Tuyển công chức: Thi 10, trượt 9
TP – Ngày 15/4, chủ trì cuộc họp về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Bộ Nội vụ, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nội vụ tiếp tục cắt giảm các giấy tờ liên quan đến thi tuyển công chức, thí sinh trúng tuyển mới hậu kiểm hồ sơ.
Chen nhau vào thi công chức tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Hoàng Anh. Hồ sơ quá nhiều không đọc hết Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ VH-TT&DL) Nguyễn Văn Tấn, cho biết, việc thi nâng ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp thủ tục thẩm định hồ sơ còn qua nhiều tầng nấc. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, hiện tỷ lệ đỗ công chức khoảng 10%. “Thế mà ai cũng phải nộp cả một bộ hồ sơ dày, giấy tờ đều phải công chứng, xác nhận, vô cùng tốn kém. Nên chuyển hướng là yêu cầu hậu kiểm, sau khi trúng tuyển mới phải nộp hồ sơ đầy đủ để tiết kiệm chi phí cho người dự thi”, ông Ngọc nói. Chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, yêu cầu đặt ra hiện nay là Bộ Nội vụ phải tiếp tục cắt giảm tối đa các thủ tục đi liền với tiết kiệm chi phí. “Ngay như thủ tục đăng ký dự tuyển chỉ cần một tờ giấy thôi, chứ không phải là hàng đống hồ sơ nộp vào như hiện nay. Bởi hồ sơ nộp vào cũng có khi không đọc hết được. Khi nào trúng tuyển mới nộp đầy đủ hồ sơ. Có như vậy mới giảm chi phí cho nhân dân, các cơ quan”, Phó Thủ tướng nói. Dẫn chứng việc thi tuyển công chức ngành Thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, cả nước có 33 nghìn hồ sơ mà chỉ lấy 2 nghìn chỉ tiêu, riêng Hà Nội hơn 7 nghìn hồ sơ chỉ lấy khoảng 200, Bộ chỉ đạo tiếp nhận hết hồ sơ nên khối lượng công việc rất lớn, bởi phải rà soát chỉ trong 1 tuần. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ đang nghiên cứu đổi mới phương thức tuyển dụng theo hướng thi tập trung thông qua phần mềm máy tính đối với tất cả những người muốn làm công chức. Những người đạt yêu cầu sẽ được cấp một chứng chỉ công nhận đủ điều kiện trở thành công chức. Các cơ quan có nhu cầu tuyển dụng có thể tổ chức phỏng vấn những người đã có chứng chỉ này, nếu đáp ứng yêu cầu vị trí việc làm thì quyết định tuyển dụng chứ không cần tổ chức thi nữa. Gắn thẩm quyền tuyển dụng với thẩm quyền sử dụng cán bộ của cơ quan, đơn vị. “Làm như vậy sẽ thực hiện triệt để nguyên tắc khách quan, công bằng, chất lượng, củng cố niềm tin của người dân vào các kỳ thi tuyển do nhà nước tổ chức”, ông Tuấn nói. Về đề xuất hậu kiểm hồ sơ thi tuyển, ông Tuấn cho rằng, nếu trúng tuyển mà hồ sơ không đủ điều kiện thì phải kiên quyết hủy bỏ kết quả trúng tuyển. “Lãnh đạo các cơ quan tổ chức thi tuyển có dám quyết không, vì dễ xảy ra đơn thư khiếu nại liên quan đến thi tuyển công chức tăng lên nhiều”, ông Tuấn lo ngại. “Không cải cách, quan liêu, dân sẽ trách chúng ta” Tại cuộc họp, lãnh đạo một số bộ, ngành đều đề nghị được phân cấp mạnh hơn trong tổ chức thi tuyển công chức và xét tuyển thẳng không qua thi tuyển. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc cho rằng, cơ chế tuyển thẳng không qua thi tuyển đối với sinh viên xuất sắc của các trường đại học trong nước và loại giỏi ở nước ngoài vào bộ máy nhà nước hiện phải qua thẩm định của Bộ Nội vụ. Ông Ngọc đề nghị nên phân cấp trực tiếp cho các bộ ngành, địa phương chứ không cần qua Bộ Nội vụ thẩm định. Cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng là đơn vị phải chịu trách nhiệm về chất lượng, điều kiện, tiêu chuẩn người được tuyển dụng. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cũng đề nghị sửa đổi quy định theo hướng không cần phải thông qua Bộ Nội vụ, mà phân cấp trực tiếp cho các đơn vị tự quyết định, tự chịu trách nhiệm. Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ sẵn sàng ủy quyền cho các bộ ngành, địa phương tổ chức thi nâng ngạch công chức. Tuy nhiên, vẫn lo ngại tình trạng các bộ ngành, địa phương được ủy quyền tổ chức thi nâng ngạch thì có tư tưởng nộp hồ sơ thi là đỗ. “Thi bao nhiêu đỗ hết bấy nhiêu thì phải kiểm tra lại chất lượng kỳ thi. Cứ đi thi là đỗ hết thì làm sao đảm bảo chất lượng trong xây dựng đội ngũ cán bộ công chức. Bộ Nội vụ chúng tôi làm là phải chấm thi qua “ba tay” để đảm bảo khách quan, công bằng, chính xác”, ông Tuấn nói. Về quy trình, thủ tục tuyển thẳng không qua thi tuyển, ông Tuấn cho biết, đây là chính sách nhằm thu hút người tài vào làm việc trong bộ máy hành chính, tuy nhiên cần phải có cơ chế kiểm soát. Như vừa rồi đại diện Hà Nội nêu, thành phố có 29 trường hợp đề nghị tuyển thẳng, nhưng qua thẩm định Bộ chỉ thống nhất 15 trường hợp, 14 trường hợp còn lại không đồng ý với lý do không đúng điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật. Và không chỉ Hà Nội mà một số địa phương khác cũng xảy ra tình trạng này khi Bộ thẩm định. Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương những cố gắng của Bộ Nội vụ trong cải cách TTHC. Phó Thủ tướng cho rằng, trách nhiệm của Bộ Nội vụ trong cải cách hành chính rất lớn, rất nặng nề. “Tôi nghĩ rằng nếu không cải cách thì tụt hậu càng xa hơn. Nếu không cải cách, xa dân, quan liêu thì dân oán trách chúng ta. Không cải cách, không công khai minh bạch, dễ bị tham nhũng, tiêu cực. Do vậy, mọi cấp, mọi ngành phải tự cải cách, tự đổi mới, trong đó Bộ Nội vụ phải đi tiên phong và nêu gương”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói. |
Theo Tiền Phong