Từ tháng 7 – 8/2022: Ít nhất 1.850 học viên Pháp Luân Công bị bắt cóc và sách nhiễu
Trang Minghui.org đưa tin, từ tháng 7 – 8/2022, ít nhất 1.850 học viên Pháp Luân Công đã bị cảnh sát của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt cóc và sách nhiễu, trong đó 1.043 người bị bắt cóc và 807 người bị sách nhiễu.
Ngoài ra, chính quyền ĐCSTQ đã lục soát nhà bất hợp pháp của 614 người dân, bắt 62 người vào các lớp tẩy não, tước lương hưu của 14 học viên Pháp Luân Công cao tuổi, cưỡng chế lấy máu và ghi hình 31 người, 23 người bị bức hại phải bỏ nhà đi lang thang, 18 học viên bị bức hại đến chết, 13 người trong số họ đã chết sau khi bị bắt cóc hoặc bị quấy rối và bức hại kéo dài.
Chuyện bắt cóc, sách nhiễu và đàn áp phân bố ở 29 tỉnh, khu tự trị và thành phố trực thuộc Trung ương ở Trung Quốc Đại Lục. Chỉ trong tháng Tám, 197 học viên Pháp Luân Công trên 60 tuổi đã bị bắt cóc và sách nhiễu.
Gần đây, ông Ngô Thiệu Bình, một luật sư nhân quyền hiện đang sống ở Hoa Kỳ, nói với Epoch Times: “Cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ luôn ở trong tình trạng áp lực cao. Đặc biệt là trước những ngày đặc biệt nhạy cảm của ĐCSTQ, hệ thống chính trị và luật pháp sẽ tăng cường đàn áp. Đây là chuyện tăng công lĩnh thưởng của hệ thống chính trị và luật pháp ĐCSTQ.”
Ông cũng chỉ ra rằng việc hạn chế tự do cá nhân và hạn chế bất hợp pháp các học viên Pháp Luân Công, cùng những người bất đồng chính kiến, để duy trì sự ổn định là vi phạm các quyền tự do cá nhân cơ bản nhất của công dân.
Bà cụ 70 tuổi bị đánh gãy xương
Kể từ tháng Bảy, công an Bắc Kinh, đội an ninh quốc gia, cảnh sát và nhân viên khu dân cư đã bắt cóc và sách nhiễu 73 học viên Pháp Luân Công và 2 người nhà không tu luyện của họ, với lý do Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 20 của ĐCSTQ sắp được tổ chức.
Bà Trương Tú Phương, một học viên Pháp Luân Công 70 tuổi ở quận Phong Đài, Bắc Kinh, đã bị cảnh sát đồn Thanh Tháp, quận Phong Đài bắt cóc trên đường về nhà vào ngày 5/7. Tại đồn cảnh sát, bà bị 4 cảnh sát chính và 4 cảnh sát hỗ trợ đánh đập dã man.
Một cảnh sát của Phòng “610” (tổ chức phi pháp chuyên bức hại Pháp Luân Công) ở quận Phong Đài đã tịch thu chìa khóa của bà Trương Tú Phương, dẫn cảnh sát đến nơi ở của bà, khám xét nhà, và tịch thu trái phép sách Pháp Luân Công, cùng 1.500 nhân dân tệ (khoảng 2.140 USD) và các vật dụng cá nhân khác.
Sau đó, bà Trương Tú Phương bị đưa đến trại tạm giam, nhưng bị từ chối nhận vì thương tích nặng. Hai ngày sau đó, bà về nhà “tại ngoại chờ xét xử”. Bệnh viện chẩn đoán bà bị rạn đốt sống ngực, gãy xương sườn và đốt sống thắt lưng.
Giáo viên tiếng Anh bị bắt cóc và hãm hại
Từ ngày 11/7, thường xuyên xảy ra các vụ bắt cóc các học viên Pháp Luân Công ở nhiều thành phố và quận của tỉnh Hắc Long Giang. Từ tháng 7 – 8/2022, tỉnh Hắc Long Giang đã bắt cóc 235 học viên Pháp Luân Công, trong đó có một người họ Lý 98 tuổi ở Đại Khánh.
Bà Lã Nguy, học viên Pháp Luân Công đến từ quận Đạo Lý, Cáp Nhĩ Tân, là giáo viên dạy tiếng Anh ở một trường cấp 3. Bà bị bức hại nhiều lần và bị khai trừ công chức bất hợp pháp.
Sáng ngày 11/7, 11 cảnh sát đã lục soát nhà của bà và đưa bà đến đồn cảnh sát Liệu Nguyên ở quận Nam Cương, thành phố Cáp Nhĩ Tân. Ngày hôm sau, bà bị buộc phải khám sức khỏe và đưa đến Trung tâm giam giữ số 1 Cáp Nhĩ Tân.
Sau đó, bà Lã Nguy bị đưa đến đội đặc nhiệm 401 và phải đối mặt với việc hãm hại bất hợp pháp. Gia đình bà và luật sư không được phép gặp bà. Các nhà chức trách cáo buộc rằng trước khi bị kết án, bà Lã Nguy không được phép gặp gia đình.
Tại Hoa Kỳ, chị gái bà Lã Nguy là bà Lã Na đã vạch trần hành động xấu xa của ĐCSTQ, và kêu gọi cộng đồng quốc tế giải cứu bà Lã Nguy.
Mất tích 38 ngày sau khi bị bắt cóc
Vào lúc 10h30 sáng ngày 11/7, cô Từ Lệ – học viên Pháp Luân Công Thanh Đảo, bị cảnh sát sở cảnh sát Trạm Sơn bắt cóc từ đơn vị công tác của cô đến đồn cảnh sát. Từ sáng đến 11h, cô bị 5 cảnh sát tra tấn, bức cung.
Cảnh sát không hỏi được gì, nên họ bắt cóc cô đến tầng hầm của đồn cảnh sát Bát Đại Hiệp ở quận Thị Nam, một điểm cách ly được thiết lập sau khi dịch bệnh bùng phát. Sau đó, cô bị bắt bị giam ở nhiều nơi khác nhau, như điểm cách ly trên đường Thường Châu, Trại giam Thành Dương ở thành phố Thanh Đảo, và trại giam Phổ Đông, thành phố Tức Mặc, Thanh Đảo.
Trong quá trình đọc bản ghi chép, cô Từ Lệ đã phát hiện một chứng nhận bắt giữ, do đồn cảnh sát giao cho viện kiểm sát, đây là gợi ý để viện kiểm sát bắt giữ cô trái phép.
Từ ngày 12/7 – 18/8, cô Từ Lệ bị giam giữ bất hợp pháp trong 38 ngày. Cô kiên quyết chống lại sự bức hại, không hợp tác, không ký kết, không nộp tiền bảo lãnh và không cung cấp người bảo lãnh.
Vào lúc 11h00 đêm ngày 18/8, cô đã bước ra khỏi ‘hang cọp’.
Cụ bà 85 tuổi chết một mình, cụ ông vẫn ngồi sau song sắt
Hai vợ chồng học viên Pháp Luân Công cao tuổi, ông Mã Duy Sơn và bà Vương Nguyệt, từ thành phố Tam Hà, Lang Phường, tỉnh Hà Bắc, cũng bị ĐCSTQ bức hại nhiều năm. Ông Mã Duy Sơn bị kết án 5 năm tù phi pháp, hiện vẫn đang bị bức hại trong nhà tù Ký Đông số 2.
Trong nhiều năm, bà Vương Nguyệt, giáo viên đã nghỉ hưu, luôn bị quấy rối bởi những kẻ vi phạm pháp luật của ĐCSTQ. Dưới sự bức hại liên tục của ĐCSTQ, cộng thêm việc chồng bà vẫn đang bị giam trong tù, bà cụ đã qua đời trong đau thương vào ngày 24/8, hưởng thọ 85 tuổi.
Cảnh sát đột nhập vào nhà bắt cóc người và cướp 370.000 NDT
Vào lúc 8h tối ngày 19/7, học viên Pháp Luân Công Triệu Khánh Bình và mẹ chồng của bà ở thành phố Ngũ Thường, Cáp Nhĩ Tân, đã bị cảnh sát địa phương bắt cóc.
Sau khi cảnh sát ập vào nhà, ngoài sách Pháp Luân Công, họ còn cướp đi 370.000 NDT (khoảng 52.770 USD) tiền mặt mà bà Triệu Khánh Bình vừa rút từ ngân hàng để mua nhà cho con. Đến nay số tiền này vẫn chưa được trả lại.
Bà Triệu Khánh Bình, 51 tuổi, là trưởng bộ phận công nghệ sản xuất của Công ty Tập đoàn Dược phẩm Hoa Vũ ở thị trấn Ngưu Gia, thành phố Ngũ Thường. Mẹ chồng bà được thả vào ngày hôm sau.
“Các học viên Pháp Luân Công thật đáng ngưỡng mộ”
Luật sư Ngô Thiệu Bình tin rằng: “Thông qua cuộc đàn áp các nhóm (như Pháp Luân Công), chúng ta có thể thấy ĐCSTQ là một chính quyền như thế nào”. “Điều này cho thấy chế độ toàn trị của ĐCSTQ hoàn toàn không có pháp quyền.”
Mặt khác, ông Ngô Thiệu Bình nói rằng các học viên Pháp Luân Công thật đáng ngưỡng mộ. Ngày 5/9, tại bữa tiệc tối Tết Trung thu quy mô lớn do Trung tâm Dịch vụ thoái ĐCSTQ Toàn cầu tổ chức ở New York, là một diễn giả khách mời, ông nói: “Sau bao nhiêu năm bị ĐCSTQ đàn áp tàn bạo, vẫn còn rất nhiều học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc kiên định đức tin của họ vào Pháp Luân Công. Điều này thật đáng ngưỡng mộ!”
Năm 2004, Epoch Times đã xuất bản “Cửu Bình” (9 bài bình luận về ĐCSTQ), vạch trần toàn diện bản chất tà ác của ĐCSTQ, và mở ra một làn sóng tam thoái. 18 năm sau, ngày 3/8 năm nay, 400 triệu người Trung Quốc đã làm tam thoái. Phong trào này cũng nhận được sự ủng hộ của các chính trị gia và nhân vật nổi tiếng tại các nước phương Tây.
***
Pháp Luân Công, còn được gọi là “Pháp Luân Đại Pháp”, là một môn tu luyện Phật gia Thượng thừa, dựa trên nguyên lý “Chân, Thiện, Nhẫn”, với 5 bài công pháp có tác dụng đáng kinh ngạc trong việc chữa bệnh và rèn luyện sức khỏe. Môn này đã được truyền ra ở Trung Quốc vào năm 1992 và được người dân đón nhận rộng rãi. Theo thống kê nội bộ của Bộ Công an ĐCSTQ, trước năm 1999, số lượng học viên Pháp Luân Công đã lên tới 70 triệu – 100 triệu người.
Tháng 7/1999, Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ, đã ra lệnh đàn áp đẫm máu Pháp Luân Công với quy mô chưa từng có, được Công an, Viện kiểm sát và các Sở Tư pháp phối hợp triển khai, và đã vượt xa phạm vi pháp luật. Vô số học viên Pháp Luân Công đã bị bỏ tù, tra tấn đến mức tàn phế hoặc tử vong, và thậm chí họ còn bị mổ sống cướp nội tạng. Đến nay, Pháp Luân Công đã có mặt tại hơn 100 quốc gia và giành được hơn 3.000 giải thưởng quốc tế.
Theo Tri Thức VN