long đã nghiên cứu và thử nghiệm thành công thiết bị mới, đưa vào sử dụng, tiết kiệm hơn 2/3 thời gian so với thiết bị thế hệ cũ, lại bảo đảm chính xác tuyệt đối. Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam chế tạo thêm thiết bị cho tiêm kích đa năng Su-30MK2, trước đó thiết bị kiểm tra thành phần hệ thống radar quang điện tử trên “Hổ mang chúa” cũng đã được Việt Nam sản xuất thành công.
Đây là sáng kiến cải tiến kỹ thuật có tên Thiết bị kiểm tra khối các truyền cảm góc 31E/01 của radar quang điện tử. Đây là sản phẩm của tác giả Thượng tá Lê Văn Tăng, Tiểu đoàn KTHK (Trung đoàn không quân 935, Sư đoàn không quân 370). Theo giới thiệu của tác giả: “Khối các truyền cảm góc 31E/01 có chức năng xác định trạng thái máy bay trong hệ không gian 3 chiều và tuyến tính, nên rất quan trọng đối với máy bay”. Việc bảo dưỡng định kỳ, sửa chữa hay kiểm tra đánh giá chất lượng làm việc của khối truyền cảm góc 31E/01, được thực hiện bằng cách bật chế độ làm việc của toàn bộ tổ hợp radar ngắm bắn-điều khiển hỏa lực SUV-VEP. Hệ thống tự kiểm tra (VSK) sẽ xác định hỏng hóc đến các khối và báo hiệu hỏng hóc bằng các mã số tương ứng. Thời gian cần thiết để tổ hợp nói trên làm việc tin cậy và phát hiện ra hỏng hóc của khối cần hàng chục phút. Với cách kiểm tra khối truyền cảm góc 31E/01 như trên sẽ nảy sinh những bất cập như: Bàn kiểm tra tổ hợp không kiểm tra chi tiết được từng tham số cụ thể của khối 31E/01, nên khi cần tìm ra các chi tiết linh kiện hỏng bên trong để sửa chữa gặp rất nhiều khó khăn, phải đầu tư nhiều thời gian và đo nóng trên thiết bị. Trước thực tế đó, đồng chí Lê Văn Tăng đã hình thành ý tưởng và triển khai sản xuất Thiết bị kiểm tra khối các truyền cảm góc 31E/01 của radar quang điện tử trên máy bay Su-30MK2 từ năm 2010 và hoàn thành vào năm 2011. Khi đưa vào ứng dụng trong thực tiễn hoạt động bảo đảm KTHK của Trung đoàn không quân 935, thiết bị nói trên đã mang lại hiệu quả thiết thực như: Hỏng hóc của khối các truyền cảm góc 31E/01 được phát hiện chỉ sau vài phút; chỉ cần 1 nhân công thực hiện kiểm tra; có khả năng phát hiện hỏng hóc đến từng chi tiết và có thể kiểm tra tất cả các chi tiết hỏng hóc của khối. Ngoài thiết bị của Thượng tá Lê Văn Tăng, Thiếu tá Nguyễn Công Tênh, Trung đoàn không quân 935 còn chế tạo thiết bị nhỏ gọn để kiểm tra và sửa chữa mũ trang bị cho phi công. Mũ phi công máy bay Su 30MK2 vốn được nhập hoàn toàn từ nước ngoài, chất lượng rất tốt, nhưng giá đắt. Và qua thời gian dài sử dụng, mũ hay bị trục trặc. Thông thường, nếu không có thiết bị thì phải đưa lên máy bay để thử. Để thử mũ, phải bật điện máy bay, vừa tổn hao điện năng, máy móc lại có nguy cơ gây hỏng các thiết bị khác trên máy bay, mà thiết bị nào cũng đắt tiền. Sửa mũ bay phải thử nhiều lần. Trước thực tế đó, Thiếu tá Tênh sáng tạo thiết bị nhỏ gọn, xách tay. Với thiết bị này, chỉ cần cắm vào nguồn điện 220V dễ dàng sửa mũ phi công. Ngoài ra, Thiếu tá Nguyễn Công Tênh còn chế tạo bộ biến điện nguồn 115V thành 27V dùng cho máy tạo áp phun dầu vào buồng đốt máy bay. Trong xưởng, muốn kiểm tra máy bay, nhân viên sử dụng thiết bị GU-3 dùng hai nguồn điện 115V và 27V. Nhưng khi kiểm tra máy bay ngoài bãi, phải dùng xe điện đặc chủng, cần nhiều người vận hành, vừa tốn nhiên liệu vừa phối hợp khó khăn. Với thiết bị biến điện của Thiếu tá Tênh, không cần phải sử dụng xe điện đặc chủng, vừa tiết kiệm được nhiên liệu, công sức, vừa dễ dàng điều khiển. Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn kỹ thuật, Trung đoàn Không quân 935, Trung tá Đặng Xuân Vy chia sẻ: “Chúng tôi mang cả tinh thần chiến đấu vào trong công việc hằng ngày: nhanh, chính xác, kịp thời, tuyệt đối an toàn với tâm niệm: quyết không mang hỏng hóc lên bầu trời. Ngoài những kiến thức được học và khả năng còn có trách nhiệm về tình người, vì công việc của chúng tôi gắn với tính mạng của phi công và tài sản của đất nước, không thể để những sai sót chủ quan của con người gây ra uy hiếp an toàn bay”. Điều đó lý giải tại sao những hỏng hóc trừ khi không có máy thay thế, còn lại 100% hỏng hóc lực lượng kỹ thuật của trung đoàn đều sửa chữa được.
Hòa Sơn |
Theo Báo Đất Việt