Vì sao người yêu nước chân chính dưới thời Hitler lại bị coi là “phần tử phản động”?
Dưới cỗ máy tuyên truyền của Hitler, đa số người dân Đức chìm trong u mê, cho rằng yêu nước là phải yêu đảng Quốc xã, còn những người yêu nước chân chính thì bị coi là kẻ thù, là phần tử phản động…
Để bảo vệ quyền lực độc tài, Hitler đã áp dụng hai thủ đoạn: dùng lực lượng Gestapo (mật vụ) theo dõi nhất cử nhất động của dân chúng, chỉ cần phát hiện ai đó “có dấu hiệu khác thường” là người đó sẽ lập tức bị tống vào nhà lao, thậm chí không ít người bị hành hình bí mật; một thủ đoạn khác là Hitler dùng cỗ máy quốc gia, đặc biệt là bộ máy truyền thông quảng bá “tư tưởng Hitler”, đẩy mạnh đưa thông tin giả mạo nhằm tẩy não nhân dân.
1. Lẫn lộn khái niệm “Quốc gia” và “đảng Quốc xã” (Nazi)
Đa số dân chúng Đức bị tẩy não nên tưởng rằng: Không có Nazi thì không có sự tồn tại của nước Đức, sự phát triển của nước Đức cần nhờ vào sự thống trị của Nazi. Thậm chí nhiều người ngộ nhận không có Nazi thống trị thì nước Đức sẽ rối loạn.
Thực tế, nước Đức không vì Nazi mà được hùng cường, ngược lại còn bị cuốn vào Thế chiến thứ Hai. Sau Thế chiến thứ Hai, Tây Đức trở thành nhà nước Cộng Hòa Liên Bang, với sự hậu thuẫn của Mỹ, Anh, Pháp đã nhanh chóng đạt được trạng thái ổn định, kinh tế phát đạt, mức sống của người dân tăng cao.
2. Không nhận rõ ai thực sự nuôi sống ai
Cho dù trong thời gian cai trị nước Đức, Hitler đã thực hiện nhiều mục tiêu kinh tế, tưởng như kinh tế nước Đức phát triển được là nhờ cải cách của Hitler, thực tế là tài sản của nhân dân Đức bị bào mòn rất nhiều. Để đảm bảo cuộc sống xa xỉ của bản thân và tình nhân, để duy trì hoạt động của lực lượng Gestapo hùng hậu thì Hitler không có cách nào khác là phải vơ vét tài sản của nhân dân.
Vì trước khi Hitler lên cầm quyền vừa đúng dịp nền kinh tế nước Đức đi xuống, ông ta đã tóm chặt cơ hội qua nắm bắt được tâm lý người dân sợ thất nghiệp, đã đẩy mạnh phát triển công nghiệp quân sự, lợi dụng lao động giá rẻ giúp ông ta kiếm được bộn tiền.
Nhưng người dân Đức tội nghiệp cứ tưởng rằng Hitler và đảng Quốc xã đã thay đổi cuộc sống của họ, vì thế có thiện cảm với ông ta, họ không ý thức được cuộc sống của họ tồn tại là nhờ vào chính sức lao động khổ nhọc của họ. Trái lại, chính Hitler và lực lượng Gestapo hùng hậu giám sát người dân nhờ ăn bám vào sức lao động cực khổ của người dân Đức mới có thể sống được.
3. Nhận kẻ thù làm bạn
Dưới trò tẩy não của Hitler, dân chúng Đức xem Mussolini (Thủ tướng độc tài cai trị phát xít Ý) là “bạn tốt nhất của người Đức”, đa số người dân Đức khi đó nghĩ rằng, ngoài nước Ý, các nước khác đều là “thế lực thù địch thèm muốn nước Đức”, nhưng chính “người bạn tốt nhất” đã làm tăng thêm bi kịch của nước Đức.
4. Lính gác khắp nơi
Dưới giám sát theo dõi vô cùng kín kẽ của hệ thống Gestapo, cho dù nhiều người dân Đức có trái ý với Nazi cũng không dám lên tiếng. Vì an toàn của bản thân, mọi người dân đều sống trong cảnh giác ai cũng có thể là Gestapo, thậm chí ngay cả giữa hai người bạn thân thiết cũng luôn phải dè chừng nhau.
5. Người yêu nước thật sự lại trở thành cái gai trong mắt nhân dân
Dưới thời Hitler cũng có nhiều nhân sĩ yêu nước với trí tuệ thông sáng, họ dám phản đối cỗ máy nhà nước độc tài thực hiện chính sách ngu dân, nhưng họ bị Gestapo vu khống là “giặc bán nước”. Từ đây, những người yêu nước đích thực lại bị dân chúng căm ghét, bị cho là phần tử “nguy hiểm cho ổn định quốc gia”, mãi đến khi kết thúc Thế chiến thứ Hai khi người dân Đức nhìn lại lịch sử mới ngộ ra chân lý “yêu nước không có nghĩa là yêu Nazi, yêu nước thực sự là phải biết bảo vệ quốc gia không để cho Nazi tùy tiện thao túng, phải lấy bảo vệ quyền lợi của nhân dân làm gốc”.
Nhân dân Đức bị lừa dối khiến cả nước Đức chìm trong thảm cảnh. Sự tồn tại của Nazi chính là nguyên do mấu chốt làm hại nước Đức. Khi nước Đức không còn Nazi mới là lúc cuộc sống của nhân dân thực sự có mùa xuân, thu nhập quốc dân tăng cao, đời sống quốc dân ngày càng tươi sáng hơn, nước Đức mới trở thành cường quốc của thế giới.
Theo Trithucvn