Vì sao một người ngốc nghếch như Quách Tĩnh lại lấy được Hoàng Dung?
Người ta vẫn thường nói, năng lực của một người quyết định anh ta sẽ bước trên đường đời với tốc độ thế nào, còn nhân phẩm lại quyết định liệu bước đi có thuận lợi hay không. Đây chính là vai trò quyết định của nhân phẩm. Vậy nhân vật Quách Tĩnh có gì đặc biệt mà có thể cưới được Hoàng Dung?
Người tâm cơ sâu, họa càng sâu
Trong tiểu thuyết võ hiệp “Anh hùng xạ điêu” của tác giả Kim Dung, có hai nhân vật tính cách đối nghịch kết bái huynh đệ. Một người rộng lượng nhân hậu, một người mưu kế thâm sâu, đó chính là hai nhân vật chính của câu chuyện, Quách Tĩnh và Dương Khang.
Lần đầu tiên hai người gặp nhau là trong trận tỷ võ kén rể của Mục Niệm Từ. Lúc đó Dương Khang chiếm ưu thế hơn. Luận về tướng mạo, khi Dương Khang xuất hiện, thì đáp ứng đầy đủ những miêu tả về một tiểu tướng áo trắng trong tất cả các sách Bình thư: mặt như ngọc, môi đỏ như vẽ, mọi cử chỉ hành động đều tao nhã phóng khoáng, võ công cao cường hơn Quách Tĩnh rất nhiều.
Còn Quách Tĩnh thì sao? Chỉ là một tên ngốc vừa đặt chân vào thế giới phồn hoa, chưa va chạm nhiều với cuộc sống bên ngoài, thật thà ngốc nghếch. Rõ ràng anh ta không thể bì kịp Dương Khang, vậy mà lại có thể thà chết chứ không buông tay để đòi công đạo cho Mục Niệm Từ.
Tuy nhiên, tính cách khác nhau đã quyết định hướng đi khác biệt của hai người về sau. Đầu tiên nói về Dương Khang, tại sao đầu óc thông minh, lại trở thành điểm hạn chế của anh ta?
Dương Khang thông minh, có mưu tính, anh ta có thể nghĩ ra được việc đánh gãy chân của con thỏ trắng, để lấy lòng người mẹ lòng dạ từ bi yếu mềm, thích cứu giúp những loài động vật nhỏ. Ngay cả với người thân anh ta cũng phải làm như vậy, chứng minh rằng anh ta lúc nào cũng mưu toan tính toán, và việc đó đã trở thành thói quen trong cuộc sống.
Có câu nói rằng thường xuyên đi bên bờ sông, nhất định sẽ lộ dấu giày. Mưu mô tính toán nhiều, có ngày cũng bại lộ. Trong “Trang Tử” có nói: “Tai họa lớn nhất cũng không bằng việc cố ý bồi dưỡng đức hạnh để mưu đồ tính toán, khi có mưu đồ tính toán thì sẽ có ước đoán chủ quan, mà ước đoán chủ quan nhất định sẽ thất bại. Có năm bộ phận trên cơ thể có thể gây ra đại họa đó là tim, tai, mắt, lưỡi, mũi; mưu mô trong lòng chính là họa lớn nhất”.
Thực ra mưu mô vốn dĩ không có tốt xấu, nhưng động cơ của nó là có tốt xấu. Động cơ muốn chống lại người khác, thì cũng có thể chống lại chính bản thân mình. Vì mưu mô của một người sẽ bị hạn chế bởi tính tình, tài trí, vì thế để lộ ra sơ hở là điều khó tránh.
Ví dụ như Dương Khang, lúc đầu đã tính toán rất kỹ là chỉ cần giết Âu Dương Khắc là có thể thở phào nhẹ nhõm, lại có thể ép Âu Dương Phong thu nhận làm đệ tử. Nhưng trăm tính vạn tính, cũng không tính được rằng, lời nói của một cô nương ngốc nghếch đã bán đứng anh ta, từ đầu đều cuối đều rất mưu lược, vậy mà lại mất mạng.
Bị cô nương ngốc nghếch bán đứng là chuyện ngoài ý muốn, không ai tính được. Vì thế cho dù bạn có thông minh thế nào, mưu kế chu toàn đến đâu, mà lại có dã tâm hại người, thì cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, gậy ông đập lưng ông.
Quách Tĩnh – Người có tâm rộng mở, phúc khí sẽ lớn
Lại nói về Quách Tĩnh, vận may của anh là vô cùng lớn. Một kẻ khù khờ lại trở thành ý trung nhân của công chúa Hoa Tranh, được Thành Cát Tư Hãn phong làm Kim Đao phò mã; là một cậu bé xấu xí đáng thương lại lọt vào mắt xanh của thiếu nữ xinh đẹp Đào Hoa đảo.
Trong khi Dương Khang tốn bao tâm sức tính toán, nôn nóng cầu xin, nhưng cũng không xin được Cửu Âm Chân Kinh; còn Quách Tĩnh lại dễ như trở bàn tay, không tốn chút tâm sức nào liền có được. Xem ra, Dương Khang càng cầu phúc thì phúc càng đi xa; Quách Tĩnh không làm những gì anh ta muốn, vậy mà may mắn lại đến.
Quách Tĩnh lúc nào cũng bị gọi là tên ngốc, đến sư phụ của anh ta cũng có lúc chê anh ta ngốc, không chỉ khả năng lĩnh hội võ công kém, còn ngốc nghếch trong đối nhân xử thế, không có tâm cơ, thiếu sự khéo léo, không biết cách tính toán cho bản thân. Tuy nhiên chính vì không biết mưu mô tính toán, nên đã tạo thành phúc khí.
Khi anh ta tặng ngựa quý cho Hoàng Dung, Hoàng Dung vẫn đang cải trang thành “Tiểu khiếu hoa” – một cậu bé ăn mày, lúc đó Quách Tĩnh chỉ xuất phát từ tình huynh đệ, chứ chưa từng nghĩ đến việc lấy lòng mỹ nhân; anh ta không màng nguy hiểm, hút sạch máu độc trên người Chu Bá Thông, vì anh ta trọng tình trọng nghĩa, chứ không phải vì Cửu Âm Chân Kinh.
“Minh tâm bảo kiếm” có viết: “Lượng đại phúc diệc đại, cơ thâm hoạ diệc thâm”, ý nói càng độ lượng phúc càng lớn, tâm cơ sâu họa càng sâu. Cái gọi là khoan dung độ lượng, chính là không tư lợi. Tâm hồn vô tư rộng mở như đất trời.
Trong “Đạo đức kinh” có một đoạn văn trình bày và phân tích như sau: “Trời đất tồn tại trường tồn. Trời đất có thể trường tồn như vậy, là vì đất trời không chỉ tồn tại vì bản thân mình, nên mới có thể tồn tại bền lâu. Vì vậy, thánh nhân nên xếp bản thân mình ở sau cùng, ngược lại sẽ chiếm được vị trí đầu, nếu không màng tính mệnh, ngược lại tính mệnh sẽ được bảo toàn. Đó chẳng phải là vì sự vô tư sao? Do đó mới đạt được mục đích riêng của bản thân”.
Lợi ích riêng của bản thân ở đây không giống như ý nghĩa thông thường, mà là chỉ vì khoan dung độ lượng nên nhận được phúc báo. Đó chính là điểm thần kỳ trong cuộc sống, bởi vì làm nhưng không đòi hỏi báo đáp, vì thế mới có được phúc báo không ngờ.
Tuệ Tâm (Theo SOH)