Vị quan thanh liêm kháng lại áp lực quan trên rửa oan cho dân
Tiền Nhược Thủy thời Bắc Tống là người tri thức uyên thâm, có thể đoán biết đại sự. Trong “Tốc Thủy Kỷ Văn”, Tư Mã Quang đã ghi chép lại sự tình khi ông đảm nhiệm chức Thôi quan tại Đồng Châu (Tức thân tín và trợ thủ của quan Tri châu) ông đã kháng lại áp lực của quan trên mà rửa được một án oan.
Tri châu tại Đồng Châu, thượng cấp của Tiền Nhược Thủy là người chủ quan võ đoán, hơn nữa tính tình nóng nảy thường hay phạm sai lầm. Mỗi lần gặp phải tình huống như vậy, Tiền Nhược Thủy đều thảo luận với quan trên, nhưng tri châu thường không tiếp nhận ý kiến chính xác của ông. Mặc dù sau này khi chân tướng vụ án hiển lộ, tri châu thường cảm thấy xấu hổ vì sai sót của bản thân mình, nhưng sau đó mọi chuyện vẫn lặp lại như cũ.
Có lần, một nữ tỳ của một gia đình quyền quý không biết đi đâu mất tích. Cha mẹ cô tới Châu báo án, tri châu lệnh cho quan tham mưu kiêm sao lục thẩm tra thụ lý vụ án. Vị quan tham mưu kiêm sao lục này từng mượn tiền của nhà quyền quý nọ nhưng bị từ chối, trong lòng y nảy sinh oán hận.
Trong quá trình xét xử vụ án y đã võ đoán mà nói rằng nhà giàu đó đã hại chết nữ tỳ, rồi quăng thi thể cô xuống sông. Phụ tử nhà giàu đều không nhận tội cuối cùng bị dùng hình ép cung nên mấy cha con nhà giàu có người bị định tội là thủ phạm chính, người thì bị định tội là chủ mưu giết người, theo luật họ đều phạm tội tử hình.
Sau khi xét xử, viên quan tham mưu kiêm sao lục đã báo án lên tri châu, tri châu triệu tập quan viên hữu quan tiến hành phúc thẩm, một số người cho rằng án này đã được xử lý một cách chính xác, còn thể hiện sự đồng tình, chỉ có Tiền Nhược Thủy tỏ vẻ nghi ngờ vụ án, ông cho rằng khi xét xử nên thẩm vấn kỹ lưỡng, nếu không có chứng cứ xác thực mà định tội mưu sát chẳng khác gì coi rẻ tính mệnh con người.
Sau khi viên quan tham mưu kiêm sao lục biết chuyện đã tới phòng làm việc của Tiền Nhược Thủy trách mắng ông rằng: “Phải chăng ông đã nhận hối lộ của nhà quyền quý đó nên muốn giúp cho họ thoát tội chết?”
Tiền Nhược Thủy nói: “Có vài người vì vụ án này mà bị xử tử hình như hiện nay, sao ta lại có thể không thẩm tra lại kỹ lưỡng những lời khai của họ được?”
Vì thế, Tiền Nhược Thủy đã kéo dài vụ án thêm gần 10 ngày, trong quá trình đó dù tri châu nhiều lần đốc thúc ông cũng không trả lại vụ án, người trên kẻ dưới đều trách mắng ông.
Một hôm Tiền Nhược Thủy tới gặp tri châu nói rằng: “Sở dĩ tôi kéo dài vụ án này là vì muốn do thám tung tích của nữ tỳ, hiện nay nữ tỳ đã được tìm thấy”.
Tri châu thẩm tra thấy chứng cứ xác thực liền phóng thích cha con nhà giàu nọ.
Cha con nhà giàu khóc mà nói với tri châu rằng: “Nếu không nhờ ơn giúp đỡ của ngài thì chúng tôi đã bị tuyệt diệt dòng giống rồi”.
Tri châu nói với họ: “Không phải là ta, là Tiền Nhược Thủy đã giúp các ngươi”.
Cha con nhà giàu tìm Tiền Nhược Thủy muốn gặp ông để cảm tạ nhưng Tiền Nhược Thủy đóng cửa không tiếp. Cha con nhà giàu đi quanh tường bao mà khóc, sau khi về nhà họ đã mang gia sản của mình quyên góp cung tiến cho nhà chùa vì muốn cầu phúc cho Tiền Nhược Thủy, chuyện này đã gây chấn động cả một vùng.
Vì vụ án oan mấy mạng người đã được làm sáng tỏ, tri châu bèn trình báo việc này với hoàng đế để luận công xin ban thưởng cho Tiền Nhược Thủy. Tiền Nhược Thủy kiên quyết chối từ mà rằng: “Tôi chỉ cầu mong vụ án được giải quyết, người vô tội không bị chết oan uổng, luận công xin ban thưởng không phải là bổn ý của tôi”.
Tri châu nghe vậy càng thêm tôn kính ông.
Không bao lâu sau, Hoàng Đế biết chuyện đã thăng chức cho Tiền Nhược Thủy, chưa đầy nửa năm từ chức quan nhỏ tại địa phương ông đã được đề bạt làm quan tham mưu, hai năm sau ông vâng lệnh đảm đương chức phó Tể tướng.
Theo minhhue.net