Từ chối bán gạo cho Cục Dự trữ quốc gia, doanh nghiệp giải trình?
Mới đây, Cục Hải quan đã nêu tên những doanh nghiệp trúng thầu dự trữ gạo quốc gia nhưng bỏ ngang. Để giải thích, các doanh nghiệp đã đưa ra 2 nguyên nhân “không mua được gạo, sẽ phá sản nếu bán cho Cục Dự trữ quốc gia”.
Vào ngày 12/4 vừa qua, chỉ trong vòng 3 tiếng (từ 0h đến 3h00 rạng sáng), hạn ngạch 400.000 tấn gạo xuất khẩu trong tháng 4 đã được các doanh nghiệp đăng ký hết.
Trong số những doanh nghiệp may mắn đăng ký thành công “tờ khai hải quan”, có 39 doanh nghiệp đã trúng thầu dự trữ quốc gia mặt hàng gạo (theo đấu thầu).
Tuy nhiên, theo báo cáo của Tổng cục Dự trữ thì những doanh nghiệp này lại không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia.
Được biết, Tổng Cục Dự trữ quốc gia mới chỉ mua được 7.700/190.000 tấn gạo dự trữ. Hiện, Tổng cục đang trình Bộ Tài chính kế hoạch để tổ chức đấu thầu lại.
Cục Hải quan công bố 4 doanh nghiệp hủy hợp đồng cung cấp gạo dự trữ
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, có tổng cộng 39 doanh nghiệp không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia.
Trong đó, Tổng Công ty lương thực miền Bắc trúng thầu 4.500 tấn, đến thời điểm hiện nay chưa ký hợp đồng. Tuy nhiên doanh nghiệp này lại đăng ký xuất khẩu 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn.
Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn gạo dự trữ, nhưng doanh nghiệp cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu, tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.
Công ty Cổ phần Vĩnh Tường và Công ty CP xuất nhập khẩu Thuận Ninh cũng nằm trong danh sách trúng thầu nhưng chưa ký hợp đồng với Tổng Cục dự trữ Nhà nước. Tuy nhiên, hai doanh nghiệp này cũng đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn.
Cũng theo ông Tuấn, hiện nay chưa có chế tài buộc doanh nghiệp phải ký hợp đồng đối với lượng gạo đã trúng thầu khi đấu thầu lượng gạo dự trữ quốc gia thì mới được xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo quy định, số tiền bảo lãnh dự thầu là 1,5-2% “giá trị gói thầu”. Doanh nghiệp trúng thầu gạo quốc gia mà từ chối ký hợp đồng sẽ bị tịch thu vào ngân sách toàn bộ tiền bảo lãnh.
Trước đó, ông Đỗ Việt Đức, tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ – Bộ Tài chính, cho hay hiện mua gạo dự trữ cực kỳ khó khăn, đến nay doanh nghiệp chỉ ký hợp đồng 7.700/190.000 tấn gạo tẻ mà không ký tiếp.
Do đó, Bộ Tài Chính có văn bản số 3905/BTC-QLG gửi Bộ Công Thương đề nghị tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ đến 15/6 để Bộ mua gạo dự trữ quốc gia.
Doanh nghiệp giải trình
Bà Trần Thị Loan, Giám đốc Công ty CP Lương thực Hà Nam Ninh cho biết, có 2 nguyên nhân khiến doanh nghiệp không thể ký hợp đồng dù đã trúng thầu dự trữ gạo quốc gia.
Đó là doanh nghiệp phụ thuộc việc nhập gạo từ thương lái nên khi thị trường bất thường họ không thể thu mua gạo được.
Bà Loan cho hay, thông thường chúng tôi đấu thầu xong mới bắt đầu thu mua gạo, nhưng giá gạo bỗng tăng đột biến 2.000 đồng/kg, nghĩa là 1.000 tấn gạo sẽ mất thêm 2 tỷ.
Theo đó, giá gạo tại kho của thương lái hiện tại là 10.000-10.200 đồng/kg, cộng với vận chuyển nữa, ra đến miền Bắc là trên 11.000 đồng/kg. Còn nếu bán cho Tổng cục Dự trữ Nhà nước giá theo hợp đồng là 9.200 đồng/kg gạo, bao gồm cả thuế.
Theo bà Loan, nếu bán với giá 11.500-11.700 đồng/kg thì doanh nghiệp mới làm được, còn với giá cũ (9.200 đồng) thì chúng tôi phá sản luôn.
“Việc đơn phương hủy như thế, Nhà nước xử lý như thế nào chúng tôi cũng đành phải chấp nhận. Dịch bệnh Covid-19 là bất khả kháng, nên chúng tôi mong Nhà nước khoan hồng, xem lại để doanh nghiệp đỡ thiệt thòi”, bà Loan cho biết.
Bà Loan chia sẻ thêm: “35 năm làm trong ngành gạo và 27 năm làm việc với Tổng cục Dự trữ Nhà nước, đây là lần đầu tiên chúng tôi mới phải hủy như thế này. Chúng tôi làm việc rất nghiêm túc nhưng giá tăng đột biến, cộng thêm dịch bệnh khiến doanh nghiệp không thể xử lý kịp”.
Bà Loan khẳng định: “Nếu chúng tôi không hủy thầu thì doanh nghiệp sẽ chết, sẽ phá sản”
Giải thích về việc này, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Phát Tài – ông Lê Phát Long cho biết, việc đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo không liên quan đến việc doanh nghiệp hủy cung cấp gạo dự trữ quốc gia.
“Doanh nghiệp đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo với các đối tác từ trước và gạo xuất khẩu là gạo thơm, gạo tám chứ không phải là loại gạo 504 mà Tổng cục thu mua, vì thế không phải vì xuất khẩu mà doanh nghiệp hủy thầu trong nước”, ông Long cho biết.
Cũng theo ông Long, lý do các doanh nghiệp trong nước đồng loạt từ chối hoặc không đến ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia vì giá gạo tăng đột biến, các doanh nghiệp không thu mua nổi, nếu ký hợp đồng thì doanh nghiệp sẽ lỗ nặng.
“Cuối cùng công ty đã phải họp bàn lại, chấp nhận mất 2% quỹ và đưa ra quyết định như vậy”, ông Long chia sẻ.
Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang phải gồng gánh chi phí lên tới hàng ngàn USD do “gạo ùn ứ ở càng” không xuất khẩu được.
Từ Nguyên (t/h)