Truyền thông HK: Tập Cận Bình và những món quà “khác biệt” trong ngày sinh nhật
Ngày 15/6 là sinh nhật của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng là ngày dịch bệnh bùng phát trở lại ở Bắc Kinh. Thái Kỳ, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh, thuộc hạ thân tín của Tập, tuyên bố rằng muốn “nhanh chóng và nghiêm khắc” làm tốt công tác phòng chống dịch, coi như một món quà dâng lên cho Tập.
Theo tờ “Apple Daily” của Hồng Kông, ngày 15/6 là sinh nhật lần thứ 67 của lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, trước đó, ngày 14/6 là sinh nhật lần thứ 74 của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hai chính trị gia lớn nhất trên thế giới “nối tiếp” nhau kỷ niệm sinh nhật, đã gây ra nhiều tranh luận và so sánh gay gắt trong bối cảnh “cuộc đối đầu toàn diện” hiện nay giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.
Vào ngày sinh nhật của Trump, Israel tuyên bố sẽ thông qua ngân sách 8 triệu shekels (khoảng 2,3 triệu đô la Mỹ) cho khu tái định cư Do Thái có tên “Trump Heights” trên Cao nguyên Golan của Syria, nơi được Trump công nhận là chủ quyền của Israel. Các phương tiện truyền thông đều sử dụng tiêu đề “Ngài Tổng thống, chúc mừng sinh nhật”.
Ngoài ra tại khu bất động sản Mar-a-Lago, Palm Beach, Florida, các đoàn xe và tàu thuyền cùng diễu hành để tặng quà sinh nhật cho ông Trump. Nhiều xe mui trần, xe đạp điện, tàu thuyền đã diễu hành trên các cao tốc và bờ biển vào ngày hôm đó, một số xe cộ treo cờ để ủng hộ việc tái đắc cử tổng thống.
Thái Kỳ tặng một món quà sinh nhật “khác biệt” cho Tập
Vào ngày 15/6, không có bất kỳ bài báo nào về Tập Cận Bình trên các phương tiện truyền thông lớn trong nước Trung Quốc, cũng như không có ai đăng bài chúc mừng sinh nhật của ông Tập trên Weibo.
Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), ông Tập Cận Bình đã không ở Bắc Kinh trong vài ngày qua. Ông đã đến Ninh Hạ từ ngày 8 đến 10/6 để điều tra về công tác xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái. Nhưng sau đó các phương tiện truyền thông chính thức không đưa tin về hành tung của ông Tập Cận Bình trong nhiều ngày.
“Apple Daily” đưa tin rằng, vào ngày sinh nhật của Tập, do bùng phát dịch bệnh, tình hình nguy cấp, Bắc Kinh dưới sự quản lý của Thái Kỳ, thuộc hạ thân tín của Tập, đã tuyên bố “khởi động cơ chế thời chiến để phòng chống dịch bệnh”, “nhanh chóng và nghiêm khắc” làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, muốn dành cho Tập một món quà sinh nhật “khác biệt”.
Tư tưởng của Tập là chủ nghĩa Mác trong thế kỷ 21
Tờ báo “Thời báo Học tập” của ĐCSTQ đã xuất bản một bài báo “Tư tưởng Tập Cận Bình là chủ nghĩa Mác trong thế kỷ 21”, tặng Tập một món quà sinh nhật “khiêm tốn”.
Nhà bình luận về vấn đề thời sự Lưu Nhuệ Thiệu nói rằng, bài báo trên truyền thông của Đảng đã củng cố hệ tư tưởng cốt lõi của Tập Cận Bình thông qua giáo dục học đường, sau đó lại ca ngợi tư tưởng của Tập như chủ nghĩa Mác thế kỷ 21, tất cả là một trong chuỗi các dự án để thần thánh hóa Tập Cận Bình.
Lưu Nhuệ Thiệu tin rằng trong tương lai sẽ có nhiều bài báo ca ngợi Tập ở nhiều lĩnh vực khác nhau, thậm chí còn ca ngợi Tập là một “nhà giáo dục vĩ đại” và “người kế thừa tư tưởng Mao Trạch Đông”.
Các bài báo của Đảng gợi nhớ đến Cách mạng Văn hóa
Đài Á Châu Tự do dẫn lời các học giả Trung Quốc nói rằng truyền thông ĐCSTQ đã “biến tướng” chủ nghĩa Mác đến mức hoang đường.
Đối diện với xu hướng tách rời của các nước phương Tây, ĐCSTQ muốn mượn lý luận của tổ tiên để duy trì tính hợp pháp của chế độ. Các bài báo của Đảng cũng nhắc nhở mọi người về thời kỳ Cách mạng Văn hóa, ca ngợi tư tưởng của Mao Trạch Đông là đỉnh cao của chủ nghĩa Mác đương đại.
Các học giả nói rằng vấn đề lớn nhất của ĐCSTQ là lý luận của Đảng cầm quyền không thể tự biện minh cho chính mình. Tập Cận Bình muốn là người lãnh đạo của toàn thế giới, bản thân điều này đã vi phạm di huấn của Đặng Tiểu Bình, việc vội vàng muốn đứng đầu thế giới đã khiến bản thân rơi vào tình trạng cô lập trên toàn cầu. Các tờ báo của Đảng bây giờ lại đưa ra một bộ lý luận, chẳng khác gì “trang điểm cho xác chết”.
Vài ngày trước, Thái Hà, cựu giáo sư tại Trường Đảng Trung ương, đã chỉ trích các nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ là “một đám xã hội đen” và khẳng định rằng “Đảng này đã là một thây ma chính trị”. Thái Hà tin rằng chỉ khi thay đổi người cầm quyền thì Trung Quốc mới có lại được hy vọng.
Tuy nhiên Lý Nguyên Hoa, cựu phó giáo sư của Đại học Thủ đô Bắc Kinh, nói rằng mọi người đừng ôm bất kỳ hy vọng gì vào đảng cầm quyền này, lối thoát duy nhất là giải thể nó. Sau khi giải thể, Trung Quốc sẽ là một xã hội bình thường, giống như các nước phương Tây khác, có nền dân chủ, pháp quyền, các giá trị phổ quát, v.v. Nhưng nếu như ĐCSTQ còn tồn tại, những điều này đều sẽ không thể tồn tại.
Ông Chu, một học giả đã nghỉ hưu, không tiện nêu tên vì lý do an toàn, cũng nói rằng cho dù có thay thế người đứng đầu hay không, dù là Lý Khắc Cường, Vương Kỳ Sơn hay những người khác nắm quyền, cái này gọi là “quân tử chi trạch, ngũ thế nhi trảm” (một bậc quân tử khổ công xây dựng cơ nghiệp nhưng thế hệ sau không biết phát triển cuối cùng tất cả lụi tàn). Cuối cùng, ĐCSTQ khó tránh khỏi việc tiếp bước theo con đường của Liên Xô và phải đối mặt với một kết cục tàn khốc.
Gia Hưng (Theo NTDTV)