Truyện xưa tích cũ: Sự tích về mộ Thần Cuống Giao Long
Giao Long được xem là một trong những con vật thiêng thường xuất hiện trong các truyện cổ tích, thần thoại của Việt Nam. Sinh vật này có hình dáng rồng, sống dưới nước, thường hay giúp đỡ những người lương thiện.
Thời xưa, vùng đồng bằng và trung du Bắc Bộ – miền đất tổ của người Việt còn chằng chịt sông ngòi, đầm lầy, nên những loài thủy tộc trở nên gắn bó. Trong đó, cá sấu được tôn sùng như một con vật linh thiêng, vì chúng đại diện cho sự trù phú và sức mạnh.
Theo các nhà nghiên cứu, thì Giao Long hay con rồng của người Việt bắt nguồn từ cá sấu, loài vật xuất hiện đông đúc trên sông ngòi đất Việt thời xưa ấy, trở thành biểu tượng trên trống đồng, thạp đồng thời Văn Lang – Âu Lạc.
Sau này, theo tâm thức của người Việt, Giao Long là con vật có dáng rồng, sống ở dưới nước, có mào, lúc giúp đỡ người lương thiện, nhưng cũng có khi gây lên sóng gió dìm thuyền đắm đò.
Dưới đây là câu chuyện về Giao Long được dân gian truyền lại.
Trước đây tại xã Khúc Phụ, Thổ Bình, châu Chiêm Hoá thuộc tỉnh Tuyên Quang miền Bắc Việt Nam, có một bà lão goá phụ, không có con. Bà ở thôn Mô Cuống, mỗi ngày thường đến thác Cuống bắt tôm bắt cá về ăn.
Một ngày kia, bà lão trông thấy một quả trứng màu trắng, to gần bằng trứng gà. Bà cảm thấy sợ, bèn lượm trứng vứt ra xa. Nhưng rồi hai ba lần, bà cứ gặp lại quả trứng này ở mấy nơi khác. Bà bèn đem về nhà, cho gà ấp.
Chừng một tháng sau, quả trứng kỳ lạ này nở ra một con vật thân dài, tựa như con lươn. Bà bèn bỏ nó vào một chĩnh nước thì nó lớn lên rất nhanh. Rồi bà đưa nó qua một cái vại, nó lại lớn chật vại. Bà đem thả nó xuống suối Mô Cuống, mới hay đó là con Giao Long.
Con vật này sắc trắng, thuộc loài thuỷ tộc, nhưng thỉnh thoảng nó lại hoá thành người, nói được tiếng người. Giao Long gọi bà lão là mẹ nuôi, và bắt tôm bắt cá nuôi bà. Nhờ vậy, mỗi lần đến kỳ cúng giỗ, bà lão đến bên dòng nước gọi:
“Cuống, Cuống…”
Khi thấy con Giao Long trồi đầu lên mặt nước, bà bảo: “Ngày mai nhà có giỗ, con nhớ bắt cho mẹ một ít cá”.
Giao Long lập tức vâng lời, bắt nhiều cá để lên bờ cho mẹ nuôi đến lấy về. Bao nhiêu người ăn cũng đủ.
Về sau, có một con Giao Long khác, sắc đen, ở dòng thác lớn Sa Hương thuộc xã Miên Hương cách đó mấy dặm. Nó lội ngược dòng đến thác Cuống, đánh nhau với Giao Long sắc trắng vì muốn chiếm lấy nơi này. Cuộc giao chiến kéo dài 3 ngày, chưa rõ con nào thắng. Bỗng thấy Giao Long trắng chạy về nhà cầu cứu mẹ nuôi, nói với bà hãy đến dòng thác giúp nó một tay.
Nó dặn mẹ: “Khi nào thấy thân hình đen trồi lên mặt nước, thì mẹ lấy dao mà chém”.
Bà lão nghe lời. Hôm sau, giờ ngọ bà ra bờ thác, cầm theo một con dao dài và sắc bén. Nhìn 2 con Giao Long đang đánh nhau quậy đục cả mặt nước, bà cầm dao chờ sẵn, đợi đến lúc thấy thân hình đen nổi lên mặt nước liền chém xuống thật mạnh. Nhưng chẳng may, lại trúng nhằm con Giao Long trắng của bà. Con vật trồi lên, rên xiết:
“Mẹ ơi, mẹ đã chém nhầm vào bụng con rồi. Số mệnh con phải chịu như vậy, xin mẹ đừng thương tiếc con”.
Nói xong, Giao Long trắng biến mất. Ba ngày sau, xác nó nổi lên ngay chỗ ấy. Dân trong vùng trông thấy, vớt Giao Long đem về chôn ở cánh đồng trước nhà bà lão.
Ngày nay, mộ Giao Long vẫn còn. Người ta gọi là mộ Thần Cuống, được sùng bái như vị thần linh. Mỗi năm, vào dịp tháng 2, dân ở 4 xã vùng này đều kéo tới cúng tế Giao Long…
***
Trong chuyên mục Truyền thuyết và Thần thoại nhân gian, Tinh Hoa sẽ mang đến cho quý độc giả những câu chuyện mang màu sắc Thần tiên được lưu truyền khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi đi sâu vào khắc họa đời sống tâm linh của các cộng đồng dân cư và những trải nghiệm siêu thường của con người khi mang trong tâm kính ngưỡng đối với Thần. Thông qua đó cũng là những bài học sâu sắc về nhân sinh mà người xưa muốn nhắn nhủ cho thế hệ tương lai.
Theo truyenxuatichcu