Văn hóa bay…
“Nếu cảm thấy không chắc chắn một điều gì đó, hãy hỏi mọi người”…
Tôi vẫn nhớ như in lần đầu bay một mình cách đây rất nhiều năm. Sự háo hức của một chuyến đi xa nhanh chóng bị khỏa lấp ngay tức khắc bởi một nỗi lo lắng xâm chiếm, khiến tim đập thình thịch khi đến gần sân bay. Kể cả khi đã ghi những lời mẹ dặn ra một mẩu giấy về việc xem số hiệu chuyến bay ở đâu, làm thủ tục ở quầy nào, từ đó hỏi lên máy bay ở cổng số bao nhiêu, rồi khi máy bay cất cánh thì phải làm thế nào khi cảm thấy khó chịu… thì sự hồi hộp vẫn át đi tất cả. May mắn thay, chuyến bay đầu tiên ấy suôn sẻ. Kể từ đó cho đến giờ, tôi đã bay rất nhiều chuyến khác nữa, đến nhiều chân trời khác nhau nhưng vẫn không bao giờ quên trải nghiệm đầu tiên ấy, cùng với một lời dặn: “Nếu cảm thấy không chắc chắn một điều gì đó, hãy hỏi mọi người”. Và việc “hỏi” ấy đến giờ đôi khi tôi vẫn phải làm mỗi khi cảm thấy mình sắp nhỡ chuyến, vì việc di chuyển giữa các nhà ga quá nhiều, quá nhiều thủ tục khác nhau ở những sân bay khác nhau khi muốn chuyển tuyến. Tóm lại, việc gì trong cuộc sống cũng cần những kỹ năng, và ngay cả người giàu kinh nghiệm bay cũng không thể chủ quan. Thế nên, sự cố xảy ra với những người bay lần đầu là hoàn toàn có thể hiểu được. Họ thiếu những kỹ năng cơ bản cho việc thực hiện những chuyến bay và đôi khi nghĩ rằng, chỉ cần mua một tấm vé, hoặc được ai đó mua cho chiếc vé, cứ phi xe đến sân bay và rồi kiểu gì cũng được lên máy bay đến nơi cần đến là xong. Thỉnh thoảng đọc báo lại thấy có sự cố kiểu hành khách tìm nhà vệ sinh lại mở nhầm cửa thoát hiểm, chuyện cư xử không đúng mực giữa họ với các hành khách khác hoặc tiếp viên, chuyện say xỉn trên máy bay. Thậm chí mới rồi dân tình ầm ỹ chuyện một ca sỹ cho con đi tè vào túi nôn (và sau đó bị phạt) và một câu chuyện đang nóng trên mạng khi hành khách gây lộn tại sân bay sau khi chuyến bay của Vietjet Air liên tục bị lùi giờ khởi hành. Khi hàng không ngày càng trở thành một phương tiện phổ biến ở ta, những chuyện tương tự ngày càng xuất hiện nhiều hơn, nhức nhối hơn. Người đi máy bay bức xúc vì chậm chuyến quá nhiều. Người phục vụ bay thì bức xúc về thái độ ứng xử thiếu văn minh của người đi máy bay. Chiếc máy bay vô tình trở thành một điểm gặp gỡ của rất nhiều những bức xúc hội tụ và ai cũng có cái lý của mình, cho rằng họ đúng. Nhưng tai hại ở chỗ, vụ lộn xộn mới của Vietjet Air có thể sẽ mở ra một “trào lưu” mới ở các sân bay: Khi hành khách cảm thấy họ không được đối xử như Thượng đế, họ bất chấp mọi quy tắc ứng xử khác để thể hiện sự bực tức của mình. Những chuyện tương tự thực ra không hiếm với du khách Trung Quốc. Năm ngoái, hơn 100 triệu người Trung Quốc đi du lịch và những sự cố dở khóc, dở cười của họ được đăng đầy trên báo chí thế giới. Hành khách Trung Quốc thậm chí trở thành một nỗi ám ảnh đối với nhiều sân bay và hãng hàng không. Không có gì ngạc nhiên khi mới đây Trung Quốc phát cho du khách những tài liệu liên quan đến ứng xử khi đi du lịch nói chung và bằng đường không nói riêng. Khi người Việt đi máy bay nhiều hơn, đi du lịch nước ngoài nhiều hơn, những sự cố liên quan đến ứng xử cũng vì thế mà tăng lên. Bao giờ chúng ta mới có một bộ các quy tắc ứng xử như thế và chẳng nhẽ tất cả cứ khoanh tay ngồi nhìn và ca cẩm về những gì đã và sẽ xảy ra với họ trên sân bay, trong các chuyến bay? Và cụ thể hơn nữa, tại sao các hãng hàng không không làm một việc đơn giản kiểu lồng ghép các nội dung về kỹ năng cho người mới bay lần đầu trong các quảng cáo hoặc các thông tin trên các trang web mà họ quản lý, thậm chí, cử nhân viên sân bay hướng dẫn trực tiếp cho khách tại sân bay? Để những chuyến bay không trở thành một nỗi ám ảnh, cho cả những người bị làm phiền bởi thái độ ứng xử và sự thiếu hiểu biết của những người mới bay lần đầu hoặc ít bay. Cần lắm thiện chí ở các phía. (Từ Roma, Italia) Trương Anh Ngọc |
Theo Giao Thông