Tư Mã Ý có thực sự mắc mưu Gia Cát Lượng trong “Không thành kế”?
“Không thành kế” là một mưu lược nổi tiếng cổ kim, được Gia Cát Lượng đưa lên thành huyền thoại trong trận chiến Nhai Đình với quân đội Tào Ngụy, dẫn đầu là Tư Mã Ý. Nhưng rốt cuộc Tư Mã Ý có phải thực sự đã mắc mưu Gia Cát Lượng?
“Không thành kế”
Năm 228, trong lần Bắc phạt thứ nhất, Gia Cát Lượng kéo quân ra Kỳ Sơn, muốn chiếm lấy Nhai Đình, vốn là huyết mạch trên con đường vận chuyển lương thực từ đất Thục sang.
Mã Tốc, một thủ hạ thân tín theo Gia Cát Lượng học binh pháp nhiều năm, xin ra trấn thủ ở Nhai Đình. Nhưng Tốc vốn chỉ là kẻ “bàn việc quân trên giấy”, hoàn toàn không phải là đối thủ của Tư Mã Ý. Quả nhiên, Mã Tốc thất thủ, suýt nữa mất mạng, quân sĩ hao tổn, đánh mất Nhai Đình.
Sau khi mất đi điểm chốt huyết mạch này, Gia Cát Lượng buộc phải thu nhặt binh mã, trở về nước Thục. Trước đó, ông đến Tây Thành vận chuyển nốt 20 vạn thạch quân lương còn lại. Trong tay Gia Cát Lượng lúc đó chỉ có khoảng 2000 quan văn và 500 lính kỵ mã của Quan Hưng.
Tư Mã Ý mang 15 vạn đại quân đuổi kíp đến nơi. Gia Cát Lượng để ngỏ cổng thành, như có ý mời quân Tư Mã Ý vào, lại thân mình lên thành, bình thản gảy đàn. Tư Mã Ý nghi hoặc, không dám tiến vào vì sợ mai phục. Sau đó, khi dừng lại một chút nghe tiếng đàn Khổng Minh, Tư Mã Ý lẳng lặng cho quân rút về.
“Tam Quốc diễn nghĩa” mô tả rằng Tư Mã Ý sợ Khổng Minh đến nỗi cắm đầu bỏ chạy, trên đường đi còn trúng mai phục. Sau này, khi biết trong thành chỉ có một ít quân mã, Tư Mã Ý còn tấm tắc khen mãi, tự nhận tài mình không bằng Khổng Minh.
Nhưng liệu có phải Tư Mã Trọng Đạt thực sự sợ Khổng Minh đến thế? Sự thật chưa hẳn là vậy. Cuộc đối đầu ở Tây Thành giữa hai nguyên soái ẩn chứa rất nhiều huyền cơ “ý tại ngôn ngoại” (ý ở ngoài lời).
Tư Mã Ý lão luyện chiến trận, làu thông binh pháp, chẳng lẽ không nhận ra được quỷ kế của Khổng Minh? Hơn nữa, trong tay ông lúc đó có hơn 15 vạn nhân mã, trong một góc Tây Thành nhỏ như lỗ mũi giả sử có phục binh thì nào có sợ gì?
Tư Mã Ý trầm ngâm nghe tiếng đàn của Khổng Minh rồi lặng lẽ rút lui chẳng qua là đã nhận ra được ý vị bên trong. Khổng Minh để ngỏ cổng thành, ngồi trên thành thư thái đánh đàn chính là không còn sợ hãi chuyện sinh tử nữa. Tư Mã Ý không khỏi kinh ngạc rồi nhận ra chính mình cũng không thể xuống tay với Khổng Minh.
Tư Mã Trọng Đạt phò tá 3 đời nhà Ngụy, từ Tào Tháo đến Tào Phi, Tào Duệ, công cao uy dày, là trọng thần nguyên lão, tất không tránh khỏi gièm pha và nghi kỵ. Nay nếu lập công to, giết được Khổng Minh tất là công cao lấn chủ, là đích ngắm của mọi mũi tên. Cái lý “được chim quên ná, được cá quên nơm”, “được thỏ giết chó săn” xưa nay chưa bao giờ sai chạy, Tư Mã Ý khó mà thoát khỏi số kiếp.
Chuyện kể rằng, Phạm Lãi, phò tá Việt vương Câu Tiễn đánh bại Ngô vương Phù Sai, phục quốc thành công, liền rời đi ngay, ngao du sơn thủy. Bởi ông nhìn tướng Câu Tiễn là người chỉ có thể chung lưng đấu cật lúc hoạn nạn chứ không thể cùng hưởng phú quý vinh hoa.
Phạm Lãi sau này gửi thư cho người bạn thân của mình là Văn Chủng (cũng là người có công lớn phò tá Câu Tiễn diệt Ngô), có đoạn viết: “Phi điểu tận, lương cung tàng. Giảo thố tử, tẩu cẩu phanh. Việt vương vi nhân trường cảnh điểu uế, khả dữ cộng hoạn nạn, bất khả dữ cộng lạc. Tử hà bất khứ?“. Nghĩa là: “Chim bay hết, cung cất đi. Thỏ khôn mà chết, chó săn bị nấu. Việt vương là người cổ cao, miệng chim, chỉ chung hoạn nạn, không thể chung vui. Ông sao còn chưa đi?“.
Văn Chủng đọc thư nhưng không nghe theo, chỉ cáo bệnh không vào triều nữa, sau cùng quả nhiên bị Việt vương giết.
Lại nói chuyện nếu Khổng Minh không còn nữa, nước Ngụy không còn mối lo thì vai trò của Tư Mã Ý lại càng mờ nhạt hơn. Chỉ bằng đó lý do cũng đủ khiến Tư Mã Ý không dại dột đánh vào thành. Tư Mã Ý trước sau luôn là người phòng thủ. Khổng Minh đến thì ông xây lũy, lập doanh thủ vững, cũng chẳng phải cố công đuổi cùng giết tận Khổng Minh làm gì.
Vai trò của gia tộc Tư Mã ở nước Ngụy
Ai đọc “Tam Quốc diễn nghĩa” có lẽ đều biết vào cuối thời Tam Quốc, gia tộc Tư Mã đã thuận tay đoạt quyền từ Tào gia. Khởi nguồn là việc Tư Mã Ý lừa lấy binh quyền của Tào Sảng rồi đến việc hai con của ông là Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu chuyên quyền, lấn ép Ngụy đế. Cuối cùng, Tư Mã Viêm (con trai Tư Mã Chiêu) ép Ngụy đế Tào Hoán nhường ngôi, chính thức lập nhà Tây Tấn, mở ra cơ nghiệp đế vương cho họ Tư Mã.
Giả sử thời Tam Quốc phân tranh không có sự tham dự của gia tộc Tư Mã thì đoạn cuối của bộ phim truyền kỳ hấp dẫn ấy sẽ ra sao? Thiên hạ rốt cuộc về tay ai? Phải chăng lại có kỳ nhân dị sĩ ẩn mình nơi thôn dã xuất hiện như Gia Cát Lượng rời Long Trung ngày trước, mở ra thế chia 3 thiên hạ?
Nhưng chưa vội nói đến người khác làm gì, bản thân Tư Mã Ý là thầy của Tào Phi. Chỉ cần một điểm này đã nói lên nhiều điều. Nếu không có Tư Mã Ý, liệu Tào Phi có được nối quyền kế vị Tào Tháo làm Ngụy vương để sau này xưng đế không? Có thể có nhưng cơ hội là không nhiều so với việc được Tư Mã Ý trợ sức đắc lực.
Nếu Tào Phi không được nối nghiệp thì quyền lớn nhà Ngụy rơi vào tay ai? Rất có thể người được thừa kế là Tào Chân, một tướng lĩnh rất được lòng, lại có quan hệ dây mơ rễ má với Tào Tháo. Nếu Tào Chân cầm quyền thì nước Ngụy sớm đã không thể tồn tại. Tào Chân vốn không đủ sức và đủ gan to dám cướp ngôi nhà Hán như Tào Phi.
Vậy con thứ hai của Tào Tháo là Tào Thực thì sao? Cũng không có gì khả quan lắm! Tào Thực mê phong hoa tuyết nguyệt, rượu thơ đối ẩm, căn bản chán ghét chuyện chính trị, đấu đá tranh giành, lên nắm quyền thì tám chín phần mười là mang cơ đồ Tào gia đổ xuống sông biển. Do vậy nói không có Tư Mã Ý thì không có giang sơn nhà Ngụy vững mạnh như vậy hẳn cũng không có gì quá.
Mà Tư Mã Ý là người thế nào? Khách quan mà nói, về trí tuệ, Trọng Đạt không hề kém cạnh Gia Cát Khổng Minh là bao. Nếu không có gia tộc Tư Mã, thế cân bằng của cục diện Tam Quốc cũng không còn. Bởi sau khi Chu Du chết, Đông Ngô đã không còn một Đại đô đốc đủ tài cán và có hùng tâm tráng chí thống nhất thiên hạ nữa.
Lỗ Túc, Lã Mông hay Lục Tốn sau này chỉ làm tròn vai, giỏi về phòng thủ. Trong khi đó nước Thục ở phía Tây thì như cá gặp nước, có Gia Cát Khổng Minh cúc cung tận tụy phò tá Hậu chủ Lưu Thiện, bình định Nam Man, chỉ chực chờ ngày đánh vào Trung Nguyên, thu hồi hai kinh, trùng hưng Hán thất.
Nếu không có một Tư Mã Ý túc trí đa mưu, đầy đủ thủ đoạn, hiểu binh pháp, giỏi quyền biến liệu ai là người có thể ngăn cản nước Thục đây? Khi ấy, thế chân vạc Tam Quốc có thể sớm đã đổ vỡ, lịch sử sẽ khuyết đi một vở diễn cực kỳ quan trọng vậy.
Trên vũ đài chính trị những năm cuối thời Đông Hán, gia tộc Tư Mã dốc toàn lực phò tá Tào Ngụy, xứng đáng là trung thần. Do thanh thế của Tư Mã Ý quá lớn nên đã lấn át hết hình tượng của những người khác trong gia tộc. Trên thực tế, gia tộc Tư Mã ai cũng đều có tài học và có lựa chọn riêng. Với thế lực to lớn ấy của họ Tư Mã, giả như thế cục Tam Quốc trở thành Tứ Quốc, thiên hạ không phải chia ba mà là chia bốn thì quả thật khó mà nói được rằng ai mới là thế lực mạnh nhất, ai có thể vượt qua được họ Tư Mã.
Lại nói về Tư Mã Chiêu, con trai Tư Mã Ý là trợ lý, đồng thời cũng chính là học trò của cha mình. Bao năm tháng bên cạnh cha, Tư Mã Chiêu cũng đã học được không ít tài trí, quyền biến, mưu mô, thủ đoạn. Tư Mã Chiêu về binh pháp không giỏi như Tư Mã Ý, có lần thua Khương Duy đến suýt bỏ mạng nhưng về chính trị lại tỏ ra mình là một tay lão luyện.
Tư Mã Chiêu dần dần lấn quyền vua, xây dựng vây cánh, cậy có công diệt Thục, ép Ngụy đế phong cho mình làm Tấn Công rồi Tấn Vương. Trong cuộc đời chính trị của Tư Mã Chiêu, người ta nhác thấy có điều gì đó rất tương tự Tào Tháo, nhất là cả hai không trực tiếp lên ngôi Hoàng đế mà đều để lại cơ nghiệp cho con mình.
Cho nên, ngẫm kỹ lại mà nói, nếu không có gia tộc Tư Mã thì thời Tam Quốc sẽ mất đi rất nhiều màu sắc, cũng không có lắm chuyện thị phi nhường ấy. Sau khi Tào Tháo qua đời, thực lực của Ngụy quốc giảm sút rất nhiều, các quân chủ về sau gần như không có ai đủ hùng tâm tráng chí để dựng thành đại nghiệp mà chỉ lo làm sao giữ gìn được cơ nghiệp. Nhất là khi một Gia Cát Lượng đầy tài trí vẫn đang dốc lòng phò tá Lưu Thiện, Ngụy quốc nếu thiếu nhà Tư Mã thì căn bản không phải là đối thủ của Thục quốc.
Bởi vậy, nếu lịch sử không có vai diễn Tư Mã Ý thì có thể nước Thục sẽ thống nhất thiên hạ. Hoặc giả sẽ có một thế lực khác nổi lên nắm lấy thiên thời. Lịch sử nói chung không có chữ nếu, mọi chuyện chính là đều do ý Trời an bài. Gia Cát Lượng thông minh tuyệt luân, đoán việc như Thần, nhìn được những việc về sau cả nghìn năm, lẽ nào không biết rằng nhà Thục phải mất, thiên hạ phải về tay họ Tư Mã? Hà cớ gì ông còn phải tận tụy, cúc cung, đến chết còn hận chưa hoàn thành đại nghiệp làm vậy? Cũng bởi vì ý Trời khó cải, sức người khôn chống lại thiên mệnh vậy.
Trong dòng sông dài của lịch sử, có biết bao tên tuổi anh hùng đã vùi lấp dưới những lớp sóng cồn cuồn cuộn. Câu chuyện hôm qua đã phủ lên lớp bụi hoang phế, rong rêu. Mạn đàm đôi dòng, chỉ là muốn hầu chuyện cùng độc giả trong lúc trà dư tửu hậu vậy.
Theo ĐKN