TT Obama bàn với Quốc hội về chiến dịch quân sự chống ISIS
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã bàn với lãnh đạo Quốc hội nước này về kế hoạch tiến hành chiến dịch quân sự mở rộng chống lại phiến quân Nhà nước Hồi giáo (ISIS) ở Iraq và Syria trước buổi diễn văn hôm thứ Tư (10/9).
Chính quyền Mỹ đang chuẩn bị có hành động tấn công ISIS
Tổng thống Obama đã bàn bạc chiến lược chống ISIS với lãnh đạo lưỡng Đảng tại Nhà Trắng. Các cuộc bàn thảo này diễn ra trước khi ông có bài diễn văn vào tối thứ Tư hôm 10/9 để trình bày trực tiếp với người dân Mỹ về chiến lược của mình.
Nhà Trắng mô tả cuộc gặp này là ‘hữu ích’ và cho biết ông Obama có thẩm quyền hành động tấn công ISIS.
Không kích ISIS ở Syria
Một chiếc máy bay không người lái chở bom của quân đội Mỹ
Cuộc gặp ở Nhà Trắng hôm thứ Ba vừa qua diễn ra chỉ một năm sau khi các nhà lập pháp Mỹ chặn đứng kế hoạch không kích Syria của ông Obama. Kể từ đó, Nhà nước Hồi giáo đã chiếm được một vùng lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria.
Tháng trước, các chiến binh ISIS đã chặt đầu hai nhà báo Mỹ để phản đối các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào họ.
Tổng thống Obama đã loại trừ khả năng về một cuộc chiến trên bộ với ISIS nhưng phát dấu hiệu cho thấy ông có thể mở rộng các cuộc không kích đến Syria.
“Trong khoảng thời gian vài tháng, chúng ta sẽ có thể không chỉ bào mòn thời cơ của ISIS, mà còn triệt hạ hoàn toàn năng lực của họ. Chúng ta sẽ thu hẹp lãnh thổ của họ và cuối cùng sẽ đánh bại họ,” ông phát biểu trên kênh truyền hình NBC hôm 7/9.
Tại cuộc gặp ở Nhà Trắng hôm 9/9, Tổng thống Obama đã có cuộc thảo luận với Thượng nghị sỹ Dân chủ Harry Reid và Thượng nghị sỹ Cộng hòa Mitch McConnell, lãnh đạo phe đa số và thiểu số tại Thượng viện, bà Nancy Pelosi, lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Hạ viện và Chủ tịch Hạ viện John Boehner của Đảng Cộng hòa.
“Tổng thống, phó tổng thống và các lãnh đạo quốc hội đã có một cuộc thảo luận hữu ích và các nhà lãnh đạo đã bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với những nỗ lực nhằm triệt hạ ISIS,” thông cáo báo chí của Nhà Trắng cho biết.
Tất cả các lãnh đạo Quốc hội đều đã đến gặp ông Obama
Thông cáo trên cho biết, Tổng thống Obama đã nói với các lãnh đạo Quốc hội rằng ông hoan nghênh sự ủng hộ của Quốc hội đối với nỗ lực chống ISIS và cam kết “tiếp tục tham vấn sâu rộng” các lãnh đạo Quốc hội.
Tuy nhiên, trợ lý của Tổng thống Obama nói ông sẽ không xin phép Quốc hội để quyết định cho các hành động quân sự.“Tổng thống nói với các lãnh đạo Quốc hội rằng ông có thẩm quyền cần thiết để đưa ra hành động chống lại ISIS phù hợp với sứ mạng mà ông sẽ trình bày trong bài diễn văn sắp tới”, Nhà Trắng cho biết.
Người dân Mỹ ủng hộ tấn công ISIS
Sự tàn bạo của ISIS khiến dư luận đặc biệt quan tâm
BBC dẫn lời một cố vấn cho chủ tịch Hạ viện John Boehner, một trong những đối thủ chính trị của ông Obama, cho biết thượng nghị sĩ này sẽ ủng hộ việc triển khai quân đội Mỹ để huấn luyện và cố vấn lực lượng an ninh Iraq và hỗ trợ các cuộc tấn công nhằm vào các lãnh đạo ISIS.
Theo một cuộc thăm dò dư luận do Washington Post và ABC News phối hợp tiến hành, đại đa số công chúng Mỹ xem Nhà nước Hồi giáo là mối đe dọa nghiêm trọng đối với nước Mỹ và ủng hộ các cuộc không kích ở Iraq và Syria.
Khoảng 100 người Mỹ được cho là đã gia nhập lực lượng phiến quân ISIS và Bộ Ngoại giao Mỹ đang tìm cách ngăn chặn việc này bằng cách ra những đoạn băng thuyết phục những ai muốn đầu quân cho ISIS hãy từ bỏ ý định.
Thông điệp của Bộ Ngoại giao Mỹ đối với người dân
Tổng thống Obama nói rằng ông có thẩm quyền cần thiết để có hành động chống lại ISIS
Trong khi đó, Pháp thông báo họ tổ chức một hội nghị quốc tế về Iraq vào ngày 15/9 và Tổng thống Francois Hollande sẽ đến thăm Iraq vào cuối tuần này.
Nhà nước Hồi giáo rất hấp dẫn – đối với những người muốn đi thánh chiến. Những đoạn video rùng rợn mà họ tung ra càng tăng thêm uy tín của họ. Nó cho thấy các lãnh đạo của ISIS thậm chí còn tàn bạo hơn cả al-Qaeda, BBC bình luận.
Trái lại, đoạn băng có tiêu đề ‘Chào đón đến Nhà nước Hồi giáo’ do Bộ Ngoại giao Mỹ tung ra nhằm tuyên truyền về sự tàn bạo của ISIS lại không mấy thuyết phục. Nó dùng ngôn ngữ của giới trẻ và thông điệp mang tính châm biếm: “Đi đến Nhà nước Hồi giáo không tốn nhiều tiền đâu bởi vì bạn không cần mua vé khứ hồi”.
Cũng giống như nhiều đoạn băng kêu gọi việc tốt khác, ‘Chào đón đến Nhà nước Hồi giáo’ được xem là thông điệp có tính rao giảng và có lẽ không được công chúng tiếp nhận theo như cách mà những người dàn dựng nó kỳ vọng”.
Theo BBC