Truyền thuyết về Tế Công – Một hòa thượng kỳ lạ thời nhà Tống
Tế Công (1130 – 1207 SCN) được sinh ra trong gia đình khá giả, vào thời kỳ đầu triều đại Nam Tống. Năm ông 18 tuổi thì cả cha lẫn mẹ đều qua đời. Không lâu sau đó ông xuất gia tại chùa Linh Ẩn ở thành phố Hàng Châu, với Pháp danh Đạo Tế, có nghĩa là “cứu tế dân chúng, giúp người đắc Đạo”.
Là một chú tiểu, công việc của Đạo Tế là nấu ăn cho các tăng nhân trong chùa. Ông làm việc bền bỉ và cẩn thận. Tuy nhiên, không giống như đa số các tăng nhân, Đạo Tế ăn mặc luộm thuộm và rách rưới, thỉnh thoảng lại còn ăn thịt. Có lần ông lấy đem đi bán những tăng bào rất đắt tiền của một vị sư tu luyện đã nhiều năm. Tóm lại, ông là một người rất khí chất khác thường, điều đó khiến các nhà sư khác lấy làm khó chịu và đặt cho ông biệt danh “Hòa Thượng Điên”.
Chỉ có vị sư trụ trì mới biết rằng Đạo Tế là người có căn cơ và luôn âm thầm bảo vệ để ông không bị trục xuất khỏi chùa. Lão hòa thượng gọi Đạo Tế là “Hòa Thượng đãng trí ham chơi”. Mặc dù tính tình cổ quái kỳ dị, Tế Công lại rất thật thà, tốt bụng và tuyệt đối tuân thủ giáo lý nhà Phật.
Ông giúp đỡ những người khốn cùng, viện trợ người đang hoạn nạn và cứu mạng họ. Người đời gọi ông là Tế Công hoặc “Tế Hòa Thượng”, và có rất nhiều giai thoại về những kỳ tích của ông. Ông được mô tả là một nhà sư ăn mặc rách rưới nhưng luôn vui vẻ, tay trái cầm quạt mo có thể triển hiện phép thần thông, tay phải cầm một bầu rượu, hoặc tràng hạt niệm Phật, hoặc thỉnh thoảng là một bó rơm khô.
Lấy củi từ dưới giếng
Một câu chuyện nổi tiếng kể rằng Tế Công đã dùng công năng để kéo gỗ từ dưới giếng. Để xây dựng lại chùa Tịnh Tử ở Hàng Châu, cần huy động rất nhiều gỗ, trong khi loại gỗ tốt nhất lại ở tỉnh Tứ Xuyên cách đó 900 dặm. Vậy nên, các hòa thượng đều cảm thấy vô vọng.
Nhưng điều đó không làm Tế Công chùn lòng. Ông đã dùng công năng chuyển hết khối gỗ này đến khối gỗ khác, những hòa thượng khác chỉ việc xếp gỗ vào vị trí. Đến khi một vị hòa thượng ra hiệu rằng đủ gỗ rồi, Tế Công đã lấy được một khối gỗ khác, nhưng khi nghe tiếng ra hiệu của vị hòa thượng kia thì dừng lại và một nửa khúc gỗ cuối cùng vẫn còn ngập nước giếng. Người đời sau đã xây một đình tưởng niệm tại đây và đặt tên là “Giếng Thần Mộc”.
Giúp đỡ đôi vợ chồng già ở “Đường Quạt”
Con đường mang tên “Đường Quạt” ở Hàng Châu đã để lại một câu chuyện khác về Tế Công.
Ngày xưa con đường này chưa mang tên và nơi đây có rất nhiều người nghèo sinh sống. Trong đó có một cặp vợ chồng lớn tuổi mở một cửa hàng nhỏ để bán và sửa quạt, nhưng việc kinh doanh không thuận lợi khiến họ trở nên cơ cực và đói khổ.
Một ngày nọ, có một vị hòa thượng rách rưới bước vào cửa hàng và nhờ đôi vợ chồng già sửa quạt giúp ông. Người chồng nhìn vào chiếc quạt mo rách nát và cười cay đắng: rách thế này thì làm sao mà sửa được đây. Ông ta chưa kịp nói gì thì hòa thượng kia đã biến mất. Mặc dù cặp vợ chồng già này rất nghèo, nhưng họ mủi lòng cho vị hòa thượng còn nghèo hơn họ, thế nên họ đã quyết định thay thế bằng một chiếc quạt mới mà không nói gì với vị hòa thượng.
Hai tiếng sau vị hòa thượng quay trở lại, cặp vợ chồng già đã trao cho ông ta chiếc quạt mới tinh. Hòa thượng vô cùng ngạc nhiên với chiếc quạt mới và gửi lại tiền sửa quạt. Khi bước ra khỏi cửa, hòa thượng nhìn xung quanh, lẩm bẩm điều gì đó với cái cửa và mỉm cười.
Cặp vợ chồng già sau đó phát hiện một cặp câu đối trên cánh cửa như sau: “Nghề quý có từ sự chăm chỉ và tấm lòng bao dung” và “Quạt đẹp đem lại sự thịnh vượng và phước đức cho đời.”
Câu chuyện nhanh chóng được lan truyền khiến nhiều người đến viếng thăm cửa hàng hơn. Việc kinh doanh của cặp vợ chồng già cũng được thuận lợi và họ không còn phải lo lắng về vấn đề lương thực nữa.
Sau này người ta nhận ra rằng vị hòa thượng đó chính là Tế Công và từ đó con đường được đặt tên là “Đường Quạt.”
Dịch Việt ngữ bởi: Nam Hoàng
Để đọc bản gốc trên Epoch Times, vui lòng click vào đây.